Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Long An giãn cách xã hội lần 2

Quyết định giãn cách xã hội lần 2 được tỉnh đưa ra, sau khi ghi nhận 108 ca Covid-19, trong đó ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Long An đang phức tạp, ngày 1/7. Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND Long An cho biết, tỉnh này sẽ áp dụng giãn cách xã hội từ 0h ngày 2/7 đến khi có thông báo mới. Đây là lần thức hai Long An áp dụng biện pháp mạnh để chống dịch. Trước đó, TP Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức và Đức Hòa đã giãn cách xã theo Chỉ thị 15 trong 18 ngày, kết thúc hôm 20/6. Theo quyết định mới, thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường và 13 huyện dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình... người dân không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài công sở và trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người ở nơi công cộng. Ôtô khách, xe buýt dừng hoạt động, trừ xe hợp đồng và ôtô đưa, rước công nhân. Một số xã, phường trên các địa bàn như TP Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15. Theo đó, các địa phương này dừng tất cả hoạt động, sự kiện không thật sự cần thiết trên 20 người trong một phòng; ngừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 5 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được bán mang về. Văn phòng công chứng chỉ tiếp nhận, công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan trực tiếp đến việc cấp tín dụng... Người thường trú hoặc tạm trú tại Long An từng đến, về từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phải cách ly tập trung 21 ngày; với các khu vực khác cách ly tại nhà 14 ngày. Cả hai trường hợp này đều phải tự trả phí. Công nhân làm tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp... tại TP HCM được quản lý, giám sát lịch trình di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại. Công ty, doanh nghiệp, tài xế taxi, tài xế xe giao nhận hàng, người chở lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng muốn vào Long An phải test nhanh hoặc xuất trình giấy chứng nhận âm tính nCoV được cấp không quá 3 ngày tính đến thời điểm vào địa phương này. Đến nay, Bộ Y tế ghi nhận tại Long An 108 ca Covid-19 trong cộng đồng, ở Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức, TP Tân An và Tân Thạnh. Riêng ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Long An ba ngày qua đã ghi nhận 24 trường hợp dương tính. Long An là một trong những địa phương phía Nam dịch đang diễn biến phức tạp. Các địa phương như TP HCM (4.152 ca), Bình Dương (455 ca), Tiền Giang (105 ca), Phú Yên (103), Quảng Ngãi (73 ca)... cũng đang giãn cách xã hội. Ở tỉnh giáp Long An, Đồng Tháp giãn cách xã hội TP Sa Đéc 14 ngày, bắt đầu 18h ngày 1/7. Động thái được đưa ra khi địa phương này đã ghi nhận 28 ca trong tổng số 110 ca dương tính trên địa bàn tỉnh (Bộ Y tế đã công bố 40 ca). Khoảng 200.000 người dân tại 6 phường và 3 xã ở TP Sa Đéc được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; không tụ tập quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m tại nơi công cộng... Covid-19 bùng phát mạnh ở Sa Đéc với trường hợp đầu tiên là ca 14437, nữ, 56 tuổi, dương tính hôm 24/6 khi đang điều trị tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Đến nay, ổ dịch này đã phát hiện 67 ca. Dịch đã lan ra 9 trong tổng số 12 địa phương. UBND Đồng Tháp đánh giá diễn biến dịch bệnh tại tỉnh có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và nguy cơ lan nhanh. Tỉnh An Giang đã giãn cách xã hội thị trấn Long Bình theo Chỉ thị 15. Riêng khu vực xuất ca nhiễm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, với khoảng 700 hộ dân. Hiện tỉnh đã phát hiện 16 ca dương tính, trong đó 8 ca liên quan đến ổ dịch tại thị trấn Long Bình và 3 ca nhập cảnh trái phép đã hết thời gian cách ly tập trung 21 ngày, sau đó về nhà thì có kết quả xét nghiệm dương tính. Trung tâm Y tế huyện An Phú đã dừng nhận bệnh nhân và cho xét nghiệm toàn bộ nhân viên. Huyện cũng khuyến cáo người dân ở huyện An Phú, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu hạn chế qua lại. Trước đó ngày 29/6, người phụ nữ 52 tuổi, ở thị trấn Long Bình, đến Trung tâm Y tế huyện An Phú trị bệnh, kết quả xét nghiệm dương tính nCoV. Con gái và hai cháu của người này cũng dương tính. Qua điều tra dịch tễ, con gái người phụ nữ này là công nhân tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, về quê ngày 14/6, có khai báo y tế và cách ly tại nhà 14 ngày.

Ca Covid-19 tăng trở lại ở châu Âu

WHO cho biết ca Covid-19 đang tăng trở lại ở châu Âu sau hai tháng giảm và cảnh báo làn sóng mới, "trừ khi chúng ta duy trì quy tắc". "Ca mắc Covid-19 tuần trước tăng 10% do gia tăng tiếp xúc, đi lại, tụ tập và nới lỏng các hạn chế xã hội", giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay. "Sẽ có làn sóng dịch bệnh mới ở Khu vực châu Âu của WHO, trừ khi chúng ta duy trì quy tắc phòng dịch". Khu vực châu Âu của WHO bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á. Kluge cho biết tình hình dịch bệnh ở châu Âu bị đảo ngược trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm liên quan biến chủng Delta. Theo Kluge, biến chủng này "vượt Alpha rất nhanh", đề cập biến chủng lần đầu được phát hiện ở Anh. Một báo cáo của cơ quan kiểm soát dịch bệnh EU ước tính biến chủng Delta dễ lây lan hơn có thể chiếm 90% ca nhiễm mới ở EU vào cuối tháng 8. Kluge cho rằng đến tháng 8, Delta có thể trở thành chủng vi khuẩn áp đảo ở Khu vực châu Âu của WHO. Theo quan chức này, việc triển khai vaccine chưa thực sự hiệu quả để mang lại bảo vệ cần thiết. Vaccine đã được chứng minh là có khả năng chống lại biến chủng Delta, nhưng cần phải đủ hai liều để đạt mức độ bảo vệ cao. Tỷ lệ tiêm chủng trung bình ở Khu vực châu Âu của WHO là 24%. Khoảng 50% người cao tuổi và 40% nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm. "Đây là điều không thể chấp nhận được và còn xa vời so với mức tiêm chủng cho 80% dân số theo khuyến nghị", ông nói.

Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9

Do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã kỷ luật về Đảng, nên Thiếu tướng Trần Văn Tài bị cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9. Ngày 1/7, Thủ tướng ký quyết định kỷ luật nêu trên. Một tuần trước, Ban Bí thư đã cách tất cả chức vụ trong Đảng của 2 nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, với Thiếu tướng Trần Văn Tài. Ban Bí thư kết luận trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Thiếu tướng Trần Văn Tài đã có nhiều vi phạm. Ông Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định. Thiếu tướng Tài cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Bí thư nhận định, vi phạm của thiếu tướng Trần Văn Tài là "rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần kỷ luật nghiêm minh". Quá trình kiểm điểm, tướng Tài được cho là "đã nhận thức rõ những khuyết điểm, tích cực khắc phục và chỉ đạo khắc phục hậu quả, tự giác nhận hình thức kỷ luật". Trong diễn biến liên quan, tại kỳ họp từ 11 đến 14/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cách tất cả chức vụ trong Đảng với đại tá Lâm Văn Tâm - Trưởng phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân khu 9 (nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Đại tá Lê Hoàng Giữ - Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 (nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu) và đại tá Đỗ Minh Đẩu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bạc Liêu, bị cảnh cáo. Những cá nhân bị kỷ luật được xác định "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; vi phạm quản lý, sử dụng tài chính và đầu tư, mua sắm trang thiết bị, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước"...

Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vaccine Covid-19

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp nhận nguồn vaccine để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cam kết được đưa ra trong cuộc điện đàm hôm nay giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan để trao đổi về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn và đánh giá cao vai trò của Mỹ trong thúc đẩy hỗ trợ vaccine cho các nước, đồng thời mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam được sớm tiếp nhận nguồn vaccine Mỹ đã cam kết dành cho Việt Nam. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm nay. Ảnh: TTXVN. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm nay. Ảnh: TTXVN. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để thúc đẩy và bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển hài hòa và bền vững. Ông Sullivan khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Ông cũng cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước sớm tiếp nhận nguồn vaccine để đẩy lùi đại dịch Covid-19, khẳng định Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như hợp tác Tiểu vùng Mekong, ứng phó biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Nhà Trắng tháng trước cho biết trong 55 triệu liều vaccine Covid-19 tiếp theo được chia sẻ cho thế giới, 41 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước thông qua cơ chế phân phối COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 14 triệu liều được chuyển đến các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe, 16 triệu liều cho châu Á và khoảng 10 triệu liều đến châu Phi. Tại châu Á, những quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ chia sẻ vaccine Covid-19 gồm Việt Nam, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và các đảo Thái Bình Dương. Đối với 14 triệu liều vaccine Covid-19 còn lại, Mỹ sẽ trực tiếp gửi tới những quốc gia và khu vực có nhu cầu, trong đó cũng có Việt Nam, Philippines và các nước như Ai Cập, Jordan, Iraq.

Thí sinh TP HCM phải xét nghiệm mới được thi đợt 1

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, thành phố đã cân nhắc rất kỹ các biện pháp an toàn và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi tổ chức kỳ thi THPT đợt 1. "Kỳ thi THPT năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đã rà soát, đánh giá tình hình, phân tích nhu cầu của phụ huynh và thí sinh trước khi đưa ra quyết định", ông Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo chiều 1/7. Phó chủ tịch thành phố cho biết, sáng nay, sau khi họp về phương án thi tốt nghiệp như tham mưu của Sở Giáo dục và Sở Y tế, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc, đặt vấn đề an toàn tuyệt đối, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh; cân nhắc diễn biến Covid-19... cuối cùng thống nhất thực hiện phương án thi đợt 1. Do đó, các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng; thí sinh không thuộc nhóm F0, F1, F2 và có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ thi đợt 1 ngày 7-8/7. Kỳ thi đợt 2 (chưa xác định thời gian) dành cho những thí sinh bị ảnh hưởng hưởng bởi dịch bệnh. Trong ngày 3/7, Sở Giáo dục và Sở Y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại 155 địa điểm cho toàn bộ 120.000 người là thí sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia công tác thi. Đây là yêu cầu bắt buộc, những em nào không tham gia đợt lấy mẫu này, có thể thi vào đợt 2. Nếu trước khi thi, thí sinh trở thành F0-F2 hoặc ở khu phong toả, các em cũng chuyển qua thi đợt 2. Đơn vị tổ chức sẽ chia thành các khung giờ để thầy cô và học sinh đảm bảo giãn cách. "TP HCM sẽ chuẩn bị tốt nhất để kỳ thi diễn ra tốt đẹp, an toàn", ông Đức cam kết. Đối với 4.700 thí sinh các trường THPT tư thục, đang ở tỉnh thành khác, có quyền lựa chọn thi đợt 1 hoặc đợt 2. Nếu thi đợt 1, các em tự xét nghiệm Covid-19 tại địa phương (kết quả sau ngày 3/7) để nộp về điểm thi. Khi các em lên TP HCM sẽ được bố trí ở trường hoặc ký túc xá. Kế hoạch cụ thể sẽ được Sở Giáo dục đưa ra trong vài ngày tới. Liên quan đến các thí sinh không thể thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tính đến chiều nay có 200 em thuộc diện F0-F1, 991 em trong khu phong toả. Về kết quả khảo sát quan điểm của phụ huynh đối với phương án tổ chức thi tốt nghiệp, có khoảng 80.000 người (chiếm 90% số thí sinh) cho ý kiến. Trong đó, hơn 29% yên tâm và đồng ý cho con thi đợt 1; hơn 33% không yên tâm nhưng vẫn đồng ý, còn lại hơn 36% không yên tâm và không đồng ý cho con thi đợt 1. Đây là một trong nhiều căn cứ để thành phố đưa ra quyết định thi THPT cả hai đợt. Với vai trò đại diện cơ quan tham mưu về tổ chức thi đảm bảo an toàn cho thí sinh, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng "cam kết sẽ làm các biện pháp tốt nhất" và mong nhận được sự hợp tác của phụ huynh. "Có rất nhiều phụ huynh chưa yên tâm cho con thi đợt 1, song các biện pháp ngành y tế đưa ra có thể ngăn chặn các nguy cơ, khả năng lây nhiễm ở mức thấp nhất", ông Hưng nói. Ngày mai, thí sinh sẽ được trường thông báo lịch đi xét nghiệm. Sau khi có kết quả (sau ngày 3/7) thí sinh phải ở nhà, hạn chế ra ngoài tiếp xúc để đảm bảo an toàn đến ngày thi. "Nhưng nếu chẳng may có sự tiếp xúc thì trong khoảng thời gian này cũng không đủ để nhiễm bệnh, theo dịch tễ", đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết. Là một trong các lực lượng chủ chốt đảm bảo kỳ thi, Công an TP HCM được giao tham gia các khâu, giữ an ninh, an toàn tại các điểm thi. Còn Sở Giao thông Vận tải có nhiệm vụ giữ giao thông thông suốt, không bị ùn ứ tại cổng điểm thi, nhất là đầu giờ và cuối giờ. Năm nay, TP HCM có hơn 89.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Để chuẩn bị cho kỳ thi, thành phố huy động hơn 15.800 người. Trong đó, 400 nguời là thanh tra thi; cán bộ chấm thi là hơn 1.700; cán bộ chấm phúc khảo 1.000 người. Trưởng các điểm thi triển khai phương án thi an toàn gồm: phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn học sinh giãn cách ra vào điểm thi... Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng. Phòng thi không quá 24 thí sinh, không sử dụng máy lạnh. Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh theo phòng thi; thí sinh ra về ngay sau khi thi, không tụ tập.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm ứng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 6 hoặc 7. Tại họp báo Chính phủ chiều tối 1/7, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cuối năm. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế 6% với điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không buộc phải giãn cách xã hội, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% với điều kiện dịch phải được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh thành phố lớn không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%. Các kịch bản này được cơ quan ngành kế hoạch đưa ra trên cơ sở GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp đợt dịch thứ 4 lần này, ông Phương nói, muốn đạt mức tăng như kịch bản 2 là "nhiệm vụ hết sức khó khăn". Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế... Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tăng 28,4% so với cùng kỳ, đạt hơn 157,6 tỷ USD. Nhìn nhận kinh tế xã hội 6 tháng qua có nhiều điểm sáng, nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, vẫn còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực. Xu hướng dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường đe doạ làm đứt gãy các dòng đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nước nhiều lĩnh vực khó khăn như vận tải, du lịch... Bối cảnh này, ông Sơn cho biết, Chính phủ tập trung, dành mọi nguồn lực cho phòng, chống Covid-19, chỉ thực hiện giãn cách, phong toả khi thực sự cần thiết, và đẩy nhanh việc mua vaccine, sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Cùng đó, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

12 chính sách hỗ trợ lao động khó khăn từ gói 26.000 tỷ đồng

Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 với tổng số tiền 26.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Tại cuộc họp báo chiều 1/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội nói đợt bùng phát thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) diễn biến phức tạp, đã tác động mạnh mẽ đến người lao động, đặc biệt công nhân trong khu công nghiệp, chế xuất. Vì vậy, nghị quyết của Chính phủ tập trung vào hai nhóm là người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi và dễ dàng tiếp cận; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. "Thủ tục hành chính giảm 2/3 so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay. Gói 26.000 tỷ đồng được chia làm 12 chính sách hỗ trợ, bao gồm việc giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mức đóng bằng 0% từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, áp dụng cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, doanh thu giảm... Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng mỗi người lao động một tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp từ 1/7 đến hết ngày 30/6/2022. Những người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới một tháng, tính từ 1/5 đến 31/12, được hỗ trợ mức 1,85 triệu đồng; từ một tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng. Lao động ngừng việc và thuộc diện phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên (từ1/5 đến 31/12) được hỗ trợ một triệu đồng. Với người trong diện chấm dứt hợp đồng lao động do cơ sở phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch (từ 1/5 đến 31/12) được hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em. Theo đó, lao động thuộc các nhóm hỗ trợ nêu trên, nếu đang mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi cũng được hỗ trợ thêm một triệu đồng. Trẻ em nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn; đồng thời được hỗ trợ thêm một triệu đồng trong thời gian điều trị, cách ly (từ ngày 27/4 đến 31/12). Gói 26.000 tỷ đồng cũng hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng mỗi ngày đối với F0, thời gian hỗ trợ tối đa 45 ngày; F1 được hỗ trợ tiền ăn tương tự, song thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày. Chính phủ quyết định hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng mỗi người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ (giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV) trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch; hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề. Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên (từ 1/5 đến 31/12) để phòng, chống dịch được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Chính sách tiếp theo của gói hỗ trợ lần này là cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc đối với lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên (thời gian từ 1/5 đến 31/3/2022). Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch từ 1/5 đến 31/3/2022, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú..., cũng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho lao động. Cuối cùng, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, Chính phủ nêu rõ các tỉnh, thành sẽ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng mỗi người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày. "Mức hỗ trợ tối thiểu gọi là mức sàn, địa phương căn cứ vào đó triển khai tùy tình hình thực tế. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy lao động tự do là nhóm khó xác định thông tin nhất, nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều nhất qua các đợt dịch", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói trong cuộc làm việc với cơ quan của Quốc hội mới đây. Trước đó, tháng 4/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 (gói an sinh 62.000 tỷ đồng) hỗ trợ lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Sau hơn một năm triển khai, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước, số tiền giải ngân thực tế trên 13.100 tỷ đồng.

Thủ tướng: Ngoại giao vaccine được thực hiện quyết liệt

Thủ tướng khẳng định chiến lược vaccine của Việt Nam "rất trúng, đúng, kịp thời, phù hợp với tình hình" và đang từng bước thực hiện hiệu quả. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Việt Nam đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép. Nhiều ổ dịch lớn được ngăn chặn, đầy lùi như tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Cuộc sống trở lại bình thường; phần lớn nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hai tỉnh này và Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công. Trên toàn quốc, số liệu thống kê cho thấy kinh tế, xã hội đạt kết quả tốt, dù tình hình 6 tháng đầu năm có nhiều biến động đặc thù hơn so với năm 2020. Các đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, 4 với biến thể nguy hiểm hơn. Thời gian qua, hoạt động ngoại giao vaccine và phòng chống Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao tích cực đề cập vấn đề này tại tất cả cuộc tiếp xúc, điện đàm với các nước. Chính phủ sẽ kiên trì mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc mà căn cứ thực tế mỗi nơi, ở từng thời điểm. Thủ tướng yêu cầu đơn vị thực hiện thành công chiến lược vaccine; phải tiếp cận, mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất; tổ chức điều phối phù hợp với tình hình. Việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước cần được thúc đẩy; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, kịp thời. Để không "đứt gãy" thị trường lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có giải pháp khôi phục việc làm ngay tại những nơi có dịch theo phương châm "vừa sản xuất, vừa chống dịch" như kinh nghiệm tại Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua. Trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định; CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất trong nhiều năm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, ước tính 57,7% dự toán năm, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 28,4%, nhập khẩu tăng 36,1%, chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Chuyển đổi số được quan tâm và thúc đẩy trong thời gian dịch bệnh. Một số cơ sở dữ liệu lớn đã hoàn thành, như hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoạt động từ 1/7. Thương mại điện tử phát triển mạnh, nhất là hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó vải thiều ở Bắc Giang là điển hình. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức như dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường tại một số địa phương, nhất là TP HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... Nguyên nhân của tình trạng nêu trên được chỉ ra do hai đợt dịch bùng phát với biến chủng virus mới khó kiểm soát, độc lực mạnh hơn. Có nơi còn chủ quan, mất cảnh giác. Nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và khu vực FDI.   Thủ tướng thống nhất với hai kịch bản tăng trưởng cả năm là 6% hoặc 6,5%. Các đơn vị cần có chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, hạn chế tình trạng phải "giải cứu". Thủ tướng dẫn chứng, việc Bắc Giang tiêu thụ hơn 200.000 tấn vải thiều trong dịch bệnh cho thấy "cái khó ló cái khôn". Các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực giải quyết nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần "làm việc nào dứt điểm việc đó". Cụ thể, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; dự án chống ngập tại TP HCM "đừng để dây dưa, kéo dài". Kỳ thi THPT quốc gia cần được tổ chức nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và người nhà.

Cựu chiến binh say mê sưu tầm ảnh Bác Hồ

 

Cựu chiến binh say mê sưu tầm ảnh Bác Hồ

QĐND - Ở khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) có một thư viện ảnh đặc biệt lưu giữ những bức ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh do CCB Tạ Quang Lộc sưu tầm, trưng bày.

CCB Tạ Quang Lộc sinh năm 1942, quê ở xã Diễn Cát (Diễn Châu, Nghệ An). Năm 1968, Tạ Quang Lộc viết đơn tình nguyện nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại các chiến trường: B3, B4, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đường 9-Nam Lào. Trong trận đánh trên Đường 9-Nam Lào (năm 1972), Tạ Quang Lộc bị thương nặng nên được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, với tỷ lệ thương tật 81%. Năm 1974, thương binh Tạ Quang Lộc về quê lập gia đình, làm ruộng tại địa phương. Năm 1982, gia đình ông chuyển về sinh sống tại phường Hưng Dũng, TP Vinh. Từ năm 1990, CCB Tạ Quang Lộc bắt đầu hành trình sưu tầm những bức ảnh, sách, tư liệu quý về Bác Hồ, với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cựu chiến binh say mê sưu tầm ảnh Bác Hồ
Cựu chiến binh Tạ Quang Lộc (bên trái) giới thiệu với khách tham quan những tư liệu quý về Bác Hồ . 

CCB Tạ Quang Lộc chia sẻ: “Là Bộ đội Cụ Hồ, tôi thấu hiểu công lao to lớn của Bác đối với dân tộc ta. Nhằm giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại, nhân cách và đạo đức cao cả của Bác, tôi quyết tâm sưu tầm thật nhiều bức ảnh, sách tư liệu về Bác”.

Sau gần 30 năm thực hiện tâm nguyện ấy, CCB Tạ Quang Lộc sưu tầm được gần 1.000 bức ảnh, 800 đầu sách tư liệu về Bác. Sau khi có ảnh Bác, ông lại tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, rồi phân chia ảnh theo các thời kỳ, chặng đường hoạt động cách mạng của Bác để mọi người dễ hiểu, dễ xem. Từ năm 2014 đến nay, ông còn sưu tầm gần 200 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiểu được tâm huyết của ông, lãnh đạo khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng đã cho ông mượn căn phòng thư viện của khối làm nơi trưng bày tư liệu về Bác, tạo điều kiện để nhân dân đến tham quan, nghiên cứu.

Hằng ngày, khi có người đến thư viện, CCB Tạ Quang Lộc sẵn sàng đón tiếp, phục vụ, giới thiệu tận tình, chu đáo. Anh Nguyễn Như Trung, Bí thư Đoàn phường Hưng Dũng cho biết: “Các bạn đoàn viên, thanh niên tới thăm thư viện ảnh Bác Hồ do CCB Tạ Quang Lộc sưu tầm đều rất xúc động. Từ các tư liệu này, tuổi trẻ địa phương được nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó ra sức học tập, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.

Không chỉ say mê sưu tầm ảnh Bác Hồ, CCB Tạ Quang Lộc còn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương. Hơn 10 năm làm Khối trưởng khối Tân Hợp, ông luôn là người đi đầu trong các phong trào, tích cực động viên người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực

 

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực

QĐND - Tối 1-7, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan để trao đổi về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực
 Quang cảnh buổi điện đàm.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Hoa Kỳ trong thúc đẩy hỗ trợ vaccine cho các nước trên thế giới thông qua chương trình COVAX cũng như hợp tác song phương; đồng thời mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam được sớm tiếp nhận nguồn vaccine Hoa Kỳ đã cam kết dành cho Việt Nam. Phó thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để thúc đẩy và bảo đảm quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai nước phát triển hài hòa và bền vững. 

Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam; đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới. Ông Jake Sullivan khẳng định, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước sớm tiếp nhận nguồn vaccine để đẩy lùi dịch Covid-19; hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để xử lý các thách thức chung. Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982

Lá thư gửi mẹ

 

Lá thư gửi mẹ

QĐND - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang lưu giữ lá thư viết tay của nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần, 24 tuổi, tiểu đội trưởng của “những cô gái mở đường” nơi Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Lá thư ấy được chị viết cách đây hơn nửa thế kỷ.

Bức thư được Võ Thị Tần viết ngày 19-7-1968. Đây cũng là bức thư cuối cùng chị Tần gửi cho mẹ, bởi 5 ngày sau, chị và 9 đồng đội đã anh dũng hy sinh giữa "túi bom" Đồng Lộc. Những nét chữ được viết trên tờ giấy không có dòng kẻ nhưng khá ngay ngắn, thẳng hàng”.

“Đồng Lộc, ngày 19-7-1968

Mẹ kính yêu của con!

Ngày mai chị Thủy về nhận thực phẩm sẽ ghé về nhà ta, con viết mấy dòng chữ gửi về hỏi thăm mẹ. Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc. Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời sẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại bon bánh trên đường ra tiền tuyến...”.

Lá thư gửi mẹ
Di ảnh chị Võ Thị Tần và kỷ vật lá thư chị gửi mẹ. 

Ngã ba Đồng Lộc có địa thế vô cùng hiểm trở, độc đạo, một bên là vách đồi, một bên là đồng nước. Vì thế, không thể mở đường tránh nào khác nên các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua đoạn đường “yết hầu” này. Thấy rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, máy bay Mỹ tập trung oanh tạc, phá hoại con đường suốt ngày đêm. Ban ngày chúng đánh chặn lối ra vào Ngã ba Đồng Lộc, ban đêm chúng dùng máy bay C-130 quần thảo, thả pháo sáng, dùng súng trọng liên bốn nòng bắn như vãi đạn, kết hợp với thả bom bi, bắn rốc-két... nhằm tiêu diệt lực lượng ứng cứu đường của quân ta. Vượt lên mưa bom bão đạn, Đại đội thanh niên xung phong 552 của Hà Tĩnh, trong đó có Tiểu đội 4 của chị Võ Thị Tần, đã bất chấp hiểm nguy, kiên cường bám trụ con đường suốt 196 ngày đêm, góp phần giữ vững mạch máu giao thông vận tải chiến lược Bắc-Nam.

Trong cuộc chiến đấu sinh tử ở Ngã ba Đồng Lộc những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có những con số làm phấn chấn lòng người như: Hàng chục máy bay Mỹ bị bắn hạ, hàng vạn tấn hàng hóa được vận chuyển thành công, an toàn qua các trọng điểm, tiến thẳng về miền Nam ruột thịt... Nhưng cũng có những con số khiến trái tim mỗi chúng ta đau nhói, xót xa như hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ, nhựa sống căng tràn, bị bom thù sát hại. Rồi biết bao chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất kiên cường, bất khuất này. Mồ hôi, nước mắt, xương máu của các anh, các chị đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Cuba

 

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Cuba

QĐND - Tối 1-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz để trao đổi về phương hướng, biện pháp tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, hợp tác toàn diện và tin cậy giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VIII (từ ngày 16 đến 19-4-2021) và chúc mừng đồng chí Manuel Marrero Cruz được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới; đánh giá cao những nỗ lực của hai bên trong việc tăng cường tham vấn trao đổi, triển khai các cơ chế hợp tác song phương bằng những hình thức linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19. Thủ tướng chân thành cảm ơn Chính phủ Cuba đã cử chuyên gia y tế sang giúp Việt Nam ứng phó với Covid-19 và tặng Việt Nam thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, qua đó thể hiện truyền thống quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng và chúc mừng Cuba về kết quả tích cực trong việc nghiên cứu, phát triển các ứng viên vaccine ngừa Covid-19.

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Cuba
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz. 

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz khẳng định, Chính phủ và nhân dân Cuba luôn trân trọng tình cảm đoàn kết, sự ủng hộ quý báu và sự chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của quá trình đổi mới mà Việt Nam dành cho Cuba trong những năm qua, góp phần hỗ trợ Cuba vượt qua các thách thức, khó khăn, triển khai thành công chính sách cập nhật hóa mô hình kinh tế-xã hội. Thủ tướng Manuel Marrero Cruz khẳng định, Cuba mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, bao gồm việc hợp tác cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19.        

Hai Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 tại mỗi nước và khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất vaccine; nhất trí quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của hai nước khẩn trương trao đổi thông tin chuyên môn cũng như phối hợp các bước đi cần thiết để đạt thỏa thuận cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Cuba cho Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng quan hệ gắn bó anh em giữa hai nước Việt Nam và Cuba sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở hai khu vực.

Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, bất chấp khoảng cách địa lý, Việt Nam luôn bên cạnh, ủng hộ Cuba trong mọi hoàn cảnh. Thủ tướng cũng bày tỏ lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu chấm dứt chính sách bao vây cấm vận chống Cuba

Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19

 

Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19

QĐND - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1048/QĐ-TTg tặng bằng khen 6 tập thể và 6 cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Bộ Quốc phòng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tiêm vaccine phòng Covid-19

Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch Covid-19
 Phun khử khuẩn phòng, chống Covid-19 tại Bình Dương. 

Theo đó, 6 tập thể được tặng bằng khen gồm: Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp; Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (BĐBP tỉnh Kiên Giang) và Ban CHQS huyện Thạch Thất (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội).

6 cá nhân được tặng bằng khen gồm: Thiếu tướng Đỗ Thái Sơn, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh BĐBP; Đại tá Đinh Đức Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cao Bằng; Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang; Đại tá Lê Văn Luận, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đồng Tháp; Thượng tá Võ Tiến Nghị, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh.

Những “chiến binh” trong tâm dịch ở Bắc Giang

 

Những “chiến binh” trong tâm dịch ở Bắc Giang

 - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh Bắc Giang là tâm dịch lớn. Đã gần hai tháng qua với tinh thần, trí tuệ và sự cố gắng không biết mệt mỏi, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng các y, bác sĩ, nhân viên y tế càng thể hiện rõ ràng hơn tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Gác lại việc riêng, họ tình nguyện lên tuyến đầu, chấp nhận gian khó, thậm chí có thể hy sinh để mau chóng dập dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an bảo vệ vòng ngoài tại bệnh viện dã chiến hay khu cách ly; nhân viên y tế thay nhau chia ca lấy mẫu, phân tích bệnh phẩm, xét nghiệm cũng như bộ phận phục vụ chuẩn bị lương thực, thực phẩm bảo đảm hàng nghìn suất cơm mỗi ngày cho bệnh nhân, công dân trong khu cách ly đều để lại những ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc một số hình ảnh bộ đội phòng, chống dịch, giúp đỡ nhân dân tại tỉnh Bắc Giang.

NGUYỄN TUẤN HUY 

Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang đã trở thành Bệnh viện dã chiến số 2 với 620 giường bệnh.
Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang đã trở thành Bệnh viện dã chiến số 2 với 620 giường bệnh.
Xe đặc chủng của Tiểu đoàn Phòng hóa 23 (Bộ Tham mưu, Quân khu 1) phun khử khuẩn tại thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) khi một ổ dịch mới bùng phát tại đây.
Xe đặc chủng của Tiểu đoàn Phòng hóa 23 (Bộ Tham mưu, Quân khu 1) phun khử khuẩn tại thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) khi một ổ dịch mới bùng phát tại đây.
Trong trang phục bảo hộ, chiến sĩ phòng hóa thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Trong trang phục bảo hộ, chiến sĩ phòng hóa thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đo thân nhiệt, bước đầu sàng lọc người đến khám tại các trung tâm y tế.
Đo thân nhiệt, bước đầu sàng lọc người đến khám tại các trung tâm y tế.
Nhân viên y tế tiến hành các thủ tục đăng ký xét nghiệm nhanh và phân loại mức độ, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế tiến hành các thủ tục đăng ký xét nghiệm nhanh và phân loại mức độ, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các bác sĩ của đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh tăng cường giúp Bắc Giang chống dịch lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho công dân diện F1 đang cách ly tập trung.
Các bác sĩ của đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Ninh tăng cường giúp Bắc Giang chống dịch lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho công dân diện F1 đang cách ly tập trung.
Ánh mắt xa xăm như ước mơ những ngày hè sôi động của bé Hoàng Thị Diễm Kiều, sinh năm 2015 ở thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Em cùng người thân trong Khu cách ly Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Ánh mắt xa xăm như ước mơ những ngày hè sôi động của bé Hoàng Thị Diễm Kiều, sinh năm 2015 ở thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Em cùng người thân trong Khu cách ly Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
“Anh nuôi”, là 1 trong 300 chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tăng cường cho tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ trong các bệnh viện dã chiến và khu cách ly.
“Anh nuôi”, là 1 trong 300 chiến sĩ Sư đoàn 3 (Quân khu 1) tăng cường cho tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ trong các bệnh viện dã chiến và khu cách ly.
Cán bộ, chiến sĩ Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 giúp nhân dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) thu hoạch vải thiều.
Cán bộ, chiến sĩ Trường bắn Quốc gia Khu vực 1 giúp nhân dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) thu hoạch vải thiều.
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2, Bộ Quốc phòng trao giấy ra viện cho bệnh nhân. Kể từ khi thành lập (19-5-2021), bệnh viện đã thu dung điều trị 470 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, đến nay đã có 356 bệnh nhân khỏi bệnh được cho ra viện trở về địa phương.
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2, Bộ Quốc phòng trao giấy ra viện cho bệnh nhân. Kể từ khi thành lập (19-5-2021), bệnh viện đã thu dung điều trị 470 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, đến nay đã có 356 bệnh nhân khỏi bệnh được cho ra viện trở về địa phương.