Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

 MÙA XUÂN TRÊN BIỂN TRỜI ĐÔNG BẮC TỔ QUỐC


Biển trời Đông Bắc bao la, chiếm một phần lớn diện tích Vịnh Bắc Bộ với hơn 2.300 đảo lớn nhỏ, tập trung ở vùng biển Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, có vị trí quan trọng đối với cả nước. Khi đất trời vào Xuân, biển, đảo Đông Bắc lại tấp nập tàu thuyền; trong đó có những con tàu chở hơi ấm và mùa Xuân của đất liền hướng về nhân dân, cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm bám đảo, bám biển, bám tàu, bám trận địa để bảo vệ bình yên cho vùng biển, vùng trời Đông Bắc Tổ quốc. Trong hành trình ra đảo năm nay, những người làm báo Hà Nam đã có mặt trong đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân ra thăm, tặng quà Tết Ất Tỵ cho quân và dân các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (thành phố Hải Phòng).


Chuyến đi bắt đầu từ ngày 10 tháng 1, khi Đài Khí tượng thủy văn báo toàn khu vực miền Bắc không khí lạnh tăng cường. Kế hoạch của đoàn không lùi hoãn. Hàng hóa, quà Tết chuẩn bị mang ra đảo đã chuẩn bị tươm tất; trong đó, có đào, có quất, có hương vị ngày Tết truyền thống, có tình yêu của đất liền. Đó là cả mùa xuân...


9h 30 phút sáng 10/1, chúng tôi đã có mặt ở Nhà khách Vùng I Hải quân (phường Hoa Động, thành phố Thủy Nguyên). Hành lý khá cồng kềnh, hy vọng trong những ngày trên biển, trên đảo sẽ có đầy đủ phương tiện để tác nghiệp. Bữa cơm trưa nhanh gọn tại nhà khách, nhưng cũng đủ thời gian để mọi người làm quen với nhau và chia sẻ những kinh nghiệm đi biển, nhất là khi biển động. Cuộc họp ngắn giữa lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân với các phóng viên báo chí đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cần thiết cho chuyến đi và những quy định cần ghi nhớ trong quá trình tác nghiệp. Tôi thực sự phấn khích, vì dù đến Hải Phòng nhiều lần, nhưng chưa có dịp ra đảo Bạch Long Vĩ. Chỉ nghe nói, đó là huyện đảo xa đất liền nhất Vịnh Bắc Bộ, từ thành phố Thủy Nguyên ra đó dài tới 145km. Mùa này biển động, chắc chắn con tàu không thể đi nhanh. Một cán bộ Lữ đoàn 169 chia sẻ rằng, nếu tàu đi trong luồng (từ sông Cấm ra biển), vận tốc đạt khoảng 8km/h, còn vào biển, vận tốc sẽ khoảng 10 đến 13km/h, tùy vào thời tiết. Nếu gặp sóng to, gió lớn, tàu chỉ có thể đi được 5,5 đến 6,5km/h... Theo dự kiến, 6h hôm sau, chúng tôi sẽ có mặt trên đảo Bạch Long Vĩ...


Không khí trên bến cảng K20 khá rộn ràng. Vài chục anh em phóng viên, văn nghệ sỹ đến từ các cơ quan báo chí, văn nghệ của địa phương và trung ương có mặt làm việc theo kế hoạch của mình. Các cán bộ, chiến sỹ Tàu 634, Hải đội 137, Lữ đoàn 169, Vùng I Hải quân đang chuyển hàng hóa, quà Tết xuống tàu. Những nụ cười rạng rỡ của mấy chàng lính trẻ càng làm tươi thêm khung cảnh trời chiều trên bến cảng. Chuẩn Đô đốc Trần Xuân Văn, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân có mặt cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên; Ngân hàng Agribank có đại diện cán bộ một số đơn vị tại trụ sở chính và chi nhánh Đông Hải Phòng; Quận đoàn Long Biên (thành phố Hà Nội) cùng tham gia chuyến đi. Tất cả gọi Chuẩn Đô đốc thân mật là anh Văn. Anh Văn với nụ cười thân thiện thường trực trên môi, vui vẻ chào đón mọi người và gặp gỡ anh em báo chí vài phút trước khi lên tàu. Anh bảo: Rất vui khi chúng ta cùng đồng hành với nhau trên một con tàu mang hơi ấm và mùa Xuân của đất liền ra đảo tặng nhân dân và cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm bám đảo, bám biển, bám tàu, bảo vệ vùng biển, vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc. Tôi hy vọng, chuyến đi mang đến cho tất cả một sự trải nghiệm khó quên; để các đồng chí trong những ngày, giờ bên đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hải đảo hiểu được cuộc sống, tâm tư và tình cảm của họ với Tổ quốc, với biển, với Quân đội nhân dân Việt Nam.


Tôi lặng nghe anh Văn nói những điều về biển, dù không hề mới mẻ, nhưng lại mang những xúc cảm đặc biệt cho những người cầm bút chúng tôi. Chuẩn Đô đốc nổi tiếng là người yêu thơ văn, có tâm hồn nghệ sỹ. Tôi biết tên tuổi anh sau Cuộc thi sáng tác các ca khúc về thành phố Hải Phòng từ một bài hát mang tên “Hải Phòng trong tim” của nhạc sỹ Thanh Trúc. Anh chính là tác giả của bài thơ cùng tên mà nhạc sỹ Thanh Trúc phổ nhạc. Sau này tìm hiểu thêm mới biết, anh còn là tác giả bài thơ “Vùng I Hải quân ra khơi”, được phổ nhạc trở thành bài hát truyền thống của cán bộ, chiến sỹ Vùng I Hải quân hôm nay.


Chúng tôi chuyển hành lý xuống tàu. Đoàn công tác đã sắp xếp chỉn chu phòng nghỉ cho mọi người. Tàu 634 có sức tải 450 tấn, chạy dọc sông Cấm để ra biển Cát Bà, sau đó sẽ tiến về Bạch Long Vĩ. Chuyến đi được khởi đầu khá êm ả. Chúng tôi tranh thủ tác nghiệp trên boong tàu. Không ai để ý quang cảnh hai bên bờ nữa. Đâu đó quanh tôi có người đang hát: “Đoàn tàu lướt sóng chúng tôi ra khơi, bảo vệ Tổ quốc vì tương lai sáng ngời, sóng gió ngăn sao được những người lính biển, bão giông hiểm nguy tôi luyện thêm ý chí...” . Đó là bài hát “Vùng I Hải quân ra khơi” phổ thơ anh Văn. Bài hát vang lên khi tàu vào biển lớn. Tôi cảm thấy cả một bao la trời biển đang ôm lấy mình, nâng tâm hồn mình lên. Và, tiếng hát át tiếng sóng, mặt trời không còn trên biển nữa...


Bữa tối đầu tiên trên tàu. Chưa thấy ai tỏ ra mệt mỏi, tất cả đang hừng hực khí thế. Các đồng chí cán bộ, chiến sỹ Hải quân đến từng bàn mời, trò chuyện. Tàu trưởng Lại Văn Mạnh - người đàn ông có gương mặt hao gầy, điềm đạm hỏi chúng tôi: Các đồng chí thấy cán bộ, chiến sỹ ở đây nấu cơm ngon không? Cố gắng ăn nhiều nhé! Ngay sau đó, Thiếu tá Đào Quốc Doanh, máy trưởng Tàu 634 đến cạnh chúng tôi và trò chuyện. Anh là một trong số những người đã tham gia công việc bếp núc chiều nay. Trên tàu, không ai là đầu bếp chính, tất cả cán bộ, chiến sỹ thay nhau làm công việc này cùng với nhiệm vụ chính của mình. Người nhặt rau, người nấu cơm, chế biến thức ăn, người dọn dẹp... Anh Doanh đi tàu gần 20 năm nay, vắng nhà liên tục. Anh kể, mỗi đợt đi biển kéo dài 30 đến 45 ngày. Khi vợ anh sinh con thứ hai được đầy tháng, anh mới được về ôm con. Anh xúc động tâm sự: Cuộc sống của người lính biển chúng tôi là thế! Hậu phương là điểm tựa vững chắc để chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ.


Càng nói chuyện, càng chia sẻ với nhau về cuộc sống và công việc trên biển, chúng tôi càng cảm thấy những gì mình biết về lực lượng hải quân; về cán bộ, chiến sỹ hải quân thực sự còn khiêm tốn. Những giọt mồ hôi được miêu tả trên giấy chỉ có thể lột tả được một phần của nỗi vất vả, phải tận mắt chứng kiến mới thấy tinh thần và bản lĩnh của những người lĩnh biển lớn lao, vững chãi biết bao. Không sóng to, gió lớn nào có thể xô ngã họ!./. 


Báo Hà Nam

Đ21/HạtLửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét