Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: ĐỘI TIÊN PHONG TRƯỚC SỨ MỆNH LỊCH SỬ!

         Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc, đang gánh vác sứ mệnh lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới!

Với 95 năm lịch sử hào hùng cùng nỗ lực không ngừng xây dựng, chỉnh đốn, Đảng ta chiếm trọn niềm tin yêu của nhân dân và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.

1. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và đối mặt với nhiều thách thức mới, Đảng ta không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, đều nhấn mạnh yêu cầu đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đấu tranh chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đảng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng càng được quan tâm, chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, Đảng đã thực hiện phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nhiều cán bộ, bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi có vi phạm. Đây là minh chứng cho sự công tâm, quyết liệt và tính răn đe mạnh mẽ của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng các cấp ủy, ủy ban Kiểm tra cấp ủy Đảng các cấp đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai và dự án trọng điểm... Các cuộc kiểm tra, giám sát không chỉ giúp phát hiện vi phạm mà còn góp phần phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các nguy cơ sai phạm.

Vừa qua, dư luận nhân dân có những lúc bày tỏ băn khoăn, lo rằng liệu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có được duy trì và “lò” có còn nóng nữa không. Trước câu hỏi đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực không những tiếp tục duy trì mà còn phải làm mạnh hơn, rộng hơn. Hành động và kết quả thực tiễn cho thấy Đảng ta “nói là làm”. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra tháng 10-2024, đã có 52 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật khi có vi phạm. Đặc biệt, sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các cơ quan tư pháp và thanh tra đã đạt được hiệu quả cao trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý triệt để các vụ việc tồn đọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Không chỉ tập trung vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2024 còn đánh dấu bước chuyển mới rất quan trọng khi Đảng tập trung mạnh vào công tác phòng, chống lãng phí. Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung thêm chức năng phòng, chống lãng phí, cho thấy trí tuệ sáng suốt của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đã đáp ứng sự tin tưởng và lòng mong mỏi của nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chống lãng phí không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, mà còn bao trùm cả quản lý đất đai, tài nguyên, thời gian lao động và bộ máy hành chính. Thực hiện phòng, chống lãng phí cần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư công, tinh giản biên chế, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà gây lãng phí thời gian và công sức của người dân và doanh nghiệp. Điểm mới trong chỉ đạo này còn nằm ở việc chống lãng phí vừa là biện pháp xử lý hậu quả, vừa được lồng ghép với phòng ngừa, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội.

2. Việc Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm xác định nhiệm vụ chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - là một quyết sách kịp thời, đúng đắn và mang tính lịch sử. Điều này phản ánh bước tiến vượt bậc trong tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng, khi nắm bắt chính xác xu thế phát triển toàn cầu và yêu cầu cấp thiết của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Tư duy đột phá về phát triển kinh tế tri thức, c.h.u.y.ể.n đ.ổ.i s.ố, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống nhân dân trong kỷ nguyên mới còn cho thấy sự nhạy bén của Đảng trong việc định hướng tương lai. Đây không chỉ là nhiệm vụ tất yếu để Việt Nam hội nhập sâu rộng mà còn khẳng định khát vọng cháy bỏng đưa dân tộc vươn lên trở thành một quốc gia thịnh vượng, độc lập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Mặt khác, điều này thể hiện rõ trách nhiệm và tầm vóc lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.

Để đảm đương được sứ mệnh lịch sử đó, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với tập trung phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần đi đôi với việc kiểm soát quyền lực và chống suy thoái trong nội bộ. Quyền lực, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ dẫn đến lạm dụng và tham nhũng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ, việc minh bạch hóa tài sản, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm cần được thực hiện nhất quán và quyết liệt.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh không chỉ là nhiệm vụ của các tổ chức và đảng viên, mà còn cần sự giám sát và đồng hành từ toàn thể nhân dân. Chỉ khi Đảng là trung tâm đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, thì Đảng mới phát triển trường tồn và tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng gắn liền với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Điều này đòi hỏi cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải không ngừng đổi mới tư duy, củng cố nền tảng chính trị, tư tưởng và đạo đức, bảo đảm rằng tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên luôn chăm lo cho lợi ích của nhân dân và đất nước, không tham nhũng, tiêu cực, không gây ra lãng phí, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm và liêm chính.

Sự vững mạnh của Đảng còn được quyết định bởi khả năng thích ứng trước những thay đổi của thời đại. Đảng cũng như mỗi tổ chức Đảng hay cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nâng cao trình độ lý luận, đổi mới phương thức lãnh đạo, ứng dụng khoa học, công nghệ và thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạch định đường lối, chủ trương cũng như tổ chức thực hiện. Có như vậy, ý Đảng mới hòa quyện với lòng dân và đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, mang lại sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét