Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Học Bác, điều cốt yếu nhất là học thật, làm thật

 

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác, càng nhớ Bác, chúng ta càng phải cố gắng học tập và làm theo Bác nhiều hơn!

Học Bác, điều cốt yếu nhất là làm thật sự theo gương Bác, tận tâm, tận lực, hằng ngày, suốt đời. Học Bác, phải làm thật sự theo gương Bác là điều dễ hiểu, một chân lý giản đơn. Vì học Bác mà không làm theo gương Bác là vô ích, có hại cho dân, cho nước.

Học Bác, điều cốt yếu nhất là học thật, làm thật - 1

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, năm 1957 (Ảnh tư liệu).

Một chân lý giản đơn

Cán bộ, đảng viên là một bộ phận của Nhân dân làm chủ nước nhà, có vinh dự vô cùng cao quý là đày tớ của Nhân dân, được Đảng, Chính phủ, Nhân dân rèn luyện, tin cậy và yêu mến như vốn liếng quý báu nhất của cách mạng. Cán bộ, đảng viên là những người tham gia gánh vác nhiệm vụ cải tạo xã hội, làm cho đất nước tốt đẹp. Họ là những người cách mạng. Mà cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt.

Người cách mạng - "đày tớ" - là phải làm, chứ không thể nói suông. Chân lý là cụ thể. Thực tiễn, hiệu quả việc làm là thước đo chân lý. Đảng viên là những người "đi trước" nên càng phải làm, phải tự cải tạo, tự nâng cao mình. Muốn cải tạo xã hội mà lòng mình không cải tạo, không kiên quyết làm, hoặc làm qua loa đại khái thì không xứng đáng là người cách mạng. Bác chỉ ra rằng nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Nếu miệng tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung; bảo người ta liêm, mà mình bất liêm; bảo người ta chính, mà mình tà, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.

Muốn tiến bộ thì phải học tập. Trong học có làm, trong làm có học. Muốn làm tốt phải học tốt. Muốn học tốt phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Học là để biết lý luận. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận thì cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Nhưng lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận như cái tên. Thực hành như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, nói trôi chảy để lòe thiên hạ mà không áp dụng vào thực tế, không làm, thì đó là "cái hòm đựng sách", là lý luận suông, vô ích. Tách lý luận ra khỏi thực hành thì không phải là người biết lý luận.

Trước nay không ít người cho rằng những cán bộ nói giỏi, nói hay là biết lý luận. Bản thân những cán bộ đó cũng tự huyễn hoặc mình như vậy. Nghĩ thế là lầm to. Những người đó không phải đã biết lý luận mà chỉ biết lý luận suông. Hai từ "lý luận" - lý luận chân chính - phải hàm chứa thực hành, thực tiễn. Một người biết lý luận là phải làm, áp dụng vào thực tế công tác và tư tưởng của mình, để tự cải tạo mình, nâng cao sự tu dưỡng của mình về lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân.

Việc học tập Bác hiện nay vẫn phải luôn luôn quán triệt học đi đôi với làm. Nhiều cán bộ hiện vẫn còn hời hợt, lơ mơ trong việc học tập Bác. Họ tự cho mình biết cả rồi, hiểu hết rồi. Hiểu mà không làm theo gương Bác, sao gọi là hiểu? Không nhận thức đúng, hiểu thấu, làm sao mà làm đúng, làm tốt? Bác dạy rằng bệnh chủ quan là một khuyết điểm về tư tưởng. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông. Cán bộ chủ quan thường nghĩ rằng cứ làm theo ý mình, có gì mà sợ, nên "chưa chết về thể xác đã chết về chính trị, đạo đức" (ý của Lênin). Nếu cán bộ chịu khó học Bác thì sẽ biết Bác dạy: Mỗi ngày cố làm một việc - dù nhỏ - có lợi cho nước, cho dân, thì một năm làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to. Bác dạy người có quyền: Có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư"; có quyền mà không có đạo đức thì dễ trở nên hủ bại, hủ hóa, biến thành sâu mọt của dân. Cán bộ, đảng viên đừng xem thường việc học Bác. Thực hành, hoạt động thực tiễn phải có lý luận chân chính hướng dẫn, nếu không sẽ thành thực tiễn mù quáng, dẫn đến làm bậy, có hại cho nước, cho dân.

Học Bác, điều cốt yếu nhất là làm thật sự theo gương Bác

Nói "học Bác, điều cốt yếu nhất là làm thật sự theo gương Bác", tức là còn những điều quan trọng thứ hai, thứ ba, v.v… nhưng làm thật sự theo gương Bác là quan trọng nhất. Mặt khác phải hiểu "làm theo" không phải là bắt chước, mà là kiên định, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng lúc, từng nơi. Đặc biệt là "làm theo gương Bác" tức là làm có lý luận chân chính soi đường, không phải làm một cách hình thức, tự phát, hồ đồ, mù quáng.

Bác Hồ là một vĩ nhân, một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hóa kiệt xuất. Ở Người, lời nói luôn luôn đi đôi với hành động, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói là để làm. Người để lại cho Đảng và dân tộc kho tàng đầy của báu, đó là lý luận giải phóng - phát triển và tấm gương đạo đức sáng ngời. Nói đến Người là nói về một nhân cách văn hóa cao đẹp với ham muốn tột bậc và chung thủy với ham muốn ấy, đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác Hồ trở thành một nhân vật huyền thoại ngay khi còn sống; một con người kỳ lạ, hiếm thấy bởi sự rèn luyện, tu dưỡng nhân cách của Người đã đánh bại sự tha hóa về quyền lực. Học Bác là phải trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn theo tinh thần "dĩ bất biến ứng vạn biến". Thoát ly thực tiễn, thoát ly cuộc sống, thoát ly xu thế đổi mới của đất nước và diễn biến của thời đại, nhất là thoát ly tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân, thì sự học tập đó vô ích, rất nguy hại cho cách mạng.

Tính từ Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27-3-2003 đến Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07-11-2006; Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011; Chỉ thị 05-CT/TW ngày15-5-2016; Kết luận 01-KL/TW ngày 18-5-2021 đến năm 2024 là 21 năm. Theo tinh thần các Chỉ thị của Trung ương, tất cả cán bộ, đảng viên đều đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu làm đúng như vậy, chắc chắn sẽ không có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Những năm qua, nhiều cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp chiến lược, đứng đầu bị kỷ luật đảng, bị truy tố, dính vào vòng lao lý. Những cán bộ đó chắc chắn đã học Bác và làm, nhưng họ thiếu điều căn cốt nhất là học thậtlàm thật theo gương Bác. Họ học qua loa, lớt phớt và làm theo cách riêng của họ, bị dẫn dắt bởi danh lợi; họ làm trong tư thế "tù binh" của quyền lực, của đôla, làm theo cá nhân chủ nghĩa, nên họ rơi xuống dốc, không thể cứu vãn.

Làm theo gương Bác, tức là làm dưới sự soi sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, kim chỉ nam cho hành động, cái cẩm nang thần kỳ, mặt trời soi sáng công cuộc đổi mới. Bác là một tấm gương lớn, tỏa sáng trên tất cả các lĩnh vực, có những lĩnh vực thuộc về trí tuệ của vĩ nhân, nhưng nhiều lĩnh vực gắn với đời sống hằng ngày như cơm ăn, nước uống, không khí để thở. Bác là lãnh tụ của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ. Vì vậy, quan trọng nhất, cốt yếu nhất trong làm theo gương Bác là hằng ngày, suốt đời làm việc phải tận tâm, tận lực, tận hiến, đặt lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc lên trên hết, lên trước hết, không dính líu gì với vòng danh lợi. Việc gì có lợi cho dân - dù nhỏ mấy - cũng phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân - dù nhỏ mấy - cũng phải hết sức tránh. Phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa. Chỉ có như vậy, việc học tập Bác mới có hiệu quả thiết thực, đem lại niềm tin của Nhân dân vào Đảng.

Cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu, nếu không chịu rèn luyện, tu dưỡng, tu thân chính tâm hằng ngày, suốt đời, chiến thắng cái xấu, cái ác, giặc trong lòng, vượt qua sự cám dỗ của danh lợi, tiền tài để hoàn thiện mình thì sớm hay muộn không tránh khỏi tai họa. Đó là vấn đề có tính quy luật đối với cá nhân, dân tộc và Đảng như Bác Hồ đã cảnh báo: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672). Đảng cầm quyền và mỗi đảng viên, cán bộ phải ghi tạc vào đầu lời dạy vàng ngọc đó của Bác.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Từ 1/7, CSGT kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe qua VNeID

 

Theo thông tư mới, từ ngày 1/7, CSGT có thể kiểm tra thông tin người vi phạm qua ứng dụng VNeID. Việc này có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ nhưng sẽ thuận lợi hơn cho người dân.

Chiều 29/6, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Đáng chú ý, trong thông tư mới này đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.

Từ 1/7, CSGT kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe qua VNeID - 1

Thông tin về giấy phép lái xe trên VNeID (Ảnh: Cục CSGT).

Cụ thể, các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe).

Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...Theo Cục CSGT, khi thông tin các loại giấy tờ trên của người dân đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý... thì việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát thông qua căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), cơ sở dữ liệu... sẽ có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.

"Việc kiểm tra thông tin của người dân đã được tích hợp trên ứng dụng, sẽ tạo thuận lợi hơn cho chính họ và lực lượng chức năng. Bởi người dân đỡ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cùng một lúc, giảm bớt thời gian kiểm tra, kiểm soát so với trước đây", đại diện Cục CSGT chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí.

CSGT phải trực tiếp lên xe để kiểm tra với ô tô chở khách trên 10 người

Theo Cục CSGT, Thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 về việc thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ liên quan để kiểm soát.

Cụ thể, trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện xuất trình thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID)... thì lực lượng chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát thông tin của người vi phạm thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử...

Ngoài ra, đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên thì cán bộ, chiến sĩ CSGT phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

10 luật và nhiều quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 7

 

10 luật, nhiều quy định mới liên quan đến thẻ căn cước, tăng lương cơ sở, chuyển tiền phải xác thực bằng khuôn mặt, giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 7.

10 luật có hiệu lực; nhiều quy định mới về thẻ căn cước

Từ hôm nay (1/7), 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Căn cước 2023; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giá 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Tài nguyên nước 2023.

Trong đó, Luật Căn cước chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng; thay vào đó sẽ có thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Luật Các tổ chức tín dụng quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt

Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển khoản các lần trong một ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Tăng lương cơ sở và mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV, trong đó đồng ý tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng kể từ ngày 1/7.

Cũng từ 1/7 điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đối với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).

Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra

Thông tư 28/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, có hiệu lực từ 1/7.

Điểm mới đáng chú ý, Thông tư 28 đã sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông. Theo đó, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.Đại diện Cục CSGT khẳng định việc kiểm tra thông tin của người dân đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID sẽ giúp người dân đỡ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cùng một lúc, giảm bớt thời gian kiểm tra, kiểm soát so với trước đây.

Công khai người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 55/2024 hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng (có hiệu lực từ 1/7) quy định, nếu người bán hàng online có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên báo, đài, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh.

Nội dung công khai gồm tên, địa chỉ của người bán hàng có hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc công khai thông tin được thực hiện trong 30 ngày kể từ ngày công bố.

Giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí

Thông tư số 43 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12. Trong thời gian này sẽ giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng (mức thu bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Thông tư số 150/2016).

Giảm 50% đối với lệ phí cấp thẻ căn cước; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp; phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản.

Thông tư số 43 còn giảm 10-30% nhiều khoản phí, lệ phí khác như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không.

Kể từ ngày 1/1/2025, mức thu các khoản phí, lệ phí nêu trên thực hiện theo quy định tại các thông tư gốc, Thông tư số 63/2023/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Người cảnh vệ và ký ức được Bác Hồ "giải cứu" khỏi hố công sự

 

Trong đêm mưa rét, người lính trẻ Ngô Văn Núi trượt chân ngã xuống hố công sự. Loay hoay mãi không thoát được, chiến sĩ Núi bất ngờ khi thấy Bác xuất hiện với chân trần áo mỏng, đưa tay kéo anh lên...

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm Đại tá Ngô Văn Núi (nguyên cán bộ Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời.

Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ già năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm ông được vinh dự bảo vệ Người.Được Bác Hồ "giải cứu" trong đêm mưa rét

Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rất rét. Gió bắc thổi mạnh, mưa phùn lâm râm gây nên cái lạnh buốt. Trời đã khuya nhưng Bác vẫn ngồi làm việc trong căn lán của mình.

Thực hiện ca gác đêm hôm đó là ông Ngô Văn Núi (chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 600). Trong cái lạnh thấu xương kèm mưa phùn của núi rừng Việt Bắc, được đứng gác cho Bác làm việc, chiến sĩ trẻ Ngô Văn Núi thấy lòng mình như được sưởi ấm.

Trong lúc tuần tra, nhìn vào trong lán, thấy Bác khoác chiếc áo bông đã cũ, miệng ngậm điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại hồng lên, tiếng máy chữ lách tách, lách tách xen lẫn những tiếng ho như rút ruột… chiến sĩ Núi không khỏi xót xa, thương Bác.

Người cảnh vệ và ký ức được Bác Hồ giải cứu khỏi hố công sự - 2

Các chiến sĩ cảnh vệ và phục vụ bảo vệ Bác Hồ trên đường công tác tại đèo Khế (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Tháng 10/1947 (Ảnh: CAND).

Lòng miên man suy nghĩ, nước mắt nhòa đi, chẳng may bước hụt, chiến sĩ Ngô Văn Núi trượt chân tụt xuống hố công sự do anh em bảo vệ đào để Bác tránh máy bay địch.

Bị ngã xuống hố, chiến sĩ Núi vừa đau vừa sợ. Đau vì lúc ngã, đầu gối chạm phải cái thang dùng để Bác lên, xuống; cằm và mặt va phải miệng hố. Sợ vì trong lúc trượt ngã đã gây ra tiếng động làm ảnh hưởng đến công việc của Bác.

Thân hình nhỏ, trong khi khoác trên mình chiếc áo khoác dài và rộng, khiến cho chiến sĩ Núi loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cách thoát khỏi cái hố. Chợt chiến sĩ Núi nghe có tiếng bước chân đi về phía mình.

"Chú nào ngã đấy?", tiếng nói vọng ra.

"Chưa kịp nhận ra ai, tôi đã thấy 2 tay Bác luồn vào hai nách, chòm râu của Bác chạm vào má tôi. Vừa kéo, Bác vừa hỏi: Chú ngã có đau không?

Quá xúc động khi nhận ra Bác, tôi cố trấn tĩnh lại để nhìn Bác được rõ hơn và định nói lời cảm ơn thì giật mình khi thấy Bác không khoác áo bông, chân đi tất nhưng một chân có guốc, một chân không, nước mắt tôi trào ra.

Bác vừa sờ khắp người, nắn chân nắn tay tôi vừa liên tục hỏi han: "Chú ngã thế chắc là đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống! Để Bác gác cho", Đại tá Ngô Văn Núi bồi hồi nhớ lại từng chi tiết.55 năm sau, Đại tá Nguyễn Tiến Độ (cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) sau khi nghe kể lại câu chuyện xúc động này đã sáng tác ca khúc "Phiên gác đêm" với giai điệu mượt mà, ca từ giản dị, đời thường nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động.

"Chú ngã có đau không để Bác gác cho.

Ôi lời Bác ấm êm như tiếng mẹ,

Ghi khắc trong lòng, hình bóng Bác thân thương.

Phiên gác đêm ơi phiên gác đêm

Như trong mơ, như trong huyền thoại.

Con gác cho Người - Người gác cả non sông".

Những giờ phút cuối cùng bên Bác Hồ kính yêu

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản thủ đô. Đại tá Ngô Văn Núi lại vinh dự cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong đoàn về Hà Nội an toàn.

Về tới Hà Nội, Bác ở tạm trong một ngôi nhà thuộc khu vực Đồn Thủy (nay là khu Viện 108). Đến ngày 19/12/1954, Bác chuyển về ở và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Nhiệm vụ vũ trang bảo vệ Bác và khu Phủ Chủ tịch do Tiểu đoàn 11 đảm nhiệm.

Là cán bộ biên chế của Tiểu đoàn 11, trong suốt 15 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, Đại tá Ngô Văn Núi nhiều lần được gặp Bác, được Bác ân cần huấn thị, dạy bảo.

Đặc biệt, Bác luôn nhắc nhở Đại tá Núi cùng anh em bảo vệ phải tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là phải học văn hóa, chính trị, quân sự. Có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ.

Đúng 9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng, trong căn nhà 67 tại Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà này từng được làm riêng cho Bác nhưng Người chỉ ở đó hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Cũng như hàng vạn người dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, chiến sĩ Ngô Văn Núi nấc nghẹn khi nghe tin Bác mất. Bao nhiêu kỷ niệm với Bác trong suốt 15 năm được sống và làm việc bên Người ùa về như một thước phim quay chậm.

Chiến sĩ Ngô Văn Núi cùng 3 chiến sĩ đại diện cho toàn thể cán bộ Trung đoàn 600 được giao nhiệm vụ tham gia túc trực danh dự bên cạnh linh cữu Hồ Chủ tịch. 

"Với những tình cảm đặc biệt dành cho Bác, khi nhận nhiệm vụ đó, tôi đã lo rằng mình không kiềm chế được cảm xúc đau buồn mà không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tang lễ của Người", Đại tá Ngô Văn Núi bùi ngùi kể lại.

Nén đau thương, Đại tá Ngô Văn Núi cùng 3 đồng đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ với mong muốn được ở bên Bác lần cuối. Đứng bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao nhiêu cảm xúc dồn nén của chiến sĩ Ngô Văn Núi như vỡ òa, nước mắt trào ra.

"Không để cho cảm xúc lấn át, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của buổi lễ, tôi đã cố trấn tĩnh lại rồi cùng đồng đội bước ra thực hiện nhiệm vụ.

Bác nằm đó, trong bộ quần áo kaki sáng màu như đang nằm ngủ, 2 bàn tay đặt lên bụng, dưới chân là đôi dép cao su quen thuộc. Hình ảnh cuối cùng về Bác đã in sâu vào con tim, khối óc của tôi", người cận vệ già Ngô Văn Núi nấc nghẹn chia sẻ.

70 năm trôi qua kể từ đêm đông rét mướt được Bác kéo lên từ hố công sự ở Việt Bắc; 55 năm kể từ ngày Bác ra đi, Đại tá Ngô Văn Núi có thể quên nhiều thứ nhưng tất cả những kỷ niệm về Người, những lời dạy bảo ân cần của Người dành cho ông và đồng đội, tuyệt nhiên không bao giờ ông quên.

Ông bảo, những lời dạy của Người đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng chính là định hướng, là động lực, mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời của ông.