Một thực tế đó là, mỗi khi có đồng
chí cán bộ nào bị xử lý sai phạm thì xuất hiện tâm lý hả hê ở một bộ phận dư
luận. Phần đa ý kiến không đồng tình với tâm lý hả hê đó, nhưng điều này cần
được nhìn nhận thấu đáo để hiểu rõ vì sao? Một trong những nguyên nhân gây nên
tâm lý đó chính là “bệnh xa dân” của cán bộ khiến dư luận đã có cái nhìn tiêu
cực, thiếu cảm thông mỗi khi có vụ việc.
1. Mới đây, khi cơ quan chức năng
thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận thể hiện tâm
lý hả hê. Căn biệt thự của gia đình ông cựu Bí thư Tỉnh ủy nằm ở vị trí được
xem là đẹp nhất của TP Lào Cai từ lâu đã trở nên xa cách với đời sống của phần
đông người dân. Cũng theo kết luận của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Vịnh
có tới 7 lô đất đều nằm ở các vị trí đắc địa của TP Lào Cai, chưa kể những tài
sản khác. Hình ảnh người cán bộ như vậy đã khiến người dân không có cảm
tình.
Tìm hiểu những câu chuyện thực tế ở
nhiều địa phương cho thấy, tình trạng cán bộ mắc “bệnh xa dân” khá phổ biến. Có
những nơi đã hình thành khu ở của người giàu, của một số “quan chức”, hoặc vợ
con họ sống xa xỉ, hưởng lạc. Đó là những khu phố luôn kín cổng cao tường, xa
cách với nhân dân lao động. Ngay tại TP Lào Cai, ngày 24-5-2017, Báo Tuổi trẻ
đã đăng tải bài điều tra “Đấu giá đất biệt thự “đắc địa” Lào Cai: Toàn quan
chức trúng”. Theo bài báo, cả 6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa bậc nhất Lào Cai
sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình quan chức tỉnh này,
trong đó có ông Nguyễn Văn Vịnh, khi đó đang đương chức Bí thư Tỉnh ủy.
Chuyện cán bộ mắc “bệnh xa dân” ngày
nay thể hiện muôn hình vạn trạng, đó là cán bộ ít đến với dân, ít nghe tâm tư
nguyện vọng của người dân; cán bộ tránh, trốn tiếp dân bằng nhiều lý do, nhất
là khi có “tình huống điểm nóng”. Người dân không dễ gì gặp được họ dù ý kiến,
nguyện vọng muốn trình bày với người có trách nhiệm giải quyết là chính đáng và
cần thiết.
Luật pháp có quy định, các cơ quan nhà
nước từ Trung ương đến cơ sở đều phải thực hiện tiếp công dân. Người đứng đầu
phải định kỳ tiếp công dân theo quy định của luật. Mục đích của việc tiếp công
dân chính là sự gần dân, là để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận ý kiến của
công dân để giải quyết, để ban hành chủ trương, chính sách sát thực tiễn. Tuy
vậy, kết quả nội dung thanh tra trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện
việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo những năm qua cho thấy một
tình trạng phổ biến đó là việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu không
đầy đủ, không nền nếp, ủy quyền cho người khác tiếp công dân, nhiều người đứng
đầu nhiều năm không tiếp công dân. Chính vì người đứng đầu, có thẩm quyền giải
quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân lại không tiếp dân khiến bức xúc của
người dân không những không được giải quyết mà còn bị đẩy lên cao, trở thành
điểm nóng.
Ở một góc độ khác, chính vì mắc “bệnh
xa dân” nên có những cán bộ chỉ nắm được tình hình qua báo cáo. Mà chất lượng
báo cáo thì không phải ở đâu, chỗ nào cũng đúng, cũng thực chất. Tình trạng “tô
hồng” báo cáo là một “trọng bệnh” với đa số ưu điểm, thành tích mà lảng tránh
khuyết điểm, yếu kém.
2. Trở lại với nguyên lý gốc về
người cán bộ và nhân dân thì mối quan hệ này như thế nào trong chế độ xã hội
chủ nghĩa, hay cụ thể nhất là Nhà nước ta? Cán bộ thực chất là những thủ lĩnh
của nhân dân trong mối quan hệ công nhân-nông dân-trí thức và đoàn kết mọi lực
lượng yêu nước bền chặt. Nguyên nghĩa đó là những hạt nhân tinh túy trong phong
trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các giai tầng khác để giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội tốt đẹp.
Vì là những hạt nhân tinh túy nhất nên
dĩ nhiên họ xuất phát từ chính những người dân, từ nhân dân mà ra, qua quá
trình lăn lộn trong đấu tranh, lao động mà trưởng thành. Đắm mình trong thực
tiễn, họ đã xuất sắc hơn so với đại đa số quần chúng, cả về tài năng, trí tuệ
và đặc biệt là phẩm chất đạo đức tốt đẹp (đạo đức cách mạng). Họ trở thành thủ
lĩnh để dẫn dắt, lãnh đạo quần chúng. Nhưng mục đích lớn nhất đó là dẫn dắt
quần chúng làm cách mạng, phục vụ cách mạng chứ không phải là những người làm
quan phát tài, ăn trên ngồi trốc. Cần thiết phải nói rõ ngọn nguồn như vậy để
hiểu sâu sắc người cán bộ là ai, họ đứng ở vị trí nào và phải làm gì cho nhân
dân.
Soi điều đó vào thực tiễn, trong suốt
sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã có biết bao thế hệ cán bộ thực sự là của
nhân dân, vì nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng. Họ lớn lên
trong cách mạng, vào sống ra chết vì cách mạng, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân
dân. Chính nhân dân đã rèn luyện, đào tạo cán bộ, từ phẩm chất, bản lĩnh đến ý
chí, hành động. Trong suốt quá trình thực tiễn lịch sử đất nước càng thấm thía
điều đó. Ai từng một lần đặt chân đến di tích Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Côn Đảo
hay nhiều nhà tù khác mới hiểu hết tấm lòng kiên trung vì nước, vì dân của
những chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp cao cả của dân tộc. Họ là những cán
bộ, đảng viên của dân tộc, của nhân dân. Trong số hàng vạn chiến sĩ cách mạng
ấy, đã có nhiều người sau này trở thành cán bộ chủ chốt, giữ các cương vị cấp
cao của đất nước nhưng họ vẫn giữ mãi những phẩm chất cao quý, thanh liêm đó.
Họ đã được dân tin, dân quý, dân chở che, bảo vệ.
Ngày nay, trên thực tế, rất nhiều cán
bộ, từ Trung ương đến cơ sở vẫn nỗ lực để lo cho người dân có cuộc sống tốt
đẹp, nhất là lo cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh, trong xóa đói, giảm
nghèo, thực hiện an sinh xã hội. Hình ảnh những cán bộ luôn hết lòng vì dân, từ
suy nghĩ đến việc làm rất đáng trân trọng. Những mô hình như “ngày cuối tuần
cùng dân” khởi đầu từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) qua thực tiễn 4 năm, giờ đã
được nhiều địa phương hưởng ứng bởi tính hiệu quả gần dân của nó. Nhiều tấm
gương người tốt, việc tốt kể về việc cán bộ gần dân, vì dân, giúp dân, dân
giúp, xuất hiện thường xuyên trên mặt báo thật đáng quý.
Người cán bộ khi đó không chỉ tạo sự
gần gũi, gắn kết giữa người dân với chính quyền, với tổ chức mà điều quan trọng
nhất là việc này đã giúp đội ngũ cán bộ được nghe, tiếp nhận được thông tin đúc
rút từ thực tiễn để tham mưu, ban hành các chủ trương, chính sách đúng, tháo gỡ
được vướng mắc, khó khăn từ cơ sở. Suy cho cùng, việc cán bộ phải vì dân vẫn
luôn là bài học lớn và rất sâu sắc, đúng như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII
của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán
triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
3. Đã có rất nhiều cảnh báo, phân
tích về hệ lụy ghê gớm của “bệnh xa dân”, một biểu hiện rõ nét nhất của tệ quan
liêu nếu mỗi cán bộ, đảng viên không thực tâm rèn luyện. Chính vì xa dân, không
được nghe và không chịu nghe những ý kiến từ đời sống khiến cán bộ mắc thói
quan liêu, cửa quyền. Chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người cũng lớn lên từ đó,
là căn nguyên khiến cán bộ hư hỏng.
Lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản
và nhân dân thế giới V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Toàn bộ công việc của tất cả
cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì bệnh quan liêu. Nếu có
cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
đặc biệt coi trọng, giáo dục cán bộ công quyền phải trọng dân, gần dân, vì dân
mới làm được cách mạng và đó mới là mục đích của cách mạng. Ngay từ những ngày
đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cách mạng, Bác đã nhiều lần nhấn
mạnh: “Có dân là có tất cả”. Trong cuộc đời mình, Người đã dành nhiều thời gian
đi cơ sở, thăm nhân dân, cán bộ, công nhân, người lao động. Trong những lần
đến, Bác rất chú ý thăm đồng bãi, công trường, nhà ăn, nơi ngủ nghỉ của công
nhân, người lao động. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm, từ năm
1955 đến 1965, Bác đã về địa phương, cơ sở, đến với nhân dân hơn 700 lần. Những
chuyến đi của Bác thường không được báo trước, gọn nhẹ, không gây tốn kém, lãng
phí cho cơ sở. Nhiều lần Người còn mang cơm nắm đi, ăn cùng cảnh vệ cho đỡ
phiền phức địa phương và đặc biệt là tác phong giản dị, không bao giờ quan
cách.
Để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng và hành động, đặc biệt chống
thái độ thờ ơ, vô cảm, quan liêu, “bệnh xa dân”, cùng với từng bước hoàn thiện
hệ thống luật pháp của cả hệ thống chính trị, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết,
chỉ thị trong vấn đề này. Điển hình là Quy định số 11-QĐi/TW “về trách nhiệm
của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và
xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” được Bộ Chính trị khóa XII ban hành.
Quy định này đã yêu cầu đội ngũ bí thư, cấp ủy và rộng hơn là mỗi cán bộ phải
khắc phục biểu hiện thiếu sâu sát thực tế cơ sở, xa dân; cần coi việc gần dân,
công tác tiếp dân, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ quan
trọng của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Nghị quyết số 04-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã
thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng
viên. Trung ương chỉ rõ 1 trong 27 biểu hiện suy thoái đó là “quan liêu, xa rời
quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình
hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước
những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Nhìn nhận từ lý luận gốc đến thực tiễn
sự vận động phát triển trong xã hội ngày nay, càng thấy vấn đề “gần dân, hiểu
dân, trọng dân và vì dân” là cốt tử của mỗi người cán bộ, đảng viên trong cơ
quan công quyền. Cán bộ mà quan liêu, xa dân thì chỉ có hại cho dân, cho nước
và hại cho chính họ. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế
mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ: “Ta làm
hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái
gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét