Nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tổ chức phản động tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động, vu cáo Ðảng, Nhà nước trên không gian mạng, với rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.
Nổi lên gần đây là việc lập kênh mạng xã hội để cổ xúy, ca
ngợi những đối tượng là người H’Mông có hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của
Ðảng và Nhà nước Việt Nam hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đang thụ án tại
các cơ sở giam giữ trong nước, coi họ là nạn nhân của chế độ trong nước, qua đó
lôi kéo, kích động hận thù và chia rẽ trong đồng bào dân tộc thiểu số, xuyên tạc
tình hình nhân quyền tại Việt Nam...
Nổi lên trong số này là những tổ chức phản động như Hmong
United for Justice (Liên minh người H’Mông vì công lý - HUJ), Hmong Human
Rights Coalition (Liên minh nhân quyền người H’Mông - HmongHRC), Against
Religion Oppression (Chống lại sự đàn áp tôn giáo), Xaivcialis CMA..., tự xưng
là các tổ chức độc lập, ôn hòa, không liên quan đến bất kỳ nhóm hoặc cá nhân
nào xúi giục thúc đẩy, âm mưu hoặc tiếp tay cho việc sử dụng bạo lực vì bất kỳ
mục đích gì, song trên thực tế đây đều là những "tổ chức ma" do Vàng
Chỉnh Mình (là người dân tộc H’Mông, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hiện đang
định cư tại Mỹ) và số đối tượng trong HUJ lập ra. Từ đó, tạo thành hệ thống
"chân rết" với nhiều kênh tuyên truyền để tìm kiếm, lôi kéo người
H’Mông nhẹ dạ, cả tin nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối.
Mục tiêu chính của chúng là tìm ra các đối tượng người
H’Mông được học tập, đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục của nhà nước, được
thụ hưởng những ưu đãi của chế độ dành cho người dân tộc thiểu số nhưng vì một
lý do nào đó trở nên bất mãn, lầm lạc hoặc suy thoái, biến chất, cố tình lợi dụng
quyền tự do, dân chủ để "trở cờ", xuyên tạc chủ trương, đường lối,
chính sách của Ðảng, Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật về công tác tôn giáo,
dân tộc. Sau đó, chúng tập hợp, tổ chức, hỗ trợ cho các phần tử chống phá này
cùng gia đình vượt biên trái phép sang Thái Lan, lập hồ sơ xin tị nạn sang các
nước thứ ba như Mỹ, Canada để gửi tới Văn phòng của Cao ủy về Người tị nạn của
Liên hợp quốc (UNHCR).
Bên cạnh đó, lợi dụng tập quán du canh, du cư của một số đồng
bào H’Mông tại các khu vực biên giới, các đối tượng đã thu nạp thành công một số
người dân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, cực đoan nhằm củng cố vây cánh để cùng thực
hiện những thủ đoạn chống phá mới, mà nổi lên là các chương trình phỏng vấn
"nạn nhân người H’Mông của Nhà nước Việt Nam".
Thông qua chương trình, những đối tượng này đề cập đến một số
vụ án, vụ việc vi phạm an ninh, trật tự, hộ tịch, đất đai, tôn giáo trong quá
khứ liên quan đến một số người H’Mông vốn đã được cơ quan chức năng xử lý công
bằng, dân chủ, minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, bằng thủ đoạn ngụy tạo nhân chứng, đánh tráo khái
niệm, họ vu cáo Ðảng và Nhà nước Việt Nam đàn áp, bắt bớ, phân biệt đối xử với
người H’Mông khiến dân tộc này "bị cô lập", "bức hại",
"mất đất đai", "không được thực hành niềm tin tôn giáo",
"không được thụ hưởng các chính sách an sinh, xã hội", "không được
cấp giấy tờ tùy thân". Thậm chí, họ còn bịa đặt trắng trợn rằng bản thân
và gia đình sẽ gặp nguy hiểm, có thể bị sát hại nếu quay về Việt Nam.
Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng có
tính chất chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác ở
vùng đồng bào dân tộc. Trên cơ sở này, chính quyền tại các địa phương đã triển
khai nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo,
phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, nhấn mạnh đến các
chính sách đối thoại, gặp gỡ, giải đáp các khúc mắc của đồng bào đang sinh sống
tại địa bàn trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở để cùng nhau tìm ra các chính
sách tối ưu nhất phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và tình hình thực tế.
Thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm chăm lo, thực hiện tốt
chính sách đối với đồng bào người dân tộc thiểu số, Việt Nam cần tiếp tục quan
tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin, đối ngoại để những thành tựu
trong bảo vệ, bảo đảm, phát huy đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các
dân tộc thiểu số nói chung, người H’Mông nói riêng được cộng đồng quốc tế biết
đến một cách rộng rãi, đầy đủ, thuyết phục.
Cùng với đó, cần nhanh chóng vạch trần âm mưu, quyết liệt đấu
tranh trước các thủ đoạn lợi dụng quyền tự do, dân chủ để đòi "ly
khai", "tự trị" các tổ chức chống phá người H’Mông lưu vong.
Song song với việc phát huy hiệu quả công tác dân tộc, cần lồng ghép công tác
này với các nhiệm vụ chuyên môn để các cơ quan chức năng thường xuyên bám sát
cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên
địa bàn, không để xảy ra các "điểm nóng" về an ninh, trật tự../.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét