Hệ thống báo
chí, truyền thông của Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là thành
quả từ những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy
quyền tự do báo chí.
Thực tiễn sinh động
liên quan tới vấn đề này chính là cơ sở để bác bỏ những đánh giá thiếu khách
quan, thiển cận và thiếu thiện chí về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, báo chí
được coi là kênh kết nối để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, từ đó phục vụ cho mục tiêu phát
triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích quốc
gia-dân tộc... Việc Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và thúc đẩy các
quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận,
tự do báo chí và tự do tiếp cận thông tin được thể hiện bằng những quy định rõ
ràng trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản pháp luật liên quan. Luật
Tiếp cận thông tin năm 2016 nhấn mạnh mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân
biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thì Luật Báo chí năm
2016 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để
công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí và để báo
chí phát huy đúng vai trò.
Chẳng thế mà chuyên gia phân tích
chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk gần đây đã có bài viết với nhan đề “Việt
Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” đăng trên một tờ báo
của Nga, trong đó đánh giá cao sự đa dạng về loại hình và nội dung của các
phương tiện truyền thông tại Việt Nam với nhiều cơ quan phát thanh, truyền hình
và cho rằng đây là minh chứng cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông
tin của Việt Nam.
Ngoài ra, sự hiện diện của nhiều
hãng thông tấn, truyền thông quốc tế lớn của thế giới khiến hoạt động báo chí
tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và quan trọng hơn là giúp công chúng dễ
dàng tiếp cận thông tin nhiều chiều liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống, xã
hội. Với người dân, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo,
Instagram... hiện trở thành phương tiện hữu ích để họ chia sẻ, tiếp nhận thông
tin, bày tỏ quan điểm cá nhân về mọi vấn đề. Nhờ mạng 4G đã bao phủ xấp xỉ
99,8% dân số nên người dân Việt Nam giờ đây có thể kết nối với các cơ quan, tổ
chức hành chính từ Trung ương tới địa phương thông qua mạng xã hội để giải
quyết các thủ tục hành chính, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; thậm chí là thông báo
các vấn đề, sự việc mà họ cho là tiêu cực trong cuộc sống.
Nhìn vào những thành quả trong
bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông
tin tại Việt Nam, dư luận cả trong và ngoài nước có lẽ vô cùng bất ngờ và thất
vọng về cái gọi là báo cáo “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024” mà tổ chức
Phóng viên không biên giới (RSF) tung ra hồi đầu tháng 5 vừa qua. Trong đó, RSF
xếp Việt Nam thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí và cho rằng, nguyên
nhân khiến Việt Nam nằm trong “nhóm các quốc gia có nền báo chí tồi tệ nhất thế
giới” là do “cầm tù nhà báo có hệ thống”.
Tự do báo chí được coi như một
trong những nền tảng để các cá nhân, tổ chức nói lên ý kiến, chia sẻ quan điểm
và ý tưởng, cũng như tham gia các cuộc thảo luận, tranh luận và thực hiện chức
năng phản biện nhằm giúp xã hội phát triển. Nhưng báo chí và hoạt động báo chí
phải được đặt trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia để không trở thành
“báo chí vô chính phủ”. Trên thực tế, ở Việt Nam không có nhà báo chân chính
nào bị giam giữ chỉ vì thực hiện đúng vai trò của mình trong việc "nói
thay tiếng nói của nhân dân", đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, đưa đất nước tiến lên phía trước. Cái mà RSF gọi là “cầm tù nhà báo có hệ
thống” thực chất là việc xử phạt những người được gán mác “nhà báo tự do”, “nhà
đấu tranh dân chủ” do vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc một số nhà báo có hành vi
vi phạm pháp luật, đánh mất đạo đức của người làm báo, lợi dụng quyền tự do báo
chí để xâm phạm lợi ích của đất nước và người dân. Xử lý những người vi phạm
pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm tổn hại đến lợi ích quốc gia-dân tộc
hẳn không phải chỉ riêng Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng
đều phải làm việc đó.
Thế mới thấy, việc đánh giá tình hình tự do báo chí ở Việt
Nam và ở bất kỳ quốc gia nào khác đều cần phải dựa trên thực tế có kiểm chứng
và cái nhìn đa chiều, chứ không thể chỉ dựa trên thông tin do một số tổ chức,
cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị cung cấp để rồi đưa ra những con
số mơ hồ, đầy tính áp đặt giống như cách RSF đang làm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét