Những năm qua,
trong khi đại đa số nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý
của Nhà nước, phát huy dân chủ, trí tuệ, tích cực tham gia phản biện xã hội với
tinh thần xây dựng, giúp cho Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính
sách, pháp luật đúng đắn, lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả, thì vẫn có
những đối tượng cố tình lợi dụng phản biện xã hội để tung ra những quan điểm,
luận điệu phản động, sai trái, gây nhiễu loạn đời sống chính trị-xã hội của đất
nước.
Những năm qua, các thế lực thù
địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức hậu thuẫn, kích động các đối
tượng trong nước lợi dụng phản biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính
trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Họ nhân
danh phản biện để phản bác, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng và
chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ thường lợi dụng các thời điểm
nhạy cảm chính trị của đất nước như trước và trong quá trình tổ chức đại hội
Đảng, các kỳ bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp hoặc khi diễn ra những
sự kiện quốc tế quan trọng; khi Quốc hội, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về các
dự thảo luật, chương trình, đề án... để lấy danh nghĩa phản biện xã hội tiến
hành các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất
nước.
Những hoạt động này của các thế
lực thù địch khá đa dạng, song tập trung ở một số thủ đoạn: (1) Lợi dụng
internet, mạng xã hội, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để đưa ra những bài nói,
bài viết, các video clip nêu những ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết sách cụ thể ở các bộ,
ngành, địa phương; (2) thông qua hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các
cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
với dụng ý không lành mạnh; (3) lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ quan báo
chí nước ngoài để nêu quan điểm bằng bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn với
nội dung xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen những hạn chế trong nước, nhất là tình
trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, hòng làm cho thế giới hiểu
sai về đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt
Nam; (4) khi Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành, địa phương không tiếp nhận
những ý kiến “phản biện” (thực chất là các luận điệu, quan điểm, ý kiến phản
động, phá hoại) thì vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm, đàn áp dân chủ.
Phản biện xã hội là việc phân
tích, đánh giá, lập luận, tranh luận có tính chất độc lập, khoa học của các lực
lượng xã hội (bao gồm cá nhân hoặc tổ chức) nhằm khẳng định hoặc bác bỏ, hay đề
xuất sửa đổi chủ trương, chính sách, từ đó giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem
xét, điều chỉnh cho phù hợp hơn với lợi ích chung của cộng đồng. Xét về
bản chất, phản biện xã hội là một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng
trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Theo đó, phản biện xã hội chính là quyền bày
tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân
chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người.
Trên cơ sở quan điểm của Đảng,
Hiến pháp và pháp luật, nước ta đã cụ thể hóa quyền tham gia phản biện xã hội
của các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân. Hiến pháp nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định một số quyền con người,
quyền công dân có nội dung liên quan mật thiết đến phản biện xã hội như quyền
được thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền trưng cầu ý dân, quyền tham gia
quản lý nhà nước và xã hội. Theo đó, Điều 28 quy định: “1. Công dân có quyền
tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ
quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo
điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch
trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Phản biện xã hội ở Việt Nam là
một phương thức hữu hiệu để nhân dân tham gia quản lý nhà nước, là bước phát
triển cao của hình thức dân chủ trực tiếp, thể hiện rõ vai trò chủ thể quyền
lực của nhân dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Người dân có thể sử dụng quyền
lực của mình một cách trực tiếp thông qua việc giám sát hoạt động của cơ quan
nhà nước, hoặc kiến nghị, đóng góp ý kiến, phản biện, hoặc trực tiếp tham gia
xây dựng chính sách, pháp luật và biểu quyết khi được trưng cầu ý kiến.
Như vậy, phản biện xã hội ở Việt
Nam không chỉ là con đường, phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của
mình mà còn là để bảo vệ quyền làm chủ của mình; không chỉ là công cụ để nhân
dân kiểm soát quyền lực Nhà nước mà còn để bảo vệ Đảng, Nhà nước. Bản chất tiến
bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa quy định phản biện xã hội ở Việt Nam phải thể
hiện được tính xây dựng, không phải để tạo ra sự xa cách, chia rẽ, đối lập nhân
dân với Đảng, Nhà nước, mà là để nhân dân tiến gần hơn với hoạt động lãnh đạo
của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm cho “ý Đảng hợp với lòng dân”, để nhân dân
thực thi một cách trực tiếp, thực chất hơn quyền lực của mình, đồng thời giúp
cho Nhà nước hoàn thành tốt hơn vai trò phục vụ nhân dân. Do đó, mọi âm
mưu, hành vi lợi dụng phản biện xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ phá
hoại mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân
tộc cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét