Nhận diện và đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam” trong công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước ta đã vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức, giữ vững sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội để đạt được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế chưa bao giờ có” như hiện nay. Có được những kết quả, thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước với trường phái đối ngoại và ngoại giao “Cây tre Việt Nam” thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc Việt Nam.
Trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Đến Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 12 năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại nhưng có bổ sung thêm rằng “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo
tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32
Thực tiễn đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã góp phần to lớn củng cố vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, tăng cường sức mạnh dân tộc, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, đối tượng phản động với mục đích chống phá đã xuyên tạc, bôi nhọ trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” của Đảng và Nhà nước ta bằng những luận điệu sai trái, tự suy diễn, phủ nhận tính đúng đắn, thành tựu của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”; cố tình đánh tráo khái niệm “Cây tre Việt Nam” bằng những thuật ngữ mang tính kích động, chống phá, như: “ba phải”, “hai mặt”, “đu dây”, “hai mang”... Bằng sự ngụy biện, suy diễn, quy chụp, võ đoán, họ rêu rao rằng, Việt Nam đang theo đuổi chính sách ngoại giao đi ngược xu thế thời đại, gán ghép khiên cưỡng những cuộc xung đột vũ trang, đảo chính, nội chiến đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới để so sánh, quy chụp đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên được một số đối tượng tự xưng là “nhà nghiên cứu”, “nhà phản biện”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh”, “học giả”... cổ xúy, tung hô bằng những hình thức gọi là “bàn tròn”, “bình luận”, “góc nhìn”... nhằm gây nhiễu thông tin, định hướng sai lệch dư luận.
Có thể khẳng định, những luận điệu xuyên tạc, kích động nhằm phá hoại trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” trên hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở khoa học, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Đều này có thể minh chứng trên cả 02 phương diện lý luận và thực tiễn.
Trên phương diện lý luận cho thấy, tất cả tài liệu, văn bản liên quan đến trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đều thể hiện rõ tính khoa học, lịch sử, văn hóa... khẳng định tính tất yếu khách quan trong đường lối, chính sách, chiến lược đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam. Việc sử dụng cụm từ “cây tre Việt Nam” là cách nói khái quát, hình tượng, đúc kết lịch sử, có sự bổ sung, phát triển tư duy lý luận và giải pháp để phù hợp, thích ứng với xu thế thời đại và đòi hỏi từ thực tiễn. Đó cũng chính là sự thể hiện sinh động việc quán triệt, triển khai thực hiện nhất quán theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…
Trên phương diện thực tiễn, trong những năm qua, nhất là năm 2023 đã đánh dấu những cột mốc quan trọng của ngoại giao Việt Nam, được dư luận quốc tế và trong nước ghi nhận, đánh giá cao. Hai dấu ấn nổi bật là việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện và tiếp tục làm sâu sắc, nâng tầm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả... Truyền thông quốc tế đã dành thời lượng lớn phản ánh, phân tích, bình luận về hai chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam với sự ủng hộ, đánh giá cao thành tựu ngoại giao và vị thế ngày càng được nâng tầm của Việt Nam trên trường quốc tế. Những dấu ấn và thành tựu ngoại giao của Việt Nam là kết quả của sự vận dụng đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.
Từ những minh chứng trên đã làm rõ tính tất yếu và đúng đắn của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, đã góp phần khẳng định, không ngừng nâng cao vị thế, tiềm lực, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tiễn sinh động ấy là hiện thực khách quan, không thể xuyên tạc, phủ nhận. Bảo vệ tính tất yếu và chính nghĩa của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là cuộc đấu tranh kiên định, kiên trì, kiên quyết và lâu dài. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi người dân cần giữ vững lập trường, quan điểm, kiên quyết đấu tranh để vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch./.
CĐ, VS (st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét