Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội.
Tác động tới an ninh - chính trị
Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có khả năng
thích ứng tương đối tốt với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhờ sự chủ động
tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về
ngành công nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các
cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Trong thời gian qua,
tỷ lệ ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng
gia tăng, nhiều sản phẩm được đưa vào trang bị trong các ngành, nghề. Tuy
nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tạo ra nhiều thách thức
đối với việc bảo đảm an ninh - chính trị của Việt Nam. Sự tăng trưởng năng động
của Việt Nam cùng với sự bùng nổ của các công nghệ hiện đại khiến tỷ lệ tham
gia internet của các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân ngày
càng nhiều và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Thời gian gần đây,
số lượng các cuộc tấn công các trang mạng của các cơ quan chính phủ, hệ thống
tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, doanh nghiệp tại Việt Nam...
nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, đánh cắp thành tựu khoa học - công
nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng gia tăng. Theo thống kê của nhà sản xuất phần
mềm bảo mật Kaspersky, Việt Nam có số lượng máy tính điều khiển hệ thống công
nghiệp bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, với tỷ lệ gần 70%(10). Trong
khi đó, nền tảng kết cấu hạ tầng mạng của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng bảo mật,
chưa được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Thực trạng này không chỉ đặt ra
thách thức đối với an toàn của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn
các hoạt động lợi dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông
tin xấu, độc, sai sự thật nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền
chống phá chế độ. Điều này tác động trực tiếp tới vấn đề ổn định chính trị - an
ninh của Việt Nam.
Tác động tới kinh tế
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội
cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Nhờ tiềm năng to lớn của chuyển đổi số và sự cải thiện đáng kể của các trụ cột
chính để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như hạ tầng công nghệ
thông tin, nguồn nhân lực và thể chế thời gian qua chính là điều kiện để Việt
Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
mang lại. Nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này nếu có chiến
lược phát triển đúng hướng, như thương mại điện tử, du lịch, công nghệ thông
tin, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, chính phủ điện tử... Đặc biệt,
trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc
tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn và chất lượng
cao, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),
Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA),... sẽ tạo điều
kiện tiếp cận thành tựu công nghệ sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá
trị toàn cầu, tạo cơ sở để Việt Nam có thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế,
tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam
và các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo dự báo, tới năm 2030, cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt
Nam từ 28,5 tỷ USD - 62,1 tỷ USD, tương đương 7% - 16% GDP.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra
sức ép lớn đối với một số ngành, nhóm ngành, như năng lượng, công nghiệp chế tạo,
dệt may, điện tử... trong trung hạn. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong
khi thế giới đang tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Việt Nam vẫn
đang ở giai đoạn tương ứng với trình độ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ hai với
công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và chủ yếu tham gia chuỗi giá trị khu vực
và toàn cầu ở một số khâu đơn giản, giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp
ráp... Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là các MSME phải đối mặt
với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Trong báo cáo của Tập đoàn
Cisco năm 2018 về chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu
vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, các rào cản của MSME Việt Nam bao gồm
thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh
để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các
thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)...
Tác động tới xã hội
Đối với Việt Nam, 86% lao động trong các ngành dệt may và
giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư. Con số này sẽ còn lớn hơn vì dệt may và giày dép lại là
các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động nhất (ngành dệt may khoảng gần
2,3 triệu người, trong đó 78% là lao động nữ; ngành giày dép khoảng gần 0,98
triệu người, trong đó có khoảng 74% là lao động nữ). Trong số đó, có nhiều lao
động ít kỹ năng (với 17% và 26% lao động trong ngành dệt may và giày dép chỉ có
trình độ tiểu học) và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên:
35,84% đối với ngành dệt may và 25,37% đối với ngành giày dép(13).
Có thể thấy rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã
và đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam
Á như Việt Nam nhờ vào chuyển đổi kinh tế số để có thể rút ngắn khoảng cách
phát triển. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam,
nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Vì vậy, việc khéo léo lựa chọn con đường phát triển phù hợp là bước đi phù hợp
để có thể vừa tránh được những rủi ro, vừa tận dụng tối đa các cơ hội do cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét