Trong những năm qua, với sự đổi mới, cởi mở về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước nên đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Song, sự đa dạng, phức tạp của tôn giáo cũng là “mảnh đất” mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là trên một số hoạt động như sau:
Một là, các thế lực bên ngoài tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo để vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện, phía Hoa Kỳ đã có thái độ cởi mở hơn trong tiếp cận vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam; mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại giữa hai bên để giải quyết những khác biệt trong việc tiếp cận vấn đề tự do tôn giáo. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ và các nước Phương Tây vẫn tìm cách can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về tự do tôn giáo; tiếp tục coi việc thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo là “yếu tố quan trọng cho sự can dự mở rộng của Hoa Kỳ với Việt Nam”; tiếp tục dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam “vi phạm nhân quyền” và “đàn áp tôn giáo”. Một số tổ chức phi chính phủ và các đài, báo nước ngoài như: Tổ chức theo dõi nhân quyền; Tổ chức Ân xá quốc tế; VOA, RFA, RFI, BBC… lợi dụng sự quan tâm của các nước Phương Tây đối với vấn đề tự do tôn giáo để gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá Việt Nam; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”; thường xuyên đăng tải các bài viết với nội dung xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam; khai thác, đăng tải các thông tin về việc chính quyền xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo để lồng ghép các nội dung xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Hai là, các đối tượng chống đối, cực đoan trong các tôn giáo thường xuyên lợi dụng các hoạt động tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Cùng với đó, các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo tăng cường đẩy mạnh hoạt động chống đối với nhiều thủ đoạn khác nhau, như: Cung cấp thông tin xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Lợi dụng các vụ việc phức tạp về tôn giáo xảy ra tại một số địa phương để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, kêu gọi bên ngoài can thiệp. Đồng thời kích động chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, lấn chiếm đất đai, phản đối việc triển khai thực hiện một số dự án phát triển kinh tế – xã hội; lợi dụng các vụ việc phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo xảy ra tại các địa phương để tuyên truyền, xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam, kêu gọi bên ngoài can thiệp vào vấn đề tự do tôn giáo ở trong nước.
Ba là, các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ” phát triển ở nhiều địa phương. Theo thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo các địa phương từ năm 2023 đến nay, hiện có khoảng gần 100 hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ” đang hoạt động tại Việt Nam, với khoảng gần 30.000 người tin theo; với giáo lý, giáo luật vay mượn của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận; lợi dụng nhận thức của người dân còn hạn chế; lợi dụng người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật… để tiếp cận, hỗ trợ và lôi kéo tham gia. Các hoạt động này không chỉ gây mâu thuẫn trong quần chúng, ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị – xã hội của địa phương và đất nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Đáng chú ý, một số tổ chức như Pháp luân công, “Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam” còn lôi kéo nhiều cán bộ, công chức tham gia.
Bốn là, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và ngăn chặn. Hiện nay, nhiều hoạt động tôn giáo như: Giảng đạo, truyền đạo; đào tạo chức sắc, bồi dưỡng giáo lý, xuất bản kinh sách điện tử; hội thảo, sinh hoạt tôn giáo… diễn ra nhiều trên không gian mạng nhưng không xin phép cơ quan chức năng, không cần địa điểm, không kiểm soát được số người tham gia; một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch chuẩn, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh có yếu tố mê tín dị đoan diễn ra trên môi trường mạng, gây dư luận bức xúc trong xã hội và trong cộng đồng các tín ngưỡng, tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu đời sống tôn giáo mạng, các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều lập các trang website, fanpage trên facebook, kênh youtube… Các hoạt động này đã làm xuất hiện “cộng đồng cư dân tôn giáo trên không gian mạng” vừa mang tính “ảo” vừa mang tính “thực”, khó kiểm soát, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Những vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Để nhận diện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; đặc biệt phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Quân đội và Công an là lực lượng tiên phong, đi đầu trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng; thường xuyên phối hợp, trao đổi, nắm bắt, dự báo, đánh giá tình hình, kịp thời xử lý các tình huống và quản lý chặt chẽ tình hình an ninh chính trị, dư luận xã hội trên địa bàn; tích cực quán triệt, tuyên truyền, định hướng thông tin, dư luận cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời chỉ ra những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để nâng cao “sức đề kháng” và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới./.
Ảnh: Thiếu tướng Đinh Mạnh Phác, Phó Tư lệnh Quân khu nắm tình hình công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét