Ngày nay, với sự phát triển của cuộc
cách mạng khoa học công nghệ 4.0, truyền thông đối ngoại đang được các quốc gia
trên thế giới đẩy mạnh, tạo sự lan toả và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Việc đẩy mạnh
truyền thông đối ngoại còn góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch, phản động lưu vong từ ngoài biên giới.
Thông tin đối ngoại là nội dung rất quan trọng trong
công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là cầu nối và
phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi
ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế
tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất
nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở,
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất
nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới,
các nhà đầu tư kinh doanh, tổ chức tài chính, tiền tệ... Bên cạnh đó, thực hiện
tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch,
bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư
tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử
chống đối.
Truyền thông đối ngoại hiện nay có thể được hiểu là
đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông
tin về tình hình Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ra thế giới. Thông tin quảng
bá hình ảnh Việt Nam là thông tin về đất nước, con người, lịch sử văn hóa của
dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam nhằm
thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam
với các nước, các tổ chức quốc tế.
Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác truyền thông
đối ngoại sẽ giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, về những giá trị
văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng cao hình ảnh, uy tín của
Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở,
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của đất nước ta,
tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài... Thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại còn góp phần
bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước
có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình
Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội
nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và
Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa
phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp
chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền
hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền
hình nước ngoài.
Như vậy, công tác truyền thông đối ngoại được triển khai đồng
bộ với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trong
và ngoài nước, với đa dạng hình thức để kịp thời thông tin cho nhân dân trong
nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ
trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa mạnh mẽ lịch sử, truyền thống,
hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước.
Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam
luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên
tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do
ngôn luận ở Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét