Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

 

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG – “MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM”

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân. Với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống. Những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua, minh chứng cho chủ trương đúng đắn, kiên quyết, kiên trì của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Thế nhưng, lợi dụng vào đó các thế lực thù địch, phản động đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá.

Mới đây, trên trang Vietnamthoibao, Nguyễn Đình Cống có bài viết “Phải chăng họ chỉ lo việc vuốt đuôi” để tuyên truyền, xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng và nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện. Nguyễn Đình Cống cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay chủ yếu là chống chứ “chưa phòng hiệu quả”; “chưa tìm đúng nguyên nhân cơ bản”; “Ban Phòng chống tham nhũng chỉ mới chạm vào cái đuôi chứ không chặn được cái đầu, không làm được như tên gọi là phòng chống”. Y còn cho rằng “để tìm ra nguyên nhân cơ bản của tham nhũng hãy để cho tự do ngôn luận được thực thi thì chẳng mấy chốc sẽ tìm ra”…

Thực chất, đây là luận điệu xuyên tạc hoàn toàn vô căn cứ, suy diễn chủ quan của cá nhân Nguyễn Đình Cống. Ý đồ sâu xa của Y là đổ lỗi cho cơ chế, do “chủ thuyết chính trị”… để từ đó hướng dư luận tin theo chúng hòng gây mất niềm tin của Nhân dân với Đảng; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; kích động tư tưởng “đa nguyên, đa đảng”; cổ xúy cho các trang báo “lá cải”, trang mạng xã hội của chúng tự do phát triển, tự do chống phá.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ, tham ô, tham nhũng là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, tồn tại ở mọi chế độ chính trị với những mức độ và dạng thức khác nhau, gắn liền với nhà nước và quyền lực, không phải của riêng chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính chất nguy hiểm của tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến đội ngũ cán bộ, công chức; nếu nó không được ngăn chặn, triệt bỏ sẽ gây cản trở lớn cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Hệ lụy kéo theo là làm suy thoái đạo đức, lối sống trong đội ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Đấu tranh loại bỏ tham nhũng là quy luật mang tính tất yếu xuất phát từ tính chất nguy hại của hiện tượng này đối với xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp mà bất kỳ thể chế chính trị hay quốc gia nào cũng phải quan tâm để xóa bỏ tận gốc khuyết tật đó.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở để bảo đảm tính nghiêm minh, tính chính xác, không bỏ lọt người, lọt tội, cũng không để oan sai ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân. Quá trình đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tìm đúng nguyên nhân, phân tích nguyên nhân kỹ lưỡng để kết luận theo kết quả kiểm tra, giám sát bảo đảm tính nghiêm minh, chính xác, đó là yêu cầu bắt buộc, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp. Vì vậy, quan điểm của Đảng, Nhà nước là “phòng” trước, “chống” sau; “phòng” là chính, “chống” là bắt buộc phải thực thi – đó là mệnh lệnh từ trái tim, khối óc của những người cách mạng chân chính vì sự trong sạch vững mạnh của Đảng, vì sự phát triển chung, bền vững của đất nước.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện được điều đó, vấn đề mang tính tất yếu và then chốt của Đảng là luôn phải tự đổi mới, chỉnh đốn, đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất,… trong nội bộ và hệ thống chính trị. Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua các thời kỳ đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị lớn lao, dù khó khăn, lâu dài nhưng vẫn không chùn bước trước “nạn giặc nội xâm”. Thời gian vừa qua, một loạt các sai phạm được đưa ra xét xử nghiêm minh. Điều này khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, có đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” góp phần thức tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn từng bước và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái, đưa đất nước phát triển thịnh vượng, bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét