Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

 

 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

Bối cảnh ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước tư bản đế quốc vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm cho đời sống nhân dân lao động các nước trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga đã nêu tấm gương sáng trong việc giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3/1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Việt Nam, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến.

Về chính trị, thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội và đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn; chia Việt Nam thành ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng. Thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ để bóc lột kinh tế và áp bức chính trị đối với nhân dân Việt Nam.

Về kinh tế, thực dân Pháp thực hiện chính sách bóc lột, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; đầu tư khai thác tài nguyên; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.

Về văn hoá, thực dân Pháp thi hành triệt để chính sách văn hóa nô dịch, gây tâm lý tự ti, khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan. Mọi hoạt động yêu nước của nhân dân ta đều bị cấm đoán. Chúng tìm mọi cách bưng bít và ngăn chặn ảnh hưởng của nền văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam và thi hành chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.

Dưới tác động của chính sách cai trị và chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục thực dân, xã hội Việt Nam đã diễn ra quá trình phân hoá sâu sắc. Giai cấp địa chủ câu kết với thực dân Pháp tăng cường bóc lột, áp bức nông dân. Tuy nhiên, trong nội bộ địa chủ Việt Nam lúc này có sự phân hoá. Một bộ phận địa chủ có lòng yêu nước, căm ghét chế độ thực dân đã tham gia đấu tranh chống Pháp dưới các hình thức và mức độ khác nhau.

Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, bị thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề. Tình cảnh bần cùng khốn khổ của giai cấp nông dân Việt Nam đã làm tăng thêm lòng căm thù đế quốc và phong kiến tay sai, tăng thêm ý chí cách mạng của họ trong cuộc đấu tranh giành lại ruộng đất và quyền sống tự do.

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đa số xuất thân từ giai cấp nông dân, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với giai cấp nông dân, bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột.

Giai cấp tư sản Việt Nam bị tư sản Pháp và tư sản người Hoa cạnh tranh chèn ép, do đó thế lực kinh tế và địa vị chính trị nhỏ bé và yếu ớt, có tinh thần dân tộc và yêu nước ở mức độ nhất định. Tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam bao gồm học sinh, trí thức, những người làm nghề tự do… đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản trở thành người vô sản, có lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân, có khả năng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài truyền vào.

Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam, ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến, đã nảy sinh mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu và ngày càng gay gắt trong đời sống dân tộc, đó là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Tính chất của xã hội Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đang đặt ra hai yêu cầu: Một là, phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Hai là, xoá bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, chủ yếu là ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, do giai cấp phong kiến lãnh đạo đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại. 

Các phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. 

Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.

Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, đến Paris và năm 1919 gia nhập Đảng Xã hội Pháp.

Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Vécxây.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, vạch phương hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin.

Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.

Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (ở Liên Xô trước đây) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng ngày càng chín muồi.

Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7/2/1930.

Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. 

Ba2505

 

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý để Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt tại Ukraine và thành viên gia đình về nước vào các ngày 7 và 9/3.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính giải quyết về kinh phí thực hiện các chuyến bay theo quy định.

Bộ Y tế hướng dẫn công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình triển khai kế hoạch đón người về.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết để tổ chức đưa công dân về nước nhanh chóng, kịp thời; cung cấp danh sách công dân Việt Nam sơ tán về nước để các hãng hàng không bố trí nguồn lực phục vụ và tổ chức các chuyến bay theo kế hoạch.

Liên quan đến tình hình bảo hộ công dân tại Ukraine, theo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận, tính đến 17h, ngày 6/3, các cơ quan đại diện đã đón được hơn 2.500 người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine.

Trong số đó có hơn 1.700 người từ Ukraine sang sơ tán tại Ba Lan; 290 người tại Hungary; khoảng 600 người tại Romania; hơn 40 người tại Slovakia.

Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con từ Ukraine nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.

Hiện Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các hãng hàng không chuẩn bị cho 2 chuyến bay đưa người Việt và thành viên gia đình về nước trong các ngày 7/3 từ Romania và 9/3 từ Ba Lan.

Cụ thể, ngày 7/3, chuyến bay số hiệu VN88 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến chở 283 công dân khởi hành từ Bucharest (Romania), hạ cánh tại sân bay Nội Bài trưa 8/3.

Ngày 9/3, chuyến bay số hiệu QH9066 của Bamboo Airways dự kiến chở 270 công dân khởi hành từ Warsaw (Ba Lan), hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng

Ba2505

 

Bộ đội Cụ Hồ “bốn dám”

 

Bộ đội Cụ Hồ “bốn dám”

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12 của Quân ủy Trung ương (sau đây gọi là Nghị quyết 847).

Trước hết, phải khẳng định rằng, đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm) vì lợi ích chung là đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được hun đúc trong kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua thời gian, phẩm chất đó ngày càng được bồi đắp, phát huy. Thực tiễn cho thấy, hơn 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn quan tâm, coi trọng, động viên, cổ vũ các phong trào thi đua, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và lao động xây dựng đất nước đã xuất hiện nhiều tấm gương Bộ đội Cụ Hồ đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” vì lợi ích dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội ta là người luôn đau với từng vết thương của mỗi người chiến sĩ, tiếc từng giọt máu của bộ đội. Trong những giờ phút cam go nhất của trận chiến, tại cuộc họp Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù nhiều ý kiến chưa thông suốt nhưng Đại tướng vẫn quyết định chuyển phương châm đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc, hoãn nổ súng, kéo pháo ra. Thực tế lịch sử đã cho thấy đó là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch, giúp quân và dân ta giành thắng lợi "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".

Phát huy truyền thống quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, trong môi trường đặc thù, nhiều gian khó, nên phẩm chất đổi mới, sáng tạo và "bốn dám” vì lợi ích chung càng được bộc lộ rõ. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đổi mới, sáng tạo được coi là động lực quan trọng để phát triển quốc gia.

Chúng ta đều biết, khẳng định và làm nên tên tuổi của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hôm nay chính là từ quyết sách của đơn vị: Để giải quyết việc khó nhất, Viettel phải đi kiếm tìm, chiêu mộ và đào tạo nên những người giỏi nhất. Với khẩu hiệu: “Đổi mới, đổi mới, đột phá, tiên phong” từ trong thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều tấm gương biết cách giải quyết việc khó nhất theo cách làm khác biệt, đạt hiệu quả cao; đóng góp được nhiều nhất cho tổ chức, đơn vị. Đó là minh chứng về tinh thần đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” của Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại 4.0 hiện nay.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” vừa qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân, tập thể dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trong cuộc chiến ấy, nhiều gia đình quân nhân có cha mẹ, vợ con bị nhiễm Covid-19, nhiều người thân của cán bộ, chiến sĩ từ trần, nhưng vì công cuộc chống dịch, bảo vệ nhân dân, họ đã nén đau thương, gác lại niềm riêng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Không ít cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm bệnh trong quá trình chống dịch, vừa khỏi bệnh lại xung phong ở lại tiếp tục phục vụ nhân dân. Cùng với đó, các đơn vị quân đội tăng cường vào miền Nam chống dịch tựa như những cánh quân, vững vàng, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, xử lý tốt các tình huống, đem lại cuộc sống mới bình yên cho nhân dân.

Từ năm 2014 đến nay, bằng việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khắc phục sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán địa phương, tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ nhân dân nước sở tại, qua đó tạo được uy tín, ấn tượng tốt đẹp, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình với bạn bè quốc tế; góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. 

Trên đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tinh thần đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” vì lợi ích chung của Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, tuy trên những cương vị khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung, đó là, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tâm huyết, trăn trở với công việc mà luôn mạnh dạn trong suy nghĩ, quyết đoán trong hành động, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, của cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn cũng cho thấy, càng trong khó khăn, gian khổ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng tỏa sáng, có sức thuyết phục, góp phần bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong nhân dân và bạn bè quốc tế.

Chúng ta khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” vì lợi ích chung. Thế nhưng thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”, làm việc theo kiểu hết giờ làm, chưa tích cực đổi mới sáng tạo, trông chờ, thụ động, né tránh công việc được giao, khi gặp việc khó thì dồn lên cấp trên. Nguyên nhân một phần vì tâm lý sợ sai sót, vì đổi mới, sáng tạo là không đi theo lối mòn, nên rất nhiều rủi ro.

Trong khi đó, một số tổ chức, cơ quan còn có tâm lý áp đặt, quy chụp khi đánh giá cán bộ, đảng viên mới gặp sai sót, khó khăn ban đầu, điều đó dễ làm nhụt chí tiến bộ. Nghị quyết 847 chỉ rõ: Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình... Thực trạng trên đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và quân đội. 

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phải là sản phẩm tự phát, bất biến, mà là kết quả tất yếu của quá trình lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện không ngừng và luôn vận động, phát triển phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và yêu cầu xây dựng quân đội qua từng giai đoạn cách mạng.

Để phát huy phẩm chất đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” vì lợi ích chung, trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ đổi mới, sáng tạo và “bốn dám”. Mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo môi trường tốt, dân chủ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, dám bày tỏ chính kiến, cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.  

Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên phát huy tính sáng tạo, đổi mới; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Trong đánh giá cán bộ, đảng viên cần phải xem sự sáng tạo, đột phá của cán bộ là tiêu chí quan trọng.

Cán bộ, đảng viên tốt hay kém đến đâu thì ghi nhận và đánh giá đến đó; cương quyết không “dĩ hòa vi quý”, cào bằng trong đánh giá cán bộ. Mặt khác, cần định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp; biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả.

Nghị quyết 847 cũng chỉ rõ: Tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên dù trên cương vị nào cũng phải mạnh dạn phát huy phẩm chất đổi mới, sáng tạo và “bốn dám”; phải có khát vọng vươn lên, thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết đoán, xuất phát từ cái chung, không vì danh vọng, tư lợi cá nhân.

Quân đội là môi trường đặc thù nên càng trong khó khăn, cán bộ, đảng viên càng cần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không được thụ động, trông chờ, ỷ lại mới có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” thiết nghĩ cũng không phải là việc gì “xa vời, cao siêu” mà mỗi cán bộ, đảng viên nên bám vào thực tiễn công tác của cơ quan, đơn vị để đề xuất cái mới, sáng kiến phục vụ nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị, ví như: Người cán bộ quân nhu thì sáng chế ra máy thái thịt cho bếp ăn đơn vị; người lính vận tải thì sáng chế ra thiết bị nâng hạ hộp số ô tô; người lính quân y thi sáng chế ra máy phun khử khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19...

Đối với cán bộ là chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong quân đội cũng cần đột phá vào các công trình, các lĩnh vực mũi nhọn, các chương trình, đề án góp phần tạo ra hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội. Tựu trung lại, mỗi sáng kiến, đề xuất dù lớn hay nhỏ đều thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và “bốn dám” vì lợi ích chung, đó là phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ ngày nay.

Ba2505

         

70 năm truyền thống thanh niên Quân đội: Vươn tới những đỉnh cao quyết thắng

 

70 năm truyền thống thanh niên Quân đội: Vươn tới những đỉnh cao quyết thắng

Thứ Hai, 07/02/2022 14:58 | 

Thời sự

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thanh niên là lực lượng đông đảo, có tiềm năng lớn, lực lượng dự bị hùng hậu của Đảng, bổ sung và kế tục đội ngũ cán bộ cho Quân đội.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành (8/2/1952 - 8/2/2022), dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trực tiếp là sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức đoàn trong Quân đội nhanh chóng lớn mạnh, trở thành hạt nhân chính trị của phong trào thanh niên, là nòng cốt tổ chức, tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, phát huy vai trò của thanh niên Quân đội trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quân đội đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang, có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân viết nên những trang sử hào hùng, xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

Liên kết phong trào thanh niên Quân đội với phong trào thanh niên toàn quốc

Những năm đầu của thập kỷ 50, thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn ác liệt, cùng với phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng nhân dân, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về tổ chức và hoạt động. Tuy nhiên, trong Quân đội, hệ thống tổ chức Đoàn chưa được thành lập, điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết cần đưa những người cộng sản trẻ tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức quần chúng tiên tiến, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Quyết nghị của Tổng Quân ủy về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng, thống nhất hệ thống tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên trong toàn quốc, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã thống nhất với Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam chỉ đạo việc nghiên cứu, thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc trong Quân đội.

Sau 5 tháng nghiên cứu, chuẩn bị về mọi mặt, ngày 8/2/1952, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên trong Quân đội được thành lập tại Đại đội 29, Tiểu đoàn 183, Trung đoàn 246 (Đoàn Tân Trào), là đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1). Chi đoàn có 32 đoàn viên, do đồng chí Phạm Ngọc Rao, Chi ủy viên, Trung đội trưởng Trung đội 1 làm Bí thư. Đến tháng 9/1952, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc được thành lập ở tất cả các đại đội và các ban chuyên môn của Trung đoàn 246, đánh dấu bước phát triển mới của công tác thanh niên trong Quân đội.

Ngay sau khi ra đời, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đầu tiên của Quân đội đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác tập hợp, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên; phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. 

Cùng với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, hệ thống tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên trong Quân đội được quan tâm, chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dư­ỡng phát triển từ cơ sở đến toàn quân. Khởi nguồn từ một chi đoàn, ngày nay, tổ chức đoàn được xây dựng trong toàn quân, trải khắp mọi miền, trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc trong Quân đội ra đời khẳng định nguyên tắc Đảng luôn nắm chắc, liên hệ mật thiết với lực lượng quần chúng, thấy rõ vai trò và sức mạnh của quần chúng để tổ chức tập hợp quần chúng; đồng thời đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thanh niên Quân đội là được sống, học tập và rèn luyện trong tổ chức của những ngư­ời cộng sản trẻ tuổi để thi đua phấn đấu, cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ cho cách mạng. 

Đặc biệt, sự kiện Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc trong Quân đội ra đời còn là một mốc son lịch sử quan trọng đối với sự ra đời, phát triển của công tác đoàn và phong trào thanh niên trong Quân đội. Kể từ đó, cùng với các tổ chức khác trong Quân đội, tổ chức đoàn, hệ thống cơ quan thanh niên và nay là hệ thống phòng, ban (trợ lý) công tác quần chúng (thanh niên) các cấp cho đến Ban Thanh niên Quân đội đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ những căn cứ lịch sử, thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Quân đội, ngày 20/6/2016, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Quyết định số 1034/QĐ-CT, công nhận ngày 8/2/1952 là ngày Truyền thống của Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội.

Ba2505

 

Phi chính trị hóa” quân đội – thủ đoạn cũ nhưng ngày càng tinh vi, sảo quyệt

 

“Phi chính trị hóa” quân đội – thủ đoạn cũ nhưng ngày càng tinh vi, sảo quyệt

“Phi chính trị hóa” quân đội là một chiêu bài, âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi, sảo quyệt, thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Vì thế, đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội trở thành tất yếu khách quan, một nội dung đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng quân đội về chính trị trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng cũng chỉ rõ một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an”.

Mục đích của âm mưu “Phi chính trị hóa” quân đội là tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại nền tảng tư tưởng của quân đội, xuyên tạc, phủ định mục tiêu, lý tưởng và bản chất, truyền thống của quân đội ta… từ đó làm mất bản chất giai cấp công nhân của quân đội, mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu, không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn này.
“Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nói chung, “phi chính trị hóa” quân đội nói riêng là một thủ đoạn không mới, nhưng cực kỳ nguy hiểm, bởi nội dung của âm mưu này hết sức đa dạng, với nhiều biểu hiện khác nhau. Thực chất của những toan tính phản động đó là phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam. Để thực hiện điều đó, lực lượng thù địch, phản động ra sức tuyên truyền phủ nhận quan điểm, nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; xuyên tạc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối quân sự của Đảng ta. Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng tăng cường xuyên tạc, phủ nhận chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng về công tác QP-AN, xây dựng LLVT nhân dân, xây dựng nền QPTD gắn với thế trận ANND…
Để âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch không từ bỏ bất cứ một phương thức, biện pháp nào, trong đó, chúng triệt để lợi dụng mạng internet để thực hiện mưu đồ đen tối, như: Sử dụng các website, các trang mạng xã hội, blogger… để lôi kéo, tuyên truyền kích động bạo lực, khủng bố, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; cổ xúy tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Hoạt động chống phá diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi vì đối tượng chúng hướng đến để tuyên truyền những thông tin, luận điệu xuyên tạc là các tầng lớp nhân dân, nhưng trọng tâm, trọng điểm là thế hệ trẻ, trong đó có quân đội.

Ba2505 

 

 Người chiến sĩ “Binh đoàn xanh” tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên (1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó)

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt, thực hiện chủ trương đó và căn cứ vào tình hình, đặc điểm của địa bàn đứng chân, Binh đoàn 15 luôn nêu cao tinh thần vượt khó, tích cực đổi mới, sáng tạo, tiên phong khai mở những vùng đất mới, bằng những biện pháp và việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, kiên trì gieo mầm xanh trên những vùng đất khó; tạo vành đai bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và chung sức xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc,... là những vấn đề nổi bật. Thông qua đó, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Binh đoàn xanh ngày càng tỏa sáng, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Điều đó được thể hiện sinh động ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Gieo mầm xanh trên những vùng đất khó

Tây Nguyên1 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Nguyên đã vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc, cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Tây Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc, trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cùng với những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây đã phải hứng chịu hàng vạn tấn bom, mìn cùng chất độc hóa học của địch rải xuống, nhất là những tồn dư chất độc xạ cùng khối lượng lớn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã biến nhiều vùng ở Tây Nguyên trở thành những vùng đất chết. Không những thế, sau ngày đất nước được giải phóng, khu vực Tây Nguyên còn là điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt, đây là nơi lực lượng phản động FULRO tập trung hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiều tội ác với nhân dân. Trước tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh và những tiềm năng phát triển kinh tế của Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước ta sớm có chủ trương xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để sớm hồi sinh, phát triển và giữ vững ổn định địa bàn chiến lược này.

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 20/02/1985, Binh đoàn xây dựng kinh tế Tây Nguyên, mang phiên hiệu Binh đoàn 15 được thành lập. Địa bàn đứng chân của Binh đoàn trải dài 251km trên tuyến biên giới thuộc hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum và khu vực Tây Nam tỉnh Quảng Bình. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, Binh đoàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dân cư xã hội chậm phát triển, nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn lạc hậu. Hình ảnh đói, nghèo do lối sống du canh, du cư, phương thức sản xuất “phát, đốt, chọc, tỉa” lạc hậu cùng những hủ tục tồn tại lâu đời trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn, buôn, phum, sóc không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế,… nằm ẩn mình trong những cánh rừng sâu làm cho cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn trăn trở: phải làm gì để giúp đồng bào nơi đây thoát cái đói, cái nghèo và làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao trên địa bàn chiến lược trọng yếu này.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”2, phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã đạp bằng mọi khó khăn, thách thức, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh trên những vùng đất khó, hồi sinh những vùng đất chết, từng bước xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Bước vào “cuộc chiến” trên mặt trận mới với những kiến thức, kinh nghiệm ít ỏi về quản lý kinh tế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là tích cực khai hoang, mở đất; mở rộng sản xuất, phát triển đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Trong núi rừng hoang vu, điều kiện nơi ở chỉ là những lán trại tạm bợ, ăn uống kham khổ, lại bị bệnh sốt rét hành hạ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn vẫn kiên trì bám trụ, quyết tâm khai hoang, mở đất, hồi sinh những vùng đất chết, tiên phong mở đường khởi nghiệp cho Tây Nguyên phát triển.

Kiên trì thực hiện nhất quán mục tiêu, quyết tâm ngay từ khi mới thành lập “Trồng cây chiến lược để tạo ra con người chiến lược trên địa bàn chiến lược”, với những giải pháp đồng bộ, các đội sản xuất đã thực hiện “đặt cây trước khi đặt nhà”; tranh thủ thời gian, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, Binh đoàn đã biến một vùng đất rộng lớn vốn là chiến trường ác liệt, đầy tàn tích của chiến tranh thành vùng đất cao su, cà phê bạt ngàn. Chỉ gần một năm sau ngày thành lập, Binh đoàn đã trồng, chăm sóc 416 ha cao su đúng quy trình kỹ thuật, phát triển tốt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong 10 năm tiếp theo, Binh đoàn đã khoanh nuôi bảo vệ 1.500 ha rừng, phát triển tổng diện tích cây công nghiệp và cây nông nghiệp đạt 7.394 ha; trong đó, cao su chiếm 6.814 ha, cà phê 480 ha, lúa nước 100 ha. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, tổng sản lượng mủ cao su của Binh đoàn đạt hơn 55.000 tấn, năng suất mủ quy khô đạt hơn 1,8 tấn/ha; lợi nhuận đạt gần 147 tỉ đồng/năm, thu nhập của người lao động bảo đảm bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn trải rộng, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, nơi từng là căn cứ kháng chiến; cư dân phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số, quen với lối sống du canh, du cư, phát rừng làm rẫy; tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, như mệnh lệnh trái tim, bằng tất cả mọi nguồn lực, Binh đoàn tích cực hỗ trợ chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Theo đó, với mục tiêu đặt lợi ích của người lao động và người dân trên địa bàn làm trung tâm, bảo đảm việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc là ưu tiên hàng đầu, Binh đoàn tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cống, các công trình phúc lợi, như: nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, trạm xá, bệnh viện,... để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động và nhân dân địa phương ổn định, yên tâm sản xuất.

Để “ươm mầm xanh chiến lược trên địa bàn chiến lược”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn trăn trở, tìm nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để nhân dân vùng dự án, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, phát triển bền vững ngay trên chính mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Các đơn vị của Binh đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ thói quen “du canh, du cư”; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong lao động, sản xuất, xóa dần đói, nghèo. Binh đoàn đã chú trọng tiến hành tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn. Trong quá trình triển khai các dự án, Binh đoàn luôn ưu tiên nhường đất thuận lợi gần suối nước theo công thức “suối - dân - bộ đội”3 cho bà con sản xuất; thực hiện tốt việc kết hợp giao đất, giao ruộng với khoán gọn, khoán sản phẩm, nhận thầu vườn cây để tăng thu nhập. Nhằm giúp bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát khỏi tình cảnh thiếu đói thời điểm giáp hạt, ngoài việc tặng quà, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị, công ty của Binh đoàn còn tạo điều kiện cho đồng bào mượn hàng nghìn héc-ta đất tái canh cây cao su, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống vốn, ngày công để trồng lúa và hoa màu ngắn ngày; qua đó góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị sản xuất ưu tiên tuyển chọn, bồi dưỡng, tạo công ăn, việc làm ổn định cho lao động dôi dư người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực của họ; mặt khác, triển khai thực hiện đồng bộ mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số để thuận tiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho bà con, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân. Trong quá trình thực hiện, cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn đã trực tiếp bồi dưỡng, “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào, không chỉ hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc cây cao su, cà phê, lúa nước,... mà còn tích cực tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng, niềm tin, khát vọng để bà con chiến thắng đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, nhận thức, “nếp nghĩ, cách làm” của bà con đã thay đổi căn bản, biết làm chủ cuộc sống của mình, trở thành lao động giỏi, điển hình, như: Rơ Mah Klum được tuyên dương Anh hùng lao động, Rơ Mah Mrao trở thành người giàu có từ cây cao su, cà phê.

Bám sát thực tiễn và sự phát triển của tình hình địa bàn và toàn xã hội, Binh đoàn đã chủ động đổi mới từ mô hình kế hoạch hóa sang tự chủ hạch toán đầu tư, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế. Bên cạnh hai sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, Binh đoàn từng bước mở thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, như: ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19 bùng phát, giá cả vật tư leo thang, giá sản phẩm giảm sâu,… nhưng Binh đoàn đã có những quyết sách thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, bảo đảm thu nhập đời sống, an sinh xã hội cho cán bộ, chiến sĩ và người lao động; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị địa phương, xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, hơn 16.000 lao động, trong đó có hơn 54% là người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống mới, không còn tình trạng di, dịch cư tự do, yên tâm lao động sản xuất tại nơi cư trú, gắn bó xây dựng đơn vị, buôn, làng.

Bằng sự quyết tâm, mồ hôi, xương máu và tình cảm trách nhiệm với vùng đất Tây Nguyên chiến lược, gần 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã phát huy tốt truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự là những người “gieo mầm xanh” trên vùng đất khó. Nhờ đó, từng bước biến những “vùng đất chết”, vùng rừng núi hoang vu, cằn cỗi, nơi ở chỉ là “chiếc lán dựng tạm”... thành những cánh rừng cà phê, cao su ngút ngàn tầm mắt; những buôn làng mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu mọc lên; những con đường mới được xây dựng như biểu tượng của sự kết nối tình cảm quân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng khác; nhiều trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang cùng ánh đèn điện được thắp sáng trong mỗi ngôi nhà, trên những con đường đã đưa ánh sáng văn hóa đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,... từng bước làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới trên đại ngàn Tây Nguyên không ngừng “thay da đổi thịt”.

Hiện nay, trong cơ chế mới với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Kết luận của Quân ủy Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty, các công ty con phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Nâng cao năng lực dự báo tình hình, xây dựng định hướng phát triển của Binh đoàn phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới của Đảng và Chính phủ. Tập trung rà soát kiện toàn, tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển dụng lao động, ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào các dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng đơn vị. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, điều hành, kế hoạch sản xuất kinh doanh, khả năng huy động, khai thác các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án khoán, phương án tiền lương, định mức lao động; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả; quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Coi trọng, thực hiện tốt công tác đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề, giao khoán gắn với năng lực khả năng của người lao động để giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đây là những giải pháp rất quan trọng để đưa “những mầm xanh” nơi đây tiếp tục phát triển, đơm hoa kết trái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho Tây nguyên phát triển nhanh, bền vững.

(Số sau: 2. Tạo vành đai bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc)

ĐÌNH PHIẾM - ĐỨC THỊNH

 Lực lượng vũ trang Quảng Ngãi xây dựng “Chi bộ bốn tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

“Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”1. Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng “chi bộ bốn tốt”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” bao gồm: đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, không gương mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh. Do đó, phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ. Khắc ghi chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của trên về công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai đồng bộ, thống nhất trong xây dựng “chi bộ bốn tốt” với những nội dung, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, xây dựng đội ngũ đảng viên tốt, chất lượng cao được Đảng ủy Quân sự Tỉnh xác định là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chi bộ. Vì vậy, cần thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”2, các cấp ủy, chi bộ  tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên cả về số lượng, chất lượng, lấy chất lượng làm chính. Trên cơ sở hướng dẫn của trên và thực tiễn nhiệm vụ chính trị được giao, các chi bộ xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng, chính trị, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chi bộ và từng đảng viên xây dựng cam kết, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm bằng những việc làm cụ thể; hằng tháng, quý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của đảng viên làm cơ sở cho kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Cùng với đó, tiến hành tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị; kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời quần chúng. Đồng thời, các cấp ủy, chi bộ tiến hành tốt công tác phát triển đảng viên; đến nay, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh đạt 24,22% và trong lực lượng dự bị động viên đạt 11%, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ.

Hai là, phát huy dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Từ thực tiễn cho thấy, trong quá trình hoạt động và phát triển, nội bộ chi bộ và đơn vị không tránh khỏi những nhận thức lệch lạc, phát sinh mâu thuẫn; những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để xây dựng chi bộ tốt phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”3. Theo đó, Đảng ủy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ phải quán triệt, nhận thức rõ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt chi bộ cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Đảng, tiến hành có tổ chức và trong tổ chức. Nội dung tự phê bình và phê bình là toàn diện, song coi trọng công tác lãnh đạo của chi bộ, nhất là trên lĩnh vực trọng yếu, nhiệm vụ chính trị trung tâm; đối với đảng viên, tập trung vào phẩm chất, đạo đức lối sống, phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để đạt hiệu quả, mỗi cấp ủy, chi bộ cần phải triệt để thực hành dân chủ, kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp cơ bản, như: xác định rõ chức năng, tình hình, nhiệm vụ của chi bộ; thực hiện các tiêu chuẩn chi bộ trong sạch, vững mạnh; nêu cao tính trung thực, khách quan, chân thành trong tự phê bình và phê bình; có tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm, tránh lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ. Đồng thời, phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng của các tổ chức quần chúng trong đơn vị, của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Ba là, giữ vững chế độ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ có vị trí quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức quan trọng này. Thực tiễn cho thấy, nơi nào, lúc nào mà sinh hoạt chi bộ bị buông lỏng, rời rạc hoặc không có nội dung chính trị, tư tưởng cụ thể, thiết thực thì nơi đó, lúc đó nguy cơ đi chệch đường lối, chính sách của Đảng, hạ thấp vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên và làm cho kỷ luật của Đảng bị lỏng lẻo, các biểu hiện tiêu cực nảy sinh và phát triển, sự gắn bó giữa Đảng và quần chúng bị suy yếu. Vì vậy, Đảng ủy Quân sự Tỉnh yêu cầu trước khi sinh hoạt, chi ủy họp chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo quy định của Điều lệ Đảng; kịp thời cụ thể hóa chủ trương của cấp trên phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của chi bộ, thông báo nội dung trước cho đảng viên nắm được. Trong sinh hoạt chi bộ cần đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của chi ủy, chi bộ theo phương châm “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Thực hiện nghiêm Quy định số 887-QĐ/TU, ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết của chi bộ; thực hiện tốt chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thông suốt, kịp thời.

Bốn là, phát huy vai trò của quần chúng trong xây dựng chi bộ. Đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng chi bộ. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường”4, Đảng ủy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ xây dựng cơ chế, quy định cụ thể để quần chúng chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng nói chung và chi bộ nói riêng. Thường xuyên chăm lo vận động và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với mọi hoạt động của chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, các chi bộ trong Đảng bộ Quân sự Tỉnh còn thực hiện tốt việc học tập và làm theo: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới”, vận dụng, liên hệ với việc xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa công sở của cơ quan, đơn vị và văn hóa giao tiếp ứng xử của cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang Tỉnh hiện nay; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và yêu cầu xây dựng con người mới”, vận dụng, liên hệ trong xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, v.v. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc cán bộ, đảng viên phải giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân nơi cư trú. Thông qua đó, để quần chúng nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và bổ sung nguồn lực ưu tú nhất trong quần chúng vào Đảng.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”5. Thực hiện lời dạy của Người, các cấp ủy, chi bộ xây dựng nghị quyết lãnh đạo, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm sát, đúng; mọi đảng viên đều được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. Quá trình thực hiện bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Thông qua kiểm tra, giám sát để quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú và khi công tác xa đơn vị; đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng.

Nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “chi bộ bốn tốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian qua, 100% cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi luôn nêu gương tốt về đạo đức, lối sống, tích cực đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân và sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, quy định của đơn vị và địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các chi bộ được củng cố, kiện toàn, xây dựng đạt trong sạch, vững mạnh, luôn là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Riêng năm 2023, có 94,4% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở được xếp loại hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; 97,65% đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả trong xây dựng “chi bộ bốn tốt” là yếu tố “then chốt” nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Đảng bộ Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá VÕ TẤN TÀI, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
___________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 161.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 92.

3 - Sđd, Tập 9, tr. 521.

4 - Sđd, Tập 7, tr. 242.

5 - X.Y.Z – Sửa đổi lối làm việc, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 78 - 79.

 Những chỉ dẫn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị 

Xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, xây dựng Quân đội nói riêng là một trong những nội dung đặc sắc trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, những chỉ dẫn sâu sắc của Người về xây dựng Quân đội trong tác phẩm “Thường thức chính trị” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng Quân đội ta hiện nay.

Tác phẩm Thường thức chính trị là một công trình tập hợp 50 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Đ.X, được đăng trong chuyên mục Thường thức chính trị của báo Cứu quốc (từ số 225, ngày 16/01/1953 đến số 2430, ngày 23/9/1953). Đến năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) tập hợp và xuất bản thành cuốn sách Thường thức chính trị. Tác phẩm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi, cần thiết về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối, chính sách của Đảng nhằm xây dựng lý tưởng và niềm tin để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm chiến đấu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong Tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, nhà nước dân chủ mới phải xây dựng nhiều mặt, tiến hành những công việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng và chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong những mặt, nhiệm vụ quan trọng đó, Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trở thành lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân. Người chỉ rõ: “Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng... Phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng”1. Đây là những chỉ dẫn hết sức ngắn gọn, song hàm chứa những vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Trước hết, Quân đội nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là nguyên tắc “bất di bất dịch”, bảo đảm cho Quân đội luôn mang bản chất cách mạng của Đảng, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có phương hướng chính trị đúng đắn và là sự quán triệt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào Quân đội. Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ và quyết định các chủ trương, đề ra các nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động xây dựng, chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, trực tiếp kiểm tra việc quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong Quân đội. Tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của Quân đội cách mạng và chỉ có như vậy, Quân đội mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Quan điểm nhất quán này không phải đến tác phẩm Thường thức chính trị mới xuất hiện, mà đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề cập từ rất sớm. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người khởi thảo (năm 1930) đã xác định sự cần thiết phải “Tổ chức ra quân đội công nông”2 và Người nhiều lần nhấn mạnh vai trò của Đảng trong tổ chức, lãnh đạo, giáo dục lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Hồ Chí Minh nêu rõ: việc thành lập đội là theo chỉ thị mới của Đoàn thể. Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân do “Đoàn thể” - tức Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”3. Vì vậy, cần phải “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”4 và “Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn quân”5.

Thực tiễn gần 80 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố quyết định quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, phát triển và trưởng thành của Quân đội ta. Đó là minh chứng sinh động, thể hiện giá trị bền vững từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tổ chức, lãnh đạo, giáo dục của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây cũng là căn cứ khoa học, thuyết phục để phản bác âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, hòng tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm cho Quân đội luôn là đội quân cách mạng, quyết chiến, quyết thắng. Đây là chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tác phẩm, nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, có lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng và ý chí quyết tâm chiến đấu cao. Bởi vì, hoạt động quân sự là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, với những điều kiện đặc thù, khắc nghiệt, đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ, ý chí và quyết tâm của con người, Người chỉ rõ: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”6. Vì thế, Người luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng con người, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng lực lượng quân sự phải thấu suốt quan điểm “người trước, súng sau”, nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”7. Đặc biệt, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Quân đội ta lại phải chiến đấu với những đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí tối tân, thì sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần càng trở nên quan trọng. Vì thế, Người khẳng định: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”8, do vậy, “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”9 và “Quân đội ta là quân đội nhân dân… Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”10.

Hiện nay, để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trước hết phải xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội. Xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn tuyệt đối trung thành, có trí tuệ và bản lĩnh vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần “7 dám”11, có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức mạnh quần chúng để hoàn thành mọi nhiêm vụ. Xây dựng, kiện toàn các tổ chức đúng nguyên tắc, quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tinh, gọn, hoạt động đúng chức năng, hiệu quả; xây dựng các mối quan hệ chính trị - xã hội của Quân đội thực sự dân chủ, đoàn kết và kỷ luật.  Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động chống phá đường lối chính trị của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch.

Ba là, Quân đội nhân dân phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật, thật sự tinh nhuệ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sức mạnh chiến đấu của Quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, con người và vũ khí, trang bị là vấn đề cốt lõi. Vì vậy, việc xây dựng Quân đội mạnh đòi hỏi phải chăm lo xây dựng toàn diện. Theo đó, cùng với xây dựng nhân tố hàng đầu là con người, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp, cần quan tâm đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật và đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự cần thiết của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong hoạt động quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí”12. Bởi đó là công cụ cơ bản, chủ yếu để biến sức mạnh tinh thần của bộ đội thành sức mạnh vật chất; quyết tâm chiến đấu của họ không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải quyết tâm trong hành động thực tế. Thông qua việc khéo léo sử dụng và phát huy sức mạnh của vũ khí, bộ đội sẽ hiện thực hóa mục đích, tư tưởng, ý chí, quyết tâm chiến đấu của mình vào thực tiễn. Qua đó, sức mạnh tinh thần của họ đã trở thành sức mạnh vật chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vũ khí, trang bị kỹ thuật vừa là công cụ tiến công, vừa là công cụ phòng thủ và cũng là công cụ nối dài các giác quan của bộ đội, làm cho trí tuệ và thể lực của họ được mở rộng, sử dụng hiệu quả hơn trong hoạt động quân sự. Là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của xã hội, hoạt động quân sự thử thách con người toàn diện cả về thể lực, tinh thần và trí tuệ. Sức chịu đựng của cơ thể và khả năng hoạt động của các giác quan con người là những yếu tố có phạm vi, giới hạn nhất định, có thể bị giảm sút, hạn chế bởi những điều kiện bất lợi, khắc nghiệt của chiến tranh, địa hình, thời tiết, v.v. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của vũ khí, trang bị kỹ thuật, bộ đội sẽ khắc phục được những hạn chế, giới hạn đó và có nhiều khả năng đặc biệt ngoài giới hạn bản thân. Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã kéo theo những cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật quân sự, làm cho chiến tranh ngày càng trở nên tàn khốc và ác liệt hơn, do vậy thử thách đối với con người cũng vì thế mà tăng lên gấp bội. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ”13, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội cần tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt để làm chủ vũ khí trang bị được giao.

Những chỉ dẫn sâu sắc về xây dựng quân đội trong tác phẩm Thường thức chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà tư tưởng quân sự thiên tài Hồ Chí Minh cần tiếp tục được quán triệt và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

TS. PHẠM VĂN MINH - TS. NGUYỄN HỒNG NGUYÊN
_______________________
        

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 265.

2 – Sđd, Tập 3, tr. 01.

3 - Sđd, Tập 14, tr. 435.

4 - Sđd, Tập 8, tr. 29.

5 - Sđd, Tập 11, tr. 366.

6 - Sđd, Tập 7, tr. 460.

7 - Sđd, tr. 217.

8 - Sđd, Tập 3, tr. 539.

9 - Sđd, Tập 7, tr. 398.

10 - Sđd, tr. 217.

11 - 7 dám: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

12 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919 - 1969), Nxb QĐND, H. 2011, tr. 103.

13 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 221.

 Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân”

Chống phá Đảng, Nhà nước ta nói chung, xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng nói riêng là mục tiêu không thay đổi của các thế lực thù địch. Đặc biệt gần đây, trên không gian mạng xuất hiện không ít luận điệu xuyên tạc cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng toàn dân”, từ đó phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần được nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”1. Đây là cách diễn đạt hoàn toàn đúng đắn, phù hợp về bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng vấn đề này, thường xuyên tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất của Đảng. Họ cho rằng, nếu “ôm đồm” như vậy, Đảng không còn là Đảng của giai cấp công nhân nữa, mà là “Đảng toàn dân”. Để minh chứng cho luận điệu này, chúng còn lấy số liệu thực tế về tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân không cao, trong khi số lượng đảng viên của Đảng xuất thân từ nông dân, trí thức cao hơn để phụ họa. Thâm hiểm hơn, lợi dụng việc Đảng ta chủ trương kết nạp những quần chúng ưu tú là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, để suy diễn, xuyên tạc cho rằng: bản chất giai cấp công nhân của Đảng sẽ bị phai nhạt, Đảng Cộng sản đang dần thành “Đảng toàn dân”. Đồng thời, hô hào “Đảng toàn dân” thì mới “chính danh” cầm quyền, “đại diện cho toàn dân tộc”(!).

Có thể khẳng định, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, phản động, không ngoài dụng ý xấu là nhằm phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, làm rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Lý luận Mác - Lênin đã chỉ rõ, bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản là tổng hòa các mặt, các yếu tố thuộc tính, mối liên hệ tất yếu bên trong quy định sự vận động, phát triển của đảng, được biểu hiện thông qua các tính chất, cách tổ chức và hoạt động của đảng. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân - giai cấp mà bản chất và lợi ích của nó gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bản chất giai cấp công nhân của đảng thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng; ở cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; ở phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; mối quan hệ gắn bó giữa đảng với nhân dân và giải quyết vấn đề dân tộc với đoàn kết quốc tế; do đó, về mặt nhận thức, không thể lẫn lộn đảng với toàn bộ giai cấp, với toàn thể nhân dân và dân tộc. Điều đó cũng được V.I.Lênin khẳng định “... không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”2. Trên thực tế, Đảng Cộng sản được tổ chức chặt chẽ, khác với các tổ chức khác của giai cấp công nhân, là tổ chức của những người cách mạng, lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp. Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại hội II của Đảng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam là đội tiền phong và bộ tham mưu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng về thực chất, nó vẫn là một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam”3.

Ở Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm đất nước và điều kiện của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nên Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều này làm cho bản chất giai cấp công nhân của Đảng thống nhất biện chứng với tính nhân dân và tính dân tộc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã tiếp tục “Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chúng ta không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc. Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc. Cũng từ đó nhân dân lao động và cả dân tộc đã thừa nhận Đảng ta là người lãnh đạo, người đại biểu chân chính cho quyền lợi cơ bản và thiết thân của mình”4. Đến nay, cách diễn đạt bản chất của Đảng đã được bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn như ở đầu bài viết đã nêu. Diễn đạt như vậy không hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng, cũng không trượt sang quan điểm “đảng toàn dân”, “đảng phi giai cấp”, mà diễn giải bản chất giai cấp công nhân của Đảng sâu sắc, biện chứng hơn; phản ánh sự thống nhất về lợi ích, mục tiêu, lý tưởng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, diễn đạt này không trái với học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, bởi: “... giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc”5. Khi đã có chính quyền, giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính là đại diện của dân tộc, là chủ nhân của đất nước, thì Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân đương nhiên là đội tiên phong của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, Ðảng Cộng sản Việt Nam vốn dĩ ra đời, phát triển ở nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu nên ban đầu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, số lượng còn ít so với các thành phần xã hội khác như giai cấp nông dân,... song luôn chứng tỏ tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức kỷ luật cao, đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ, đủ khả năng lãnh đạo cách mạng. Vì vậy, tuy số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ không cao trong Đảng, song có vai trò rất quan trọng. Đại hội IV của Đảng đã khẳng định: “Thành phần xã hội xuất thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy không phải là yếu tố duy nhất hoặc là yếu tố chủ yếu, nhưng rất quan trọng, vì nó góp phần bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của Đảng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu, đến sự trong sạch về tư tưởng và tổ chức của Đảng,...”6. Đây là sự vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng ở nước ta. Đồng thời, phù hợp với chỉ dẫn của V.I.Lênin về các tiêu chí đặc biệt quan trọng để xem xét, đánh giá một đảng có thực sự là đảng của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, một đảng Mác xít chân chính hay không: “Dĩ nhiên, đại bộ phận Công đảng là công nhân. Nhưng nó có thực sự là một chính đảng của công nhân hay không, điều đó không phải chỉ phụ thuộc vào chỗ đảng đó có bao gồm công nhân hay không, mà cũng còn phụ thuộc vào chỗ ai lãnh đạo nó, và ở tính chất của hành động và của sách lược chính trị của đảng đó ra sao nữa”7. Như vậy, số lượng đảng viên là công nhân tuy có vai trò quan trọng song không quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng mà được quyết định bởi: Ai là người lãnh đạo của Đảng; chất lượng của đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng ra sao; đường lối lãnh đạo và hành động của Đảng có đúng đắn hay không. Từ những phân tích trên cho thấy, luận điệu về cái gọi là “Đảng toàn dân” mà các thế lực thù địch rêu rao, gán ghép cho Đảng Cộng sản Việt Nam đều xuất phát từ những ý kiến chủ quan và không có cơ sở khoa học. Điều đó càng lộ rõ mưu đồ của họ nhằm phủ nhận bản chất giai cấp công nhân và hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm phai nhạt vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cũng như mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.

Thực tiễn đã cho thấy, cùng với lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng không hoài nghi, dao động, xa rời mục tiêu, lý tưởng, luôn kiên định lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng đã được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”8.

Và để thực hiện mục tiêu đó, Đảng ta thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Đồng thời, Đảng không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; giữ vững, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo quan điểm, lập trường, ý thức tổ chức của giai cấp công nhân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung, thực sự là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những sâu mọt, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo.

Mặt khác, Đảng, Nhà nước ta luôn củng cố quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộcchăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ lợi ích của toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chú trọng hoàn thiện thiết chế dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên đổi mới, hoàn thiện chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện mà Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”9. Xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước ta luôn kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thông qua đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên đã khẳng định, Ðảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân Việt Nam, mãi xứng đáng là đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc; lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tế đó là minh chứng rõ ràng nhất bác bỏ luận điểm xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng mà các thế lực phản động, thù địch vẫn rêu rao, xuyên tạc./.

Thượng tá, TS. PHAN VĂN LƯƠNG - Trung tá, TS. KHÚC VĂN HƯỞNG
______________

1 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 4.

2 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 289. 

3 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 159.

4 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 30.

5 - C.Mác và Ph.Ăngghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQGST, H. 1995, tr. 623 - 624.

6 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 780 - 781.

7 - V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 312 - 313.

8 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQGST, H. 2011, tr. 70.

9 - Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập INxb CTQGST, H. 2021, tr. 192.