Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

 KHÓM SẮN TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN


Khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, các ý kiến đều ủng hộ, thống nhất rất cao với những nội dung của dự thảo luật. Không những vậy, với tình cảm và sự quan tâm rất đặc biệt dành cho QĐND Việt Nam, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhiều đại biểu Quốc hội còn đề xuất những chính sách mới ưu tiên hoặc nới rộng hơn so với đề xuất của Chính phủ. Và cũng bởi thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã được Quốc hội thống nhất thông qua chỉ sau một kỳ họp.


Có đại biểu Quốc hội đã lấy chính câu chuyện gia đình mình, về người cha là sĩ quan Quân đội để chứng minh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ. Vị đại biểu Quốc hội này kể rằng, trong những năm kháng chiến, bố mình đã xông pha nơi chiến trường ác liệt, giữa bom rơi, đạn nổ. Hòa bình lập lại, ông cũng không được ở bên gia đình, cha mẹ, vợ con như bao người khác mà thường xuyên đóng quân ở nhiều đơn vị, nhiều vùng miền trong cả nước.


Sau khi lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó, chi tiết Đại tướng Phan Văn Giang kể về những khóm sắn trên đỉnh Trường Sơn khiến người nghe rất xúc động.


Chuyện rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi hành quân đến các trạm giao liên dọc con đường Trường Sơn, đáng lẽ đó là thời gian quý báu để nghỉ ngơi sau chặng đường dài đầy gian nan, vất vả nhưng bộ đội ta luôn tranh thủ lao động, đặt thêm những hom sắn (miền Nam gọi là khoai mì) quanh trạm. Những nơi có sẵn đất, bộ đội chỉ việc đào hom để trồng. Những nơi chưa có đất, hoặc đất đã được trồng sắn kín rồi, bộ đội lại phát rừng để trồng thêm. Bộ đội trồng sắn như vậy không phải để dành cho mình mà để cho những đồng chí, đồng đội đến sau, nếu hết gạo thì đã có sẵn sắn, không lo bị đói. Việc làm ấy cho thấy, Bộ đội Cụ Hồ luôn chủ động tham gia lao động sản xuất để lúc nào cũng có sẵn lương thực phục vụ chiến đấu lâu dài. Điều đó càng là minh chứng cho thấy QĐND Việt Nam luôn là một khối thống nhất, đoàn kết chặt chẽ, không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân lao động sản xuất.


Những khóm sắn trên đỉnh Trường Sơn năm nào không chỉ là nguồn bổ sung lương thực cho bộ đội mà cao hơn, đó là sự gửi gắm tình yêu thương đồng chí, đồng đội. Đó cũng là biểu hiện điển hình của tinh thần đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, tự nguyện lao động sản xuất, không màng tới việc mình có được hưởng thành quả hay không, người đi trước cứ trồng để người đến sau sẽ được hưởng thành quả lao động ấy.


Từ câu chuyện khóm sắn trên đỉnh Trường Sơn, tôi chợt nhớ về những người thợ quân giới trong các nhà máy công nghiệp quốc phòng mà mình từng gặp. Nhiều người thợ quân giới có tay nghề cao, có nhiều cơ hội làm việc cho các doanh nghiệp bên ngoài với mức lương hấp dẫn, nhưng họ đã lựa chọn ở lại, gắn bó, xây dựng đơn vị. Với họ, có những giá trị còn cao hơn nhiều so với lương và thu nhập, đó là niềm tự hào thiêng liêng khi được đứng trong hàng ngũ vinh quang của Bộ đội Cụ Hồ. 


Tôi cũng nhớ tới những đồng đội của mình đang công tác tại các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Sau những giờ trên thao trường đổ mồ hôi, thay vì nghỉ ngơi, họ lại tay cuốc, tay xẻng trồng rau, nuôi cá, chăm heo... tăng gia sản xuất để vừa tự phục vụ nhu cầu của bản thân vừa giúp đỡ nhân dân nơi đơn vị đóng quân.


Bộ đội Cụ Hồ là thế, luôn thầm lặng, kiên cường; luôn thể hiện trách nhiệm cao vì Tổ quốc, vì nhân dân. Cũng bởi thế, Bộ đội Cụ Hồ luôn được tin yêu, ủng hộ./.


Quân đội Nhân dân

Đ21/HạtLửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét