Ngày nay, với sự phát triển của cuộc
cách mạng khoa học công nghệ 4.0, truyền thông đối ngoại đang được các quốc gia
trên thế giới đẩy mạnh, tạo sự lan toả và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Việc đẩy mạnh
truyền thông đối ngoại còn góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch, phản động lưu vong từ ngoài biên giới.
Truyền thông đối ngoại, xu thế toàn cầu
về thông tin, báo chí
Thông tin đối ngoại là nội dung rất
quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước
ta, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và
các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại
sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua
đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính
sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập
kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự
đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các
nước trên thế giới, các nhà đầu tư kinh doanh, tổ chức tài chính, tiền tệ...
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế
những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến
hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an
ninh quốc gia của các phần tử chống đối.
Truyền thông đối ngoại hiện nay có thể
được hiểu là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, thông tin về tình hình Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ra thế giới.
Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam là thông tin về đất nước, con người, lịch
sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa thông tin tình hình thế giới vào
Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh
giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và
khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận
lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xu thế chung của
thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh
tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến
lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh
mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch
đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các
chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác
thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng nhằm đem lại cho nhân dân nhận
thức đúng đắn nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại
các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là các vấn đề về dân
tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận…
Quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công
tác truyền thông đối ngoại
Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt
công tác truyền thông đối ngoại sẽ giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con
người, về những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng
cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính
sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập
quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp
của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Thực hiện tốt công tác truyền
thông đối ngoại còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế
- xã hội.
Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành
độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác truyền thông đối ngoại.
Điều đó đã được thể hiện qua Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 10/5/1962 của Bộ Chính
trị, về công tác tuyên truyền đối ngoại đã xác định công tác tuyên truyền đối
ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên
phạm vi toàn thế giới. Tiếp đó, nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà
nước đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về hoạt
động thông tin truyền thông đối ngoại qua các thời kỳ như: Chỉ thị số 11-CT/TW,
ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới và tăng cường
công tác thông tin đối ngoại; Chỉ thị số 10/2000/-CT/TTg, ngày 26/4/2000 của
Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối
ngoại. Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới
và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, xác định thông
tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với phương châm “chính xác,
kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”.
Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra
Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020,
trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công
tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên,
lâu dài”. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết
định số 368/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013, phê duyệt Chương trình hành động của Chính
phủ, về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Các văn bản trên là minh
chứng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc khẳng
định tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại trong giai đoạn mới. Trên cơ sở
những chủ trương, chính sách đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã
triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với nội dung, hình thức phong
phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản
Việt Nam đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, đề
ra định hướng bao trùm của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển của
đất nước là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định
“xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng,
ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.
Thành tựu trong hoạt động truyền thông
đối ngoại của Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Thông tin và
Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện
(Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV,
Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ
quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong
các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ
quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ
thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV
được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.
Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí
Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên
phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí
tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in
sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông
của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm
việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình
khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh
vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên
thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng
thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn
Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK,
DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới
đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào
cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo
điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo
điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại
nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc trao đổi thông tin với các nước
trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ
thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,
Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân... ở nước ngoài cũng như phiên bản tiếng
nước ngoài của các báo điện tử đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ
truyền thông đối ngoại; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối
ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa
nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội. Thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn
đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là tình hình ASEAN, Liên hợp quốc, APEC,
và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư,
chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, an ninh tiền tệ, ngân hàng, cuộc cách
mạng công nghiệp 4.0…
Trong một thế giới bất ổn, bất an, Việt
Nam được bạn bè quốc tế tin cậy khi là điểm đến an ninh, an toàn, chính trị ổn
định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là một hình
mẫu đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm,
đóng vai trò chủ động và tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế
giới. Hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có các hoạt động cấp cao diễn
ra sôi động, liên tục đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, quyết tâm
hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đóng góp vào việc duy trì môi trường
hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, công tác truyền thông đối
ngoại được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ
quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, với đa dạng hình thức để kịp thời
thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng
quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa
mạnh mẽ lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu
công cuộc đổi mới của đất nước. Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định
quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ,
phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo
đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Liêm Chính - Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét