Để kiểm soát quyền lực, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng cơ chế;
theo đó, hoàn thiện hệ giải pháp đồng bộ, phù hợp và khả thi, với các thể chế
và định chế, theo phương châm “dễ hiểu, dễ làm và dễ kiểm tra”.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, ngày 16-10-2016, lần đầu tiên Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế,
pháp luật”(6). Nói một cách hình tượng, “lồng cơ chế” đó chính là sự
tổng hòa hệ thống kỷ luật của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đó là
Quốc pháp và Đảng cương. Nhưng, trung tâm của Quốc pháp và Đảng cương là sự tín
nhiệm của nhân dân - chủ thể quyền lực nhà nước, mà thước đo là lòng dân đối
với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược. Ba nhân tố rường cột này hợp
thành cơ chế kiểm soát quyền lực.
Có thể khẳng định ở đây, quá trình đổi mới và xây dựng cơ chế kiểm
soát quyền lực thực chất là quá trình vạch ra những “độ” tồn tại của quyền lực, với
những giới hạn cho phép về mặt lịch sử, mà người được ủy quyền hoặc được trao
quyền lực không được phép vượt qua theo thẩm quyền và trách nhiệm, trong bất cứ
hoàn cảnh, cả điều kiện trên nền tảng pháp lý và đạo lý, để bảo đảm quyền lực
được kiểm soát, cân bằng. Vì vậy, cần lưu ý rằng, việc đổi mới, sáng tạo cơ chế
kiểm soát quyền lực chính là việc xác định hệ thống chỉnh thể bao gồm toàn thể
các yếu tố (chính trị, pháp luật, đạo đức...) có liên quan tác động lẫn nhau
một cách tự nhiên và tất yếu để nhằm đạt mục đích, còn cơ chế chính là cấu trúc
vận hành, nhằm truyền nối động cơ giúp vận hành toàn bộ hệ thống, từ bên trong
tới bên ngoài, từ chủ thể tới khách thể; nếu một yếu tố nào đó không có giá trị
trong chỉnh thể và không bảo đảm tính thống nhất thì hệ thống đó không tồn tại,
dẫn đến cơ chế sẽ bị phá vỡ.
Do đó, để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với các nhân
tố cấu thành cơ chế (điều kiện cần và đủ, phương thức thực thi, các công cụ và
điều kiện hỗ trợ...), phải có đủ ba nhân tố căn bản, có tính rường cột hợp
thành và chi phối cơ chế kiểm soát quyền lực, đó là: Quốc pháp - Đảng cương -
Sự tín nhiệm của nhân dân. Nếu thiếu đi một trong ba nhân tố căn bản này, nhất
định sẽ không có bất cứ một cơ chế kiểm soát quyền lực nào tương thích và hữu hiệu
đáp ứng với tình hình hiện nay.
Các giải pháp căn bản và chủ yếu thực thi kiểm soát quyền lực
Một là, định lượng hóa và cụ thể hóa trách nhiệm theo thẩm quyền
trên từng phương diện, như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng... và
từng vị trí, chức vụ bảo đảm đúng quyền, rõ quyền, đủ quyền và thực quyền; theo
đó, định lượng hóa để cụ thể hóa những biểu hiện tha hóa, thoái hóa quyền lực
với phương châm “xây kết hợp với chống”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, không thể
dung nạp những “quyền lực ngoài quyền lực”, “quyền lực ngầm”, “quyền lực
đen”... Những cá nhân, tổ chức được giao quyền, ủy quyền, phải tự kiểm soát
mình bởi pháp luật và kỷ luật. Đây là việc rất khó, vì điều khó khăn nhất đối
với mỗi con người chính là chiến thắng được chính bản thân mình.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới và định rõ mối quan hệ giữa người đứng
đầu với tập thể lãnh đạo, quản lý; giữa thẩm quyền các bên; giữa cấp trên với
cấp dưới; giữa bên trong tập thể lãnh đạo, quản lý với bên ngoài, trong hệ
thống và ngoài hệ thống; giữa cơ quan kiểm soát quyền lực với người và tổ chức
được trao hoặc ủy thác quyền lực trong một chỉnh thể hữu cơ, không cắt khúc,
không khép kín, không ngoại lệ, trên cơ sở trách nhiệm giải trình công khai và
dân chủ. Việc buông lỏng quyền lực hay quyền lực bị tha hóa, thoái hóa - cả hai
đều nguy hiểm như nhau; theo đó, muốn hạn chế, đẩy lùi tình trạng trên, đội ngũ
cán bộ cần được đào tạo một cách đầy đủ về pháp luật, khoa học tổ chức, khoa
học hành chính ngang tầm trọng trách.
Hai là, đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực theo
nguyên tắc quyền hạn song hành và gắn với trách nhiệm, mọi quyền lực đều phải
được kiểm soát và kiểm soát nghiêm ngặt các cơ quan kiểm soát quyền
lực. Đổi mới và hoàn thiện, bảo đảm thống nhất các quy định của Đảng với
hệ thống pháp luật của Nhà nước một cách toàn diện, đồng bộ và cụ thể. Cần nhấn
mạnh, tiếp tục hiến định và luật định hóa quyền lực của nhân dân - với tư cách
là chủ thể quyền lực quốc gia - trong việc kiểm soát quyền lực được nhân dân ủy
quyền, giao phó cho người đứng đầu trong bộ máy của Đảng, bộ máy của Nhà nước
và bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở định lượng hóa và cụ thể hóa về thẩm quyền, tiếp tục
xây dựng, hoàn thiện cơ chế về cá thể hóa trách nhiệm trong việc chất vấn, giải
trình, phản biện một cách dân chủ, công khai, minh bạch đối với người được giao
và giữ quyền lực (người, tổ chức và công việc); đồng thời, có định chế minh
bạch về nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, quản lý, quản
trị (gồm các cá nhân thành viên ban lãnh đạo với vị trí công vụ của mỗi người),
theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm dựa trên nền tảng nguyên tắc tập trung
dân chủ một cách thống nhất, thông suốt. Gắn công tác kiểm tra, giám sát của
Đảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của nhân dân trong việc kiểm
soát quyền lực một cách đồng bộ, thống nhất, liên thông và chặt chẽ. Thực hiện
đồng thời cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám
sát từ dưới lên; giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân
dân. Công khai hóa, minh bạch hóa là con đường ngắn nhất, là phương pháp tốt
nhất để giám sát, kiểm soát quyền lực của cá nhân hay tập thể. Định vị cơ chế
thưởng - phạt một cách dân chủ, minh bạch, chính xác, kịp thời, không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, không có giới hạn cuối cùng trong kiểm soát quyền lực.
Ba là, đổi mới và xây dựng bộ máy thực thi công việc kiểm soát
quyền lực (kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát...) trong tổng thể tiến
trình đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị các cấp theo
hướng liên thông, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn đội ngũ cán bộ giữ
chức năng, nhiệm vụ kiểm soát việc thực thi quyền lực là nhiệm vụ có ý nghĩa
rất quan trọng, là nhân tố quyết định thành bại của việc kiểm soát quyền lực.
Do đó, những người được trao trọng trách kiểm soát quyền lực trong các cơ quan
có thẩm quyền phải là những người trung thành, tinh nhuệ, liêm chính, mẫn cán,
dũng cảm, hành động công vụ theo kỷ luật và pháp luật một cách nhân văn. Đặc
biệt, trước yêu cầu cấp bách hiện nay, càng cần phải thực thi kiểm soát quyền
lực một cách nghiêm ngặt ở các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát quyền
lực.
Bốn là, xây dựng và phát triển môi trường chính trị - xã hội bảo đảm
kiểm soát quyền lực một cách bao trùm, rộng khắp và chặt chẽ. Trọng tâm của
công việc đổi mới thể chế là bảo vệ vô điều kiện sự tham gia và phát huy mạnh
mẽ vai trò của nhân dân - với tư cách là chủ thể quyền lực, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng
và truyền thông xã hội trong giám sát, phát hiện, tố cáo sự tha hóa, thoái hóa
quyền lực của cá nhân và tổ chức được ủy thác hoặc được trao quyền lực.
Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức là một môi trường kiểm soát quyền lực
trực tiếp, dân chủ, công khai, cụ thể thông qua các định chế phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, kỷ luật đảng, Hiến pháp và pháp luật.
Đây là công việc bảo đảm kiểm soát từ ngoài vào, từ dưới lên... cả về phương
diện pháp lý lẫn bình diện đạo lý xã hội và dư luận xã hội (hiện đang bị ngăn
trở bởi không ít “cục nghẽn mạch” về thể chế cần được dỡ bỏ). Đây là công việc
quan trọng, vẫn đang còn không ít “khoảng trống” cần phải nhanh chóng được lấp
đầy để thực thi và bảo vệ quyền lực của nhân dân có hiệu quả. Bởi lẽ, chỉ cần
nhìn trong 10 năm qua, có tới 75% số vụ việc liên quan tới vi phạm pháp luật do
lợi dụng quyền lực dưới mọi hình thức và mức độ là do nhân dân và công luận
phát hiện. Hơn lúc nào hết, hiện nay, chính trị phải là sự thanh
khiết từ to đến nhỏ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói; và lòng tin của nhân
dân, sức mạnh của công luận có vai trò vô cùng quan trọng cho việc thực hiện
nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Năm là, đổi mới và thống nhất các công cụ khác
trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện
hiến định và luật định về quyền thông tin và được thông tin (về cá nhân, tổ
chức và thẩm quyền của họ theo luật định); về quyền và trách nhiệm giám sát, về
phương thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát; về quyền được trưng cầu ý kiến, lựa
chọn và bãi miễn của nhân dân đối với cá nhân và tổ chức. Tất cả nhằm khắc
phục sự chồng lấn, không minh bạch giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập
thể, ngăn chặn nạn nhân danh tập thể để mưu đồ lợi ích cá nhân hoặc “ẩn nấp”
trong danh nghĩa tập thể để che giấu, trốn tránh, rũ bỏ trách nhiệm cá nhân,
làm cho quyền lực nằm ngoài vòng giám sát, kiểm soát; nhân danh “tổ chức kiểm
soát quyền lực” mà dung túng, bao che cho hành vi lợi dụng quyền lực, thậm chí
cả những “quyền lực đen”, “quyền lực ngầm”, “quyền lực trong bóng tối”... Theo
đó, cần xác định rõ quyền lực tối thượng của nhân dân trên phương diện này
và quyền lực ấy phải tiếp tục được luật hóa một cách cấp thiết.
Sáu là, tiến hành việc gắn kiểm soát
quyền lực cá nhân và tổ chức ở trong nước với kiểm soát họ ở ngoài nước (khi công
tác và hoạt động ở ngoài nước), chủ động tăng cường hợp tác, trao đổi, tham
chiếu kinh nghiệm với nước ngoài trong việc kiểm soát quyền lực. Cần tiếp thu,
tiếp biến kinh nghiệm cầm quyền của các đảng cầm quyền và kinh nghiệm của các
nước trên thế giới, một cách cầu thị, không kỳ thị, không xa lánh; đồng thời,
hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới, là công việc cần thiết và rất
quan trọng.
Thực tiễn vừa qua đã vạch rõ những mưu đồ gây rối việc kiểm soát
quyền lực đối với những cá nhân và tổ chức liên quan với nước ngoài; đồng thời,
tạo nên những “vùng trắng”, “vùng trống”, biến đây thành những “lỗ hổng thoát
tội”, “vùng tránh”, “vùng né”, “vùng trốn”, nơi tẩu tán “nhân sự”, tẩu tán tài
sản trong thực thi kiểm soát quyền lực đối với sự tha hóa và thoái hóa quyền
lực. Và trước mắt, với bao nhiêu công việc và từ kinh nghiệm thực tiễn cho
thấy, khi Việt Nam đang trên con đường đổi mới và phát triển, thì càng cần phải
tăng cường kiểm soát quyền lực và thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực một cách
thực chất, hiệu quả.
HAIVAN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét