Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

"GIẶC NỘI XÂM" - THAM NHŨNG


Khi đề cập về nguy cơ thách thức đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, trong các văn kiện của Đảng đều nhấn mạnh vấn đề tham nhũng, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Coi đó là những vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ chính trị. Riêng tham nhũng được coi là "giặc nội xâm" cần phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi...
Tham nhũng là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Theo Ph.Ăngghen, chừng nào còn nhà nước thì còn có quan liêu, tham nhũng. "Nhà nước là vật ký sinh trên cơ thể xã hội". Ngay cả các quốc gia có bộ máy nhà nước được coi là "trong sạch" cũng vẫn xảy ra tham nhũng. Bàn về tham nhũng và đấu tranh bài trừ tham nhũng đã có rất nhiều công trình, báo chí, tham luận... Sau đây là ý kiến bước đầu về vấn đề này.
1. Về nhận diện nguyên nhân tham nhũng: Theo Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, nhận diện nguyên nhân của tham nhũng là sự tích hợp của "thừa độc quyền, thừa bưng bít thông tin, thiếu minh bạch giải trình". Thực chất tham nhũng là lợi dụng quyền lực công được giao để mưu đồ lợi ích riêng. Ở nước ra hiện nay, sự mưu đồ lợi ích riêng, lợi ích cá nhân được núp dưới hình thức "lợi ích nhóm". Hình thức đó đã giúp hành vi tham nhũng dễ dàng hơn, lại khó phát hiện. Nhưng hậu quả mà nó gây ra là vô cùng lớn, không chỉ biến khối tài sản công khổng lồ trị giá hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ Việt Nam đồng thành của tư, mà nó còn làm băng hoại đạo đức xã hội, tạo phân hoá giàu - nghèo, gây ra xung đột lợi ích dẫn đến bất ổn xã hội. Hơn nữa nó còn trực tiếp làm tha hoá quyền lực chính trị, làm biến chất cán bộ, tạo nên "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Vì thế mà tham nhũng được coi là "giặc nội xâm", nếu không được ngăn chặn thì nó sẽ làm sụp đổ chế độ. Việc nhận diện chính xác nguyên nhân tham nhũng sẽ giúp cho việc tập trung giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đó là đi từ căn nguyên để xảy ra hành vi tham nhũng.
2. Bức tranh tham nhũng ở nước ta hiện nay: Có thể khái quát là diễn ra phổ biến trên mọi lĩnh vực, từ thượng tầng kiến trúc đến cơ sở của hệ thống bộ máy quyền lực. Trong đó nổi lên là tham nhũng đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư công. Bên cạnh đó là tham nhũng về chính trị dưới hình thức chạy cấp, chạy chức, chạy quyền, thực chất là "mua bán ghế ngồi" trong bộ máy quyền lực nhà nước.
3. Về kết quả và triển vọng đấu tranh phòng chống tham nhũng: Từ 2016 đến nay, nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui, xử lý, song điều đáng buồn là thu hồi tài sản tham nhũng lại quá ít ỏi. Tình trạng đó được lý giải là bị phát tán có chủ định theo kiểu nếu bị phát hiện thì đành "hy sinh đời bố, củng cố đời con" và sự tiêu xài ăn chơi trác táng của kẻ tham nhũng... Mặt khác, số vụ tham nhũng bị phát hiện và xử lý chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" mà thôi.
Chúng ta - những người tâm huyết với tiền đồ của cách mạng, của Tổ quốc và nhân dân đều quan tâm lo lắng, đồng tình với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến cam go với vấn nạn quốc gia này. Đại đa số nhân dân tích cực ủng hộ quyết tâm chính trị cao của Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ4, khoá XII, là "phải làm đến cùng, không loại trừ một ai, cho dù là người giữ chức vụ cao trong bộ máy của Đảmg, Nhà nước". Chúng ta mong muốn Chủ trương của Bộ Chính trị, của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về việc kiểm tra, giám sát tài sản của 1000 cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị được làm minh bạch. Trên cơ sở đó mở rộng ra mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Có như vậy thì cuộc chiến chống tham nhũng mới đem lại hiệu quả thiết thực./.
                                                                                                            NGUYÊN HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét