Việt Nam
hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh
vượng. Để trở thành nước công nghiệp, xét tiềm lực cơ sở vật chất, nhân lực và
quản trị xã hội của Việt Nam, chúng ta cần lấy điểm tựa cho công cuộc công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nông nghiệp (NN); công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trước hết là cho NN và phát triển nông thôn. Đó mới là gốc, là sức mạnh
nội sinh của chúng ta!
Nông
nghiệp không chỉ là lợi thế so sánh, là nguồn lực quan trọng của quốc gia, mà
còn là lựa chọn rất quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta muốn đất nước sớm
“cất cánh” thì các ngành, nghề, lĩnh vực khác phát triển như thế nào đều cần và
phải xoay quanh cái “trục” mang tính quyết định này, đó là NN, nông thôn và
nông dân.
Tuy
nhiên, thời gian qua, ngành NN của Việt Nam còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá
trình phát triển:
Một là, nền NN
Việt Nam về cơ bản vẫn còn là nền NN quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu
nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa
còn thấp hơn nữa. Nền sản xuất NN ấy được thể hiện qua các đặc trưng: thô về
sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng khoa học - công
nghệ và cơ giới hóa thấp, sức cạnh tranh thấp; thậm chí, ở một số lĩnh vực, đi
sau so với thế giới khá xa.
Bên cạnh
đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ
thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Số lượng doanh nghiệp lớn, nhưng
vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành NN còn ít.
Hai là, khả
năng cạnh tranh của các sản phẩm NN thấp do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng,
kích cỡ, màu sắc không đồng đều, thiếu nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc,
chưa có thương hiệu trên thị trường. Đa phần sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam
xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu(1); thị
trường xuất khẩu còn lệ thuộc nhiều vào nước ngoài; tăng trưởng nông sản xuất
khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá ở phân khúc chất lượng
thấp, chưa dựa vào lợi thế cạnh tranh về chất lượng.
Không
những thế, quy mô sản xuất NN manh mún, nhỏ lẻ. Diện tích bình quân đất
NN/người của Việt Nam tiếp tục giảm và ở mức thấp của thế giới; điều đó đã và
đang tác động trực tiếp đến việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, khai
thác lợi thế theo quy mô, cũng như việc triển khai ứng dụng các mô hình NN tiên
tiến. Sản xuất quy mô nhỏ thể hiện qua diện tích canh tác bình quân hộ nông dân
chỉ ở mức dưới 0,5ha(2).
Ba là, mô hình
sản xuất nông hộ chậm được đổi mới. Hình thức tổ chức sản xuất
chính trong NN ở Việt Nam là nông hộ, chiếm 90% tổng diện tích sản xuất NN, vẫn
là những gì hộ nông dân đã có từ thời sau đổi mới. Trong những năm qua, kinh tế
hộ gia đình đã phát huy hiệu quả, nhưng cũng đã tới ngưỡng “kịch trần” của xu
hướng phát triển theo chiều rộng. Bên cạnh đó, các nông hộ chưa chú trọng đầu
tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có, ít theo
tín hiệu thị trường. Kinh tế hộ là hạt nhân của kinh tế nông thôn, nhưng rất
cần nâng lên một tầm cao mới, một vị thế mới. Liên kết ngang trong sản xuất,
kinh doanh giữa nông dân với nông dân (dưới dạng tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã)
để nâng cao lợi thế cạnh tranh chưa được phát huy do hợp tác xã chưa thể hiện
được tính thiết thực với nông dân. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông
dân gặp khó khăn trong đàm phán và ký kết hợp đồng với nhiều hộ, rủi ro
cao, chi phí đầu tư lớn,...
Bốn là, đầu tư
vào NN chưa tương xứng với tiềm năng. Mức đầu tư vào NN còn hạn chế và dàn
trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế
quốc dân. Vì vậy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất
cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật
phục vụ trực tiếp sản xuất NN. Các dịch vụ hỗ trợ NN cũng chưa phát triển, đặc
biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và logistics. Các ngành công nghiệp chế
biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ
lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào NN không phát huy được hiệu quả.
Tác động tích cực của một số chính sách “cởi trói” trong NN và nông thôn dường
như đã tới hạn, thậm chí một số chính sách lại cản trở sự phát triển của NN.
Năm là, đời
sống kinh tế của người nông dân vẫn thấp và bấp bênh. Mặc dù bộ mặt nông thôn
đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân được cải thiện
đáng kể, song thu nhập tăng với tốc độ chậm, trong khi chi tiêu cũng tăng nên
khả năng tích lũy thực tế của hộ nông dân rất thấp. Vì vậy, người nông dân rất
khó tự đầu tư mở rộng sản xuất, tự nâng cao trình độ, hay tự ứng phó với những
cú sốc về giá cả hay rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.
Sáu là, lao
động trong ngành NN đa số trình độ thấp, có khoảng 70% số lao động chưa qua bất
kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào; lao động có trình độ đại học chỉ chiếm
khoảng 9%(3); còn thiếu kiến thức khoa học, kiến thức quản trị sản xuất, thông
tin thị trường nên chưa giúp doanh nghiệp và nông dân có quyết định đúng để
tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập. Vì thế, nhiều nông dân
sản xuất ra sản phẩm hôm nay không biết ngày mai bán cho ai, ở đâu, giá cả thế
nào, bao gói ra sao. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông
thôn thấp, nhưng thời gian lao động thực tế không cao. Tình trạng này gần giống
như lãn công trong các ngành kinh tế khác. Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân
số vàng”, nhưng thời kỳ này đang qua đi nhanh. Chúng ta hầu như chưa chuẩn bị
gì nhiều để đón nhận thời kỳ “dân số vàng” quý giá này cho ngành NN.
Bảy là, xu
hướng di cư ra khỏi khu vực nông thôn đang diễn ra mạnh, nhưng số lượng tuyệt
đối các hộ sống ở nông thôn vẫn tiếp tục tăng. Nông dân chuyển đổi sinh kế theo
hướng giảm tỷ trọng NN, nhưng tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức rất cao(4). Tỷ lệ
người cao tuổi sống ở nông thôn là 67,2% (tương ứng là 7,7 triệu người), gấp 2
lần người cao tuổi sống ở khu vực thành thị, đời sống vật chất còn gặp nhiều
khó khăn và sẽ tiếp tục tăng cùng với hàng triệu lao động từ các khu công
nghiệp sẽ quay về nông thôn(5). Đây là một gánh nặng
không nhỏ cho phát triển nông thôn.
Tám là, nhiều
lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn phục vụ NN chậm được triển khai. Các
lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công
nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến và chế biến sâu và các lĩnh vực khoa học
của kỷ nguyên số,... ứng dụng vào NN còn thấp do thiếu nhân lực trình độ cao và
đầu tư chưa đồng bộ, vì vậy chậm được triển khai. Hầu như các loại giống cây
trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, phần lớn vật tư NN,... đều là sản phẩm
ngoại nhập.
Bên cạnh
đó, điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo
bị tụt hậu, không đồng bộ so với nhu cầu, nhiệm vụ và so với mặt bằng chung của
các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về NN của các nước có nền NN tiên tiến mà chúng
ta đang hướng tới; thiếu các nghiên cứu chuyên sâu nâng cao giá trị gia tăng
trên một đơn vị sản phẩm nói riêng, cho sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt
Nam nói chung.
Chín là, làng -
không gian sinh tồn của người nông dân - đang bị “biến dạng”. Diện mạo và đặc
trưng của nông thôn Việt Nam là làng; không gian sống của người nông dân, cụ
thể và gắn bó nhất, là làng. Làng mới làm nên sức mạnh văn hóa và văn hiến Việt
Nam, làm nên sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, làng mất dần
các không gian văn hóa đặc trưng xưa, cần “gạn đục, khơi trong” trong quá trình
xây dựng nông thôn mới để làng vẫn giữ được không gian này, nhưng với hơi thở
mới, mang tính thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét