Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: XÂY DỰNG VĂN HÓA LIÊM CHÍNH, KHÔNG THAM NHŨNG!

     Tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 6/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận và nhấn mạnh về xây dựng “văn hóa liêm chính, không tham nhũng”. Có thể xem phẩm chất đó không chỉ là phạm trù đạo đức, mà còn là nếp văn hóa - văn hóa liêm chính!

1. Khi tham nhũng đang là vấn đề nóng thì chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặc dù vậy, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, vấn nạn tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được đẩy lùi, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn.

Đáng buồn vẫn còn nhiều cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ cao vi phạm bị kỷ luật và xử lý hình sự. Thực tế đó đã làm suy giảm uy tín lãnh đạo của Đảng, tổn thương đến niềm tin của Nhân dân, nguy cơ đe dọa sự vững mạnh của Đảng, chế độ.

Nhiều người khi có được chức quyền đã tìm cách vơ vét, hưởng thụ, có lối sống khác biệt với đa số cán bộ, Nhân dân lao động. Họ đã lao vào vòng xoáy của tiền bạc, vật chất, mất hết liêm sỉ, không tôn trọng nhân cách của người cán bộ chân chính. Như một vị nguyên là lãnh đạo cấp cao từng thổ lộ: Họ “ăn” không từ một thứ gì! Từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt, những cái kit test nhỏ bé trong phòng, chống dịch COVID-19. Một số cán bộ đứng đầu trong các cơ quan quản lý đã bị biến chất là chủ thể của các vụ tham nhũng, trở thành những “tấm gương” xấu, gây nên những câu chuyện đàm tiếu, cán bộ và Nhân dân xem thường. Đức liêm chính của bộ phận lãnh đạo biến chất đang bị xem như phẩm chất “xa xỉ”, mất hết tính người.

Lòng tham vô đáy xuất phát từ bản năng vốn có, con đẻ của tư hữu, cá nhân chủ nghĩa và bị tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Từ một vài cá nhân đến các nhóm lợi ích, lan rộng ra nhiều tập thể, tham nhũng đã tạo ra “đức tính” bất liêm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo. Những biểu hiện đó phải xử lý bằng pháp luật là đương nhiên, nhưng yêu cầu cấp thiết trước hết là phải phòng ngừa bằng đạo đức “văn hóa liêm chính”. Làm sao mỗi người biết sống tử tế, liêm sỉ, tự trọng, giữ thanh liêm trước khi làm một người lãnh đạo thực sự.

2. Người Việt xa xưa đã có một nền văn hóa liêm chính từ truyền thống nhân cách, của giáo dục Nho học, trở thành phương châm làm người. Những phẩm chất đó được ăn sâu, bén rễ, trở thành lối sống bình thường của người quân tử, kẻ sĩ. Người làm quan ngày xưa lấy liêm chính bằng xả thân vì công việc, đem hết tài năng, tâm đức để phụng sự triều chính, coi đóng góp cho đời là tài sản quý, giữ thanh liêm là bản năng sống. Những câu tục ngữ dân gian: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; “Áo rách cốt cách người thương”, “Dĩ công vi thượng”… được hình thành trong truyền thống. Những lời răn dạy đó đã làm cho con người biết trọng nhân cách hơn tiền bạc; xem danh dự là quý báu, thiêng thiêng.

Sinh thời, Bác Hồ xem vấn đề đạo đức là gốc của người cán bộ, trong đó có 4 phẩm chất quan trọng: "cần, kiệm, liêm, chính". Bác cho rằng: Có cần, có kiệm, có liêm thì mới có chính được. Có đủ cả "cần, kiệm, liêm, chính" thì mới thành người hoàn thiện, thiếu một đức tính đó không thành cán bộ tốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Danh dự mới là thiêng liêng, cao quý nhất”, "Thiện căn ở tại lòng ta"; "Thượng bất chính, hạ tắc loạn"; "Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào"… Những điều chỉ giáo đó cùng với các quy định của Đảng, của pháp luật phải được nhắc nhở thường xuyên như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

3. Tham nhũng đang là vấn đề nghiêm trọng cần phải phòng, chống quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, loại bỏ được vấn nạn này không phải dễ, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Phải xác định tham nhũng còn tồn tại và chưa thể xóa bỏ hoàn toàn ở các nước có thể chế chính trị khác nhau. Những vụ việc trong thời gian qua cho thấy, chống tham nhũng đòi hỏi phải làm quyết liệt, bài bản mới có thể hạn chế được tiêu cực xảy ra. Nhưng khi xử lý bằng pháp luật còn khó khăn, lâu dài thì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng cần đặt ra là giải pháp cần thiết trước mắt.    

Thời phong kiến, các quan lại đã biết giữ thanh liêm, phẩm giá vì sợ mất danh dự của bản thân, gia đình, dòng họ, làng xã. Ngày nay, một bộ phận cán bộ tự suy thoái, bị cám dỗ trước nguồn lợi vật chất cần phải được “quay lại” học những đức tính liêm khiết của cha ông.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phải nêu những tấm gương, nhân cách của những vị quan thanh liêm ngày xưa và chính từ tấm gương của Bác cho cán bộ, đảng viên học tập, sửa chữa khuyết điểm. Đòi hỏi người lãnh đạo cần có cái tâm trong sáng, trọng danh dự, bài trừ chủ nghĩa cá nhân, không được phép tham vọng vật chất không phải do mình tạo lập nên.

Cần xây dựng nếp văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng trở thành tiêu chuẩn quan trọng, thành thước đo phẩm chất cần nhất của người cán bộ trong quy hoạch, đề bạt. Xác định các tiêu chuẩn mang tính định lượng khi đánh giá cán bộ theo định kỳ hoặc chuyên đề ở những cơ quan có điều kiện tham nhũng. Cần thiết có thể ban hành bộ quy tắc về văn hóa liêm chính không tham nhũng tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị. Quan trọng nhất là cần giáo dục, đánh thức danh dự cá nhân, tự thấy xấu hổ, liêm sỉ, tự trọng, không sân si trước tiền của, vật chất của xã hội. Chú trọng giáo dục lương tâm và danh dự, tạo nên phản ứng dư luận xã hội lên án, bài trừ thói xấu, tẩy chay với những kẻ tham nhũng bất lương.../.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét