Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, theo định hướng xã hội chủ nghĩa

TCCS - Trở thành nền kinh tế thị trường hiện đại là mong muốn của nhiều nền kinh tế. Việc được công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về đầu tư, thương mại, trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... và làm cho các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác tiềm năng có cách nhìn mới về quốc gia đó.

Bốc, xếp hành hóa xuất - nhâp khẩu tại cảng Cần Thơ _Nguồn: nhiepanhvadoisong.vn

Thực tiễn phát triển cho thấy, kinh tế thị trường là mô hình tổ chức vận hành kinh tế hiệu quả của nhân loại. Mỗi một thể chế chính trị, với thực tiễn mỗi quốc gia mà kinh tế thị trường được hình thành, phát triển với các mô hình mang nét đặc thù, dù vậy đều phải bảo đảm đặc tính chung mà hiện nay được thể hiện bằng các tiêu chí, trong đó một số quốc gia gọi chung là quy chế kinh tế thị trường. Do đó, để khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội đủ các tiêu chí của một nền kinh tế thị trường hiện đại cần đối chứng hiện thực nền kinh tế Việt Nam với các tiêu chí về nền kinh tế thị trường/hay quy chế kinh tế thị trường đang hiện hữu.

Bằng góc nhìn khoa học đối với nền kinh tế Việt Nam sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ở thời điểm hiện nay thực sự là một nền kinh tế thị trường hiện đại, bởi các căn cứ sau:

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hình thành, vận hành trên cơ sở và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại 

Nhìn lại lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, loài người đã trải qua hai kiểu tổ chức sản xuất xã hội để hình thành nền tảng kinh tế phục vụ nhu cầu sinh tồn, phát triển của xã hội loài người, đó là sản xuất phục vụ nhu cầu tự thân (hay còn gọi là tự cung tự cấp) và sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội (gọi là sản xuất hàng hóa), tương ứng với mỗi kiểu tổ chức sản xuất này là cách thức tổ chức, vận hành kinh tế, đó là kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa. Theo dòng lịch sử, kinh tế hàng hóa xuất hiện vào cuối thời kỳ tan rã của hình thái Công xã nguyên thủy, bước vào Chiếm hữu nô lệ với dạng thức ban đầu là kinh tế hàng hóa giản đơn; sau tiến triển lên kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa. Ở trình độ này, nền kinh tế thị trường tiến triển qua hai mô hình cơ bản là:

Kinh tế thị trường tự do cạnh tranh (hay còn gọi là kinh tế thị trường cổ điển - hình thành từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX) là nền kinh tế vận hành chủ yếu bởi điều tiết của các quy luật thị trường (giá trị, cung - cầu, cạnh tranh...), có rất ít hoặc không có sự can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên, sự điều tiết của quy luật thị trường - “bàn tay vô hình”, ngoài những ưu việt, còn có những “khuyết tật”, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ(1), đòi hỏi có sự can thiệp/quản lý của nhà nước  - “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. 

Kinh tế thị trường hỗn hợp (hay còn gọi là kinh tế thị trường hiện đại - hình thành từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay) là nền kinh tế vận hành trên cơ sở kết hợp/dung hợp cơ chế tự điều tiết của quy luật thị trường với sự can thiệp/điều tiết của nhà nước. Tức là nền kinh tế vừa có sự điều tiết bởi các quy luật kinh tế khách quan - “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi nhà nước - “bàn tay hữu hình”.

Như vậy, về nguồn gốc, bản chất kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa có trước chủ nghĩa tư bản, là thành quả, sản phẩm của văn minh nhân loại được hình thành, phát triển bởi lịch sử phát triển kinh tế nhân loại, nhưng trong hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhất là ở các nước tư bản phát triển, kinh tế thị trường đã được vận dụng rất thành công, dẫn đến nhiều người lầm tưởng kinh tế thị trường là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản, do chủ nghĩa tư bản “sáng tạo nên”.

Bởi tính ưu việt của nền kinh tế thị trường hiện đại, ngày nay, hầu hết quốc gia, bao hàm cả các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự can thiệp/quản lý của nhà nước, song do mục tiêu phát triển quốc gia, do điều kiện thực tiễn khác nhau mà kinh tế thị trường có sự can thiệp/quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới là không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, nhiều mô hình khác nhau được hình thành, như kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, kinh tế thị trường phối hợp ở Nhật Bản, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc...

Từ những khái lược trên, có thể khẳng định rằng, từ tư duy lý luận đến thực tiễn, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hình thành và vận hành trên cơ sở và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại mà nhân loại đã kiến tạo nên, cụ thể là:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có những tiền đề, điều kiện để sản xuất hàng hóa ra đời, phát triển và hiện thực chứng minh Việt Nam đã có bước chuyển rõ nét trong phát triển nền kinh tế từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới năm 1986. Công cuộc đổi mới bằng việc lựa chọn phát triển “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”(2) trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Thứ hai, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường kết hợp cơ chế điều tiết của các quy luật thị trường và sự điều tiết của Nhà nước, là nền kinh tế thị trường hiện đại - là sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển thời đại.

Mặc dù Việt Nam chưa trải qua phát triển mô hình kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, song Việt Nam có trải nghiệm về mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (nền kinh tế vận hành chủ yếu dưới sự điều hành của Nhà nước). Trải nghiệm này góp thêm căn cứ chứng thực rằng, nền kinh tế của một quốc gia, nếu vận hành tuyệt đối theo mô hình kinh tế thị trường tự do cạnh tranh hay mô hình kinh tế kế hoạch hóa đều bộc lộ hạn chế và khiếm khuyết nhất định. Điều đó có nghĩa rằng, kinh tế thị trường hiện đại là mô hình kinh tế được xem là hiệu quả nhất đã được kiểm chứng thực tiễn.

Thứ ba, lựa chọn, tiến hành công cuộc đổi mới là đột phá trong tư duy kinh tế, song nền kinh tế Việt Nam đã xác lập đầy đủ theo hướng tiệm cận hiện đại nền kinh tế thị trường hỗn hợp - nền kinh tế vận hành trên có sở tuân thủ cơ chế hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường, đồng thời dung hợp với sự quản lý, định hướng của Nhà nước.

Quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam rất rõ nét. Sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới (1986 - 2001), Việt Nam thực hiện kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đây là giai đoạn chuẩn bị để kinh tế hàng hóa hội đủ các điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường. Chính vì vậy, Đại hội IX (năm 2001) xác định: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét