Trong đêm mưa rét, người lính trẻ Ngô Văn Núi trượt chân ngã xuống hố công sự. Loay hoay mãi không thoát được, chiến sĩ Núi bất ngờ khi thấy Bác xuất hiện với chân trần áo mỏng, đưa tay kéo anh lên...
Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm Đại tá Ngô Văn Núi (nguyên cán bộ Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời.
Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ già năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm ông được vinh dự bảo vệ Người.Được Bác Hồ "giải cứu" trong đêm mưa rét
Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rất rét. Gió bắc thổi mạnh, mưa phùn lâm râm gây nên cái lạnh buốt. Trời đã khuya nhưng Bác vẫn ngồi làm việc trong căn lán của mình.
Thực hiện ca gác đêm hôm đó là ông Ngô Văn Núi (chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 600). Trong cái lạnh thấu xương kèm mưa phùn của núi rừng Việt Bắc, được đứng gác cho Bác làm việc, chiến sĩ trẻ Ngô Văn Núi thấy lòng mình như được sưởi ấm.
Trong lúc tuần tra, nhìn vào trong lán, thấy Bác khoác chiếc áo bông đã cũ, miệng ngậm điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại hồng lên, tiếng máy chữ lách tách, lách tách xen lẫn những tiếng ho như rút ruột… chiến sĩ Núi không khỏi xót xa, thương Bác.
Lòng miên man suy nghĩ, nước mắt nhòa đi, chẳng may bước hụt, chiến sĩ Ngô Văn Núi trượt chân tụt xuống hố công sự do anh em bảo vệ đào để Bác tránh máy bay địch.
Bị ngã xuống hố, chiến sĩ Núi vừa đau vừa sợ. Đau vì lúc ngã, đầu gối chạm phải cái thang dùng để Bác lên, xuống; cằm và mặt va phải miệng hố. Sợ vì trong lúc trượt ngã đã gây ra tiếng động làm ảnh hưởng đến công việc của Bác.
Thân hình nhỏ, trong khi khoác trên mình chiếc áo khoác dài và rộng, khiến cho chiến sĩ Núi loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cách thoát khỏi cái hố. Chợt chiến sĩ Núi nghe có tiếng bước chân đi về phía mình.
"Chú nào ngã đấy?", tiếng nói vọng ra.
"Chưa kịp nhận ra ai, tôi đã thấy 2 tay Bác luồn vào hai nách, chòm râu của Bác chạm vào má tôi. Vừa kéo, Bác vừa hỏi: Chú ngã có đau không?
Quá xúc động khi nhận ra Bác, tôi cố trấn tĩnh lại để nhìn Bác được rõ hơn và định nói lời cảm ơn thì giật mình khi thấy Bác không khoác áo bông, chân đi tất nhưng một chân có guốc, một chân không, nước mắt tôi trào ra.
Bác vừa sờ khắp người, nắn chân nắn tay tôi vừa liên tục hỏi han: "Chú ngã thế chắc là đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống! Để Bác gác cho", Đại tá Ngô Văn Núi bồi hồi nhớ lại từng chi tiết.55 năm sau, Đại tá Nguyễn Tiến Độ (cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) sau khi nghe kể lại câu chuyện xúc động này đã sáng tác ca khúc "Phiên gác đêm" với giai điệu mượt mà, ca từ giản dị, đời thường nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động.
"Chú ngã có đau không để Bác gác cho.
Ôi lời Bác ấm êm như tiếng mẹ,
Ghi khắc trong lòng, hình bóng Bác thân thương.
Phiên gác đêm ơi phiên gác đêm
Như trong mơ, như trong huyền thoại.
Con gác cho Người - Người gác cả non sông".
Những giờ phút cuối cùng bên Bác Hồ kính yêu
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản thủ đô. Đại tá Ngô Văn Núi lại vinh dự cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 600 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong đoàn về Hà Nội an toàn.
Về tới Hà Nội, Bác ở tạm trong một ngôi nhà thuộc khu vực Đồn Thủy (nay là khu Viện 108). Đến ngày 19/12/1954, Bác chuyển về ở và làm việc trong Phủ Chủ tịch. Nhiệm vụ vũ trang bảo vệ Bác và khu Phủ Chủ tịch do Tiểu đoàn 11 đảm nhiệm.
Là cán bộ biên chế của Tiểu đoàn 11, trong suốt 15 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, Đại tá Ngô Văn Núi nhiều lần được gặp Bác, được Bác ân cần huấn thị, dạy bảo.
Đặc biệt, Bác luôn nhắc nhở Đại tá Núi cùng anh em bảo vệ phải tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là phải học văn hóa, chính trị, quân sự. Có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ.
Đúng 9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng, trong căn nhà 67 tại Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà này từng được làm riêng cho Bác nhưng Người chỉ ở đó hơn 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Cũng như hàng vạn người dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, chiến sĩ Ngô Văn Núi nấc nghẹn khi nghe tin Bác mất. Bao nhiêu kỷ niệm với Bác trong suốt 15 năm được sống và làm việc bên Người ùa về như một thước phim quay chậm.
Chiến sĩ Ngô Văn Núi cùng 3 chiến sĩ đại diện cho toàn thể cán bộ Trung đoàn 600 được giao nhiệm vụ tham gia túc trực danh dự bên cạnh linh cữu Hồ Chủ tịch.
"Với những tình cảm đặc biệt dành cho Bác, khi nhận nhiệm vụ đó, tôi đã lo rằng mình không kiềm chế được cảm xúc đau buồn mà không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tang lễ của Người", Đại tá Ngô Văn Núi bùi ngùi kể lại.
Nén đau thương, Đại tá Ngô Văn Núi cùng 3 đồng đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ với mong muốn được ở bên Bác lần cuối. Đứng bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao nhiêu cảm xúc dồn nén của chiến sĩ Ngô Văn Núi như vỡ òa, nước mắt trào ra.
"Không để cho cảm xúc lấn át, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của buổi lễ, tôi đã cố trấn tĩnh lại rồi cùng đồng đội bước ra thực hiện nhiệm vụ.
Bác nằm đó, trong bộ quần áo kaki sáng màu như đang nằm ngủ, 2 bàn tay đặt lên bụng, dưới chân là đôi dép cao su quen thuộc. Hình ảnh cuối cùng về Bác đã in sâu vào con tim, khối óc của tôi", người cận vệ già Ngô Văn Núi nấc nghẹn chia sẻ.
70 năm trôi qua kể từ đêm đông rét mướt được Bác kéo lên từ hố công sự ở Việt Bắc; 55 năm kể từ ngày Bác ra đi, Đại tá Ngô Văn Núi có thể quên nhiều thứ nhưng tất cả những kỷ niệm về Người, những lời dạy bảo ân cần của Người dành cho ông và đồng đội, tuyệt nhiên không bao giờ ông quên.
Ông bảo, những lời dạy của Người đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng chính là định hướng, là động lực, mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét