Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thành công, đã giải quyết khối lượng công việc lớn, chất lượng, hiệu quả; tạo được điểm nhấn với sự đồng thuận cao trong Quốc hội. Bên lề hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu kỳ vọng những quyết sách, dự án luật được xem xét thông qua sẽ tạo những đột phá, thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hải Phòng. Ảnh: Bích Liên |
Công tác lập pháp đạt chất lượng cao
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên thường trực Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hải Phòng đánh giá: Kỳ họp thứ 7 này có khối lượng công việc rất lớn, đa dạng về chủ đề, trong đó có rất nhiều vấn đề cấp bách, nóng hổi về thực tiễn của đất nước. “Trong quá trình họp, chương trình của Kỳ họp cũng có một số lần phải thay đổi để đáp ứng được tình hình thực tiễn mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Điều này cho thấy Quốc hội đã rất linh hoạt trong khâu điều hành, tổ chức để hướng tới chất lượng các quyết sách”, đại biểu cho hay.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, điểm mới thứ hai là Quốc hội đã thảo luận kỹ theo đúng quy trình và đã bầu được những vị trí, chức danh quan trọng, cũng như miễn nhiệm các chức danh có liên quan theo quy định của pháp luật. “Tôi nhận thấy dư luận cũng đặc biệt quan tâm, song cũng còn chờ đợi rất nhiều, nhất là các quyết sách để các quyết sách sát thực tế, đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, cũng như nhanh chóng theo kịp hơi thở cuộc sống và phát huy được hiệu quả”, đại biểu chia sẻ.
Quan tâm đến công tác lập pháp, đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang cho hay, công tác lập pháp trong Kỳ họp thứ 7 là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này. “Bởi việc thông qua 10 dự án luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật là khối lượng công việc lớn. Chúng tôi cũng đánh giá và ghi nhận cao đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ, thời gian trình các hồ sơ dự án luật đã đảm bảo được theo đúng quy định của pháp luật”, đại biểu cho biết.
Theo đại biểu Lý Thị Lan, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp của Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các cơ quan thẩm tra đã có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để đáp ứng được đúng thời gian hoàn chỉnh về các dự án luật.
“Còn các đại biểu Quốc hội, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, dành nhiều thời gian, trí tuệ để nghiên cứu từng dự án luật và góp ý, phát biểu thẳng thắn tại phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường. Những góp ý này góp phần để nâng cao chất lượng của dự án luật”, đại biểu nêu rõ.
Đặc biệt, theo đại biểu việc tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, công tác tổng hợp của thư ký rất nhanh và kịp thời. Ngay sau buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã có thể đọc lại được các ý kiến của mình. Các cơ quan soạn thảo có thể tổng hợp và khẩn trương có tiếp thu, giải trình, cung cấp lại cho cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội những nội dung tiếp thu và những nội dung còn băn khoăn để đại biểu Quốc hội tiếp tục có những kênh để phản ánh.
Đại biểu cũng ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan truyền thông đối với việc xây dựng pháp luật của Quốc hội. Các cơ quan truyền thông đã kịp thời phản ánh đúng diễn biến tại nghị trường Quốc hội để cử tri theo dõi. Qua các kênh truyền thông, cử tri cũng có thể phản ánh ý kiến của mình, đây cũng là kênh để các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội tham khảo thêm thông tin, kịp thời nắm bắt được những ý kiến của cử tri để tiếp tục tham gia vào các dự án luật.
“Tôi thấy rất vui mừng khi Kỳ họp này, nội dung xây dựng pháp luật đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là làm sao để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật và đáp ứng được đúng theo yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Bích Liên |
Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đánh giá: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng, các đại biểu rất tập trung nghiên cứu hồ sơ, trách nhiệm trong việc đưa ra ý kiến. “Vì thế, chất lượng các luật, các nghị quyết được thông qua đã đạt kết quả rất tốt. Các ý kiến của đại phát biểu hội trường đã thể hiện được sự hiểu biết, tâm huyết của đại biểu Quốc hội về các vấn đề Quốc hội đưa ra được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm", đại biểu cho hay.
Một trong những điểm đặc biệt tại Kỳ họp này mà đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng quan tâm là công tác nhân sự. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ và có ý kiến trong việc lựa chọn các nhân sự vào các vị trí quan trọng của bộ máy Đảng và Nhà nước. Những người được Quốc hội lựa chọn bầu tại Kỳ họp lần này đã được gửi gắm nhiều sự tin tưởng, kỳ vọng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.
Theo đại biểu, tại Kỳ họp này, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Tất cả các dự án luật và các văn bản trình ra Quốc hội đều đã được cơ quan của Quốc hội, các bộ, các ngành xin ý kiến các nhà khoa học. Trong đó, có đội ngũ các nhà khoa học của VUSTA.
“Những nhà khoa học của VUSTA đã đóng góp một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, hình thành cũng như hoàn thiện trong văn bản luật, các nghị quyết của Quốc hội trong Kỳ họp này. Điều đó để khẳng định, đất nước ta rất tôn trọng trí thức khoa học công nghệ”, đại biểu khẳng định.
Đại biểu cũng hy vọng, các dự án luật được thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống để thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển.
Kỳ họp quyết sách nhiều vấn đề quan trọng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết: Kỳ họp thứ 7 quyết sách nhiều vấn đề quan trọng. Đại biểu luôn sẵn sàng chia sẻ kiến nghị của Chính phủ, sẵn sàng tăng, kéo dài các buổi họp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời còn là sự đồng bộ thể chế để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bích Liên |
Quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều yếu tố bất định, Quốc hội đã đề nghị với Chính phủ, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế chính sách đặc thù dành cho địa phương, tăng phân cấp phân quyền. Có như vậy mới ứng phó được với biến động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay.
Cụ thể, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đồng thời, Quốc hội đồng thuận chia sẻ Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp; tăng cường giảm thuế giá trị gia tăng, kéo dài thời gian giảm thuế, cân nhắc áp dụng thuế giá trị gia tăng… Như vậy, người dân và doanh nghiệp đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu cũng cho biết, trong Kỳ họp lần này, Quốc hội bàn thêm một số nội dung quan trọng như làm Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản... có đánh giá tác động môi trường, xem xét hoàn thiện tháo gỡ ách tắc từ thực tiễn. Quốc hội chia sẻ với Chính phủ theo hướng đồng tình, để đưa luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn từ 1/8/2024.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ: “Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra thành công. Tôi mong chờ thông qua kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục nhìn nhận đánh giá để nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội đặt ra năm 2024 hoàn thành. Và là tiền đề để thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ mà các cử tri, nhân dân đặt ra. Điều này thể hiện tâm tư, nguyện vọng gửi tới các Đại biểu Quốc hội đã truyền tải trên nghị trường.
“Có thể thấy, Nghị trường tại Kỳ họp thứ 7 rất sôi động. Đây kỳ họp bản lề giúp các đại biểu Quốc hội có cơ sở tiếp tục giám sát còn Chính phủ có dịp nhìn lại để có giải pháp và lộ trình thực hiện một cách tốt hơn”, đại biểu cho biết./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét