Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và nhân loại tài sản vô giá - tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về giải phóng dân tộc mang giá trị cốt lõi, thể hiện sâu sắc nhãn quan chiến lược về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Một trong những đóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh
về mặt tư tưởng, lý luận đối với cách mạng Việt Nam là tư tưởng về giải phóng
dân tộc và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó có nội
dung hết sức phong phú, được thể hiện qua các bài viết, bài nói của Người ở
những thời điểm khác nhau trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Với Hồ Chí Minh,
mục tiêu của công cuộc giải phóng dân tộc là giành độc lập cho dân tộc, tự do,
hạnh phúc cho nhân dân. Giải phóng dân tộc không phải và không thể là hành động
tự phát, càng không phải là món quà do thượng đế hoặc kẻ thù ban tặng, mà là
cuộc đấu tranh tự giác, đầy hy sinh, gian khổ của toàn dân, dưới sự tổ chức và
lãnh đạo của chính Đảng Mác xít. Giải phóng dân tộc luôn gắn liền với giải
phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc
dân đồng bào và toàn thế giới về chủ quyền, độc lập của đất nước: “Nước Việt
Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc
lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính
mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó chính là mục tiêu của
cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam anh
hùng không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù hung bạo. Trong Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, tinh thần ấy tiếp tục được tái hiện qua
sự nhấn mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất
định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Và trong Lời kêu gọi
chống Mỹ, cứu nước năm 1966, một lần nữa tinh thần ấy lại được Người khẳng
định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do... Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ
đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết
một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn
toàn”. Sự khẳng định đó của Người cũng là chân lý của thời đại, thể hiện quyết
tâm cách mạng, ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - một trong những cuộc chiến tranh giải phóng vĩ
đại nhất trong lịch sử dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc có nội
dung rất phong phú, đa dạng: từ lý luận khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách
mạng, phương thức tiến hành và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân chống
chiến tranh xâm lược đến tư tưởng chiến lược tiến công, kết hợp đấu tranh quân
sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; đánh địch bằng ba mũi giáp
công, trên ba vùng chiến lược, v.v. Trong đó, nội dung nổi bật của tư tưởng Hồ
Chí Minh về giải phóng dân tộc là ở chỗ Người đã phát hiện thấy: “Cách mạng
giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới
giành được thắng lợi hoàn toàn”. Đúng như vậy! Bởi, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới
giải phóng triệt để cho dân tộc, mới đảm bảo một cách thực chất độc lập, tự do
cho đất nước, dân tộc; độc lập dân tộc được giữ vững là tiền đề xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở nắm vững và vận dụng triệt để tư tưởng
của Người cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, quân và dân ta
giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu
tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh, gian khổ qua hai cuộc kháng chiến trường
kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, thu non
sông về một mối.
Thực hiện mục đích và nguyện vọng của nhân dân ta
trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là giành độc lập dân tộc và khi đã
có độc lập dân tộc nhất thiết phải gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì
thế, trong giai đoạn đất nước ta mới giành được độc lập ở miền Bắc, Đảng đã
lãnh đạo thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước, nhân dân ta đã bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường đã
lựa chọn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã khẳng
định đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó cốt lõi là tư tưởng
về giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tài sản vô giá
của dân tộc ta, nhân dân ta. Thời gian trôi đi theo dòng chảy của lịch sử nhưng
giá trị của tư tưởng đó thì không thay đổi, luôn soi sáng con đường cách mạng
Việt Nam cả trước đây, hiện nay và mai sau. Cũng vì thế, để khẳng định giá trị
tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo đức, phong cách của Người, Đảng ta đã ban hành
nhiều nghị quyết, chỉ thị, cuộc vận động và triển khai thực hiện sâu rộng trong
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, như: Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ
Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị
(khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về
tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa
XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”...
Hiện nay, trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục quán triệt,
thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội; trên cơ sở đó, tích cực vận dụng sáng tạo, hiệu
quả trong điều kiện mới của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới toàn
diện đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc kiên định mục tiêu
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội lại càng có ý nghĩa quan trọng,
mang tính xuyên suốt, quyết định sự tồn vong của chế độ, của quốc gia - dân
tộc. Đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện xây dựng nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và vấn đề mấu chốt là không được chệch hướng xã hội chủ
nghĩa. Phát triển đất nước nhưng không phải bằng mọi giá, phát triển phải trên
cơ sở đảm bảo độc lập dân tộc - lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc và độc
lập dân tộc phải luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, đó phải là một
nền độc lập thực sự mới có ý nghĩa, nền độc lập không lệ thuộc hay phụ thuộc
nước ngoài dưới bất cứ hình thức nào. Và, đó là chủ nghĩa xã hội được xây dựng
theo tư duy mới, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh, coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động; luôn đứng vững trên lập trường,
quan điểm của giai cấp công nhân, thấm nhuần tinh thần độc lập, tự chủ và sáng
tạo. Hơn ai hết, chúng ta thấm thía sâu sắc rằng, không có độc lập dân tộc sẽ
không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội và nếu không có chủ nghĩa xã hội cũng sẽ
không có độc lập dân tộc bền vững. Mục tiêu “hai trong một” đó có nội dung biện
chứng, không tách rời nhau, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính
là sự đảm bảo chắc chắn nhất, bền vững nhất cho sự trường tồn, phát triển của
dân tộc, đất nước. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
trước những bước ngoặt trọng đại, ở những thời điểm càng khó khăn, chân lý ấy
càng tỏa sáng, sức mạnh của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội càng được nhân
lên gấp bội, đưa đất nước ta vượt qua những thách thức, tiếp tục giành được
những thắng lợi mới.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực
tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo; nổi lên là sự cạnh
tranh chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn. Họ thực hiện điều chỉnh chiến
lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh kiềm
chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác, tạo ra thách thức lớn đối
với các nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng phải kiên định
giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phải thấu suốt và thực
hiện tốt quan điểm:“dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong đó “dĩ bất biến” là độc
lập dân tộc, là lợi ích quốc gia - dân tộc, nguyên tắc, mục tiêu chiến lược,
còn “ứng vạn biến” chính là sách lược mềm dẻo, linh hoạt để giữ “trong ấm,
ngoài êm”. Đồng thời, có kế sách bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi
nước chưa nguy; chủ động phòng ngừa, giữ vững ổn định bên trong là chính; ngăn
ngừa bất hòa, bất đồng, nguy cơ xảy ra xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm
mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ ta của các thế lực thù địch. Đặc biệt, khi tham gia hội nhập, hợp
tác quốc tế cần tận dụng lợi thế, cơ hội để thu hút các nguồn lực, phát huy tối
đa nội lực, tranh thủ ngoại lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong
đó, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá,
quan trọng. Cùng với đó, cần tránh để bị phụ thuộc, lệ thuộc nước ngoài dưới
mọi hình thức và không được trông chờ, ỷ lại bên ngoài, mà phải tự lực cánh sinh,
dựa vào sức mình là chính theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cố nhiên
sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được
ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân
tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Trong điều kiện hội nhập
quốc tế sâu rộng, quan hệ quốc tế đan xen lợi ích rất phức tạp hiện nay, chúng
ta cần hết sức tỉnh táo, khôn khéo, đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích trong
quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ
giữa hợp tác và đấu tranh trên cơ sở vận dụng đúng đắn, linh hoạt quan điểm của
Đảng về đối tác, đối tượng. Việc đánh giá, nhìn nhận về đối tác, đối tượng vốn
không dễ nên cần có cách nhìn biện chứng theo tư duy mới để thấy sự chuyển hóa
linh hoạt giữa đối tác và đối tượng trong từng thời điểm cụ thể; từ đó, có sự
hợp tác và đấu tranh phù hợp, hiệu quả, tránh phạm phải sai lầm. Thực tiễn chỉ
ra rằng: để thành công cần phải có nhiều yếu tố kết hợp lại, nhưng thất bại có
thể chỉ do một yếu tố mà thôi.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc
và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ tỏa sáng
trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn nguyên giá trị
trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vấn đề quan trọng là chúng
ta cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, vận dụng phù hợp, hiệu quả trong thực
tiễn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét