Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

 Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người

Mưu cầu hạnh phúc là khát vọng thường trực của con người, nên hạnh phúc có thể được tiếp cận từ nhiều giác độ khác nhau, đặc biệt là từ phương diện triết học. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đã làm một cuộc “cách mạng” trong quan niệm về hạnh phúc. Trước hết, triết học Mác phản đối những quan điểm mang tính thần bí, duy tâm của tôn giáo về hạnh phúc và khẳng định, con người cần được hạnh phúc trong thực tại. Trong bối cảnh xã hội tư bản đầy rẫy bất công thì “Hạnh phúc là đấu tranh” - đấu tranh chống áp bức giai cấp và dân tộc, chống cái ác, cái phản văn hóa để xây dựng xã hội cộng sản, mà ở đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người. Ngược lại với quan điểm cho rằng hạnh phúc là sự “nhận về”, là thụ hưởng cá nhân, C. Mác nhận định, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì đó là người hạnh phúc nhất. Quan niệm đó đã trở thành nhân sinh quan của C. Mác: “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người. Khi đó, niềm vui được hưởng không chỉ là một niềm vui ích kỷ, hẹp hòi và nhỏ nhen, mà hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người”(1). Những quan điểm đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã tác động lớn đến thế giới quan, nhân sinh quan nói chung và nhận thức về hạnh phúc nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nổi bật nhất trong tư tưởng của Người về hạnh phúc là một số luận điểm chính sau:

Thứ nhất, con người chỉ có hạnh phúc khi dân tộc được độc lập, tự do.

Sinh ra trong bối cảnh “nước mất, nhà tan”, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu bi kịch của thân phận người dân mất nước - “vong quốc nô”. Chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương hoàn toàn đối lập với ngọn cờ “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp. Với tất cả sự đau xót và căm phẫn, trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp An-be Xa-rô, Nguyễn Ái Quốc đã mỉa mai, lên án: “Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời”(2). Sống dưới chế độ phản động cùng cực đó, người dân các nước thuộc địa phải gánh chịu muôn vàn đau khổ, nên con đường tất yếu, duy nhất của họ là: Đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thành lập các quốc gia độc lập. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giúp dân tộc Việt Nam tái sinh, nhưng kẻ thù đế quốc vẫn nuôi dã tâm đàn áp, bắt nhân dân Việt Nam phải làm nô lệ. Với quan điểm hạnh phúc của mỗi người dân không thể tách rời nền độc lập dân tộc, nên khi thực dân Pháp “quyết cướp nước ta một lần nữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Dù phải kháng chiến 5 năm, 10 năm, hay là lâu hơn nữa, để giữ gìn thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, để tranh lấy tự do và hạnh phúc cho giống nòi, chúng ta cũng quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng”(3). Khi đế quốc Mỹ âm mưu dùng sức mạnh vật chất để hủy diệt ý chí thống nhất của dân tộc Việt Nam, Người đã đưa ra chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Theo lời hiệu triệu của Người, nhân dân Việt Nam đã tự nguyện dâng hiến, sẵn sàng hy sinh, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ niềm hạnh phúc của con người tự do.

Thứ hai, con người chỉ có hạnh phúc thực sự dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hạnh phúc trước hết là hạnh phúc của nhân dân lao động. Ngay trong tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), Người đã khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(4). Theo Người, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại khỏi lầm than, đem lại cho mọi người sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no mà không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc. Từ sự am hiểu sâu sắc đặc tính bản chất của các loại hình xã hội đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(5). Chủ nghĩa xã hội là nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mọi phương diện, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự cho con người, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ góc độ lợi ích và tính ưu việt của chế độ mới, nhằm làm cho nhân dân lao động thoát khỏi nạn bần cùng, mọi người đều có việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Người đã rút ra kết luận: “Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(6).

Thứ ba, mang lại hạnh phúc cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu nước độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Hạnh phúc luôn bao hàm sự thỏa mãn, hài lòng khi được hưởng thụ giá trị vật chất và tinh thần xứng đáng, khi được làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Người cũng thấu hiểu, nhân dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi được ăn no, mặc đủ. Chính vì vậy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tuyên bố “các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”(7) thì tất yếu Chính phủ có trách nhiệm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền; trong đó, làm cho người dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có điều kiện học hành là nhiệm vụ cấp bách nhất. Sự hài lòng về chính thể cũng mang lại cho nhân dân niềm hạnh phúc, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan của Chính phủ phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Luôn tâm niệm, coi hạnh phúc của nhân dân là lý tưởng duy nhất của Đảng nên trong bản Di chúc thiêng liêng, Người đã căn dặn, Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Lễ cưới tập thể dành cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức_Nguồn: tuoitre.vn

Thứ tư, muốn có hạnh phúc, toàn dân phải đoàn kết phấn đấu và cán bộ phải biết hy sinh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải dựa vào nhân dân để đem lại hạnh phúc cho nhân dân, bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Do nước ta còn nghèo nên Người nhắn nhủ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”(8). Nói về sự cần thiết phải quy tụ sức dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hình ảnh: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả”(9). Nếu mỗi người dân đều tự giác làm lợi cho đất nước thì “nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to”, nhất định đất nước sẽ giàu và người dân sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không chỉ là sự thụ hưởng, mà còn là hạnh phúc của con người tự tạo dựng cuộc đời mình; bởi lẽ, người nào chỉ biết trông chờ vào hạnh phúc “từ trên trời rơi xuống” sẽ không xứng đáng được hưởng hạnh phúc và sự thật là không thể có hạnh phúc.

Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; bởi vì, nếu cán bộ tha hóa thì lợi ích, hạnh phúc của nhân dân sẽ bị tước đoạt. Người nói rõ: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng”(10). Khi yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hành đức hy sinh để phụng sự nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sự hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân là niềm hạnh phúc to lớn; vì thế, “ta đã biết cần phải chịu khổ, thì ta chịu một cách vui vẻ, dần dần ta sẽ không lấy làm khổ... chúng ta vì nước, vì dân mà chịu khổ, một cái khổ rất có giá trị, thì vật chất càng khổ tinh thần càng sướng”(11).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hạnh phúc rất sâu sắc, không chỉ thông qua những quan điểm đầy tính khoa học, nhân văn, mà còn được bảo chứng bởi cuộc đời trọn vẹn đức hy sinh của Người. Người đã nói về trách nhiệm của mình trước dân tộc: “Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”(12). Suốt đời phấn đấu, hy sinh trọn vẹn cho hạnh phúc của nhân dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong lòng nhân dân.

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 40, tr. 18
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 109
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 602 
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 2, tr. 292
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 11, tr. 610
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 438
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 21
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 311
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 663
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 66
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 176

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét