"Nếu đánh giá, bố trí cán bộ không đúng, để lọt lưới kẻ cơ hội vào cương vị cấp cao sẽ rất có hại cho sự phát triển của Đảng, lợi ích và quyền lợi của dân", GS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực nói.
- Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, Đảng phải được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết từ trung ương đến các chi bộ, phải giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Lời dạy ấy được thực hiện như thế nào trong giai đoạn hiện nay thưa ông?
- Năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc Hồ Chủ tịch, nếu tính từ ngày đặt bút đầu tiên đã là 49 năm, Đảng khởi xướng lãnh đạo công cuộc đổi mới gần 30 năm. Những chặng đường lịch sử ấy đều liên quan đến một vấn đề rất then chốt là Đảng và xây dựng Đảng. Học tập làm theo di chúc của Bác về vấn đề xây dựng Đảng phải đặc biệt chú ý đến điều Bác nhấn mạnh ngay từ đầu là "Trong Đảng, từ trung ương tới chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết và thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Bác cũng nhấn mạnh, đoàn kết không chỉ là truyền thống quý báu của Đảng mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nhờ đoàn kết mà có sức mạnh, chia rẽ thì sẽ thất bại, suy yếu.
Điều Bác bận tâm và lo lắng là khi Đảng cầm quyền thì có giữ được đoàn kết không, cơ quan lãnh đạo có phạm phải sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách hay không? Tất cả điều này không chỉ liên quan đến Đảng mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và cả dân tộc.
Nghị quyết trung ương 4 khoá 11 đã nói rõ những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, trong đó có vấn đề suy thoái kinh tế, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý các cấp, kể cả cấp cao. Trong sự suy thoái này, đương nhiên không thể không có sự mất đoàn kết.
- Một bộ phận đảng viên suy thoái ảnh hưởng như thế nào đến lòng tin của nhân dân với Đảng?
- Một bộ phận không nhỏ đương nhiên là lớn. Hồi Cách mạng tháng Tám, Đảng chỉ có chưa đầy 5.000 đảng viên. Nay Đảng cầm quyền đã 69 năm, đảng viên tăng lên gần 5 triệu, gấp 900 lần so với trước, lại hoạt động trong điều kiện có nhiều thuận lợi. Trình độ học vấn nâng cao, thông tin, xã hội phát triển, đảng viên được giao phó trách nhiệm, quyền hạn, gắn với lợi ích.
Mất lòng tin của nhân dân là một thực tế, mà là thực tế nghiêm trọng. Không phải chỉ nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng mà nghị quyết trung ương 4 còn nêu rõ đang có sự suy giảm niềm tin của đảng viên với Đảng. Đây là vấn đề có tính chất tình huống, phải giải quyết mạnh mẽ để tạo sự chuyển biến thời sự.
Gần đây chúng ta nói không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn phục hồi niềm tin. Đấy mới là nhân tố quan trọng bởi nhân dân có tin thì mới hành động tích cực, xây dựng Đảng, xây dựng chế độ, dẫn đến tăng trưởng về vật chất.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Đảng viên hiện nay ở nấc thang nào trong hành trình đi đến mực thước?
- Trong di chúc Bác nói: Không phải cứ dán lên trán hai chữ cộng sản mà dân kính trọng yêu mến. Dân chỉ thực sự kính trọng những đảng viên cộng sản nào toàn tâm toàn ý vì dân, hy sinh cho cuộc sống dân tộc, phục vụ nhân dân. Bác cũng nói về Đảng như một cơ thể sống, có quá trình đấu tranh cách mạng vẻ vang. Bác nói Đảng ta là một Đảng vĩ đại, nhưng không phải lúc nào cũng vĩ đại nếu không còn trong sáng nữa.
Tuy nhiên, bộ phận nhỏ làm ảnh hưởng, tổn thương đến Đảng cũng có. Đó là những người có quyền trong tay thì tha hóa về quyền lực, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, không làm tròn trọng trách bổn phận với dân. Số này không ít. Các vụ đại án vừa qua đều dính đến người có chức có quyền, tham nhũng bị xử lý, trong đó có rất nhiều đảng viên. Một số người năng lực yếu kém, đạo đức không tu dưỡng nhưng đang đảm đương nhiều cương vị, dân đều nhìn thấy cả. Chính những bộ phận này làm yếu Đảng.Chính vì vậy, Bác mới đặt ra yêu cầu rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên từ cán bộ đảng viên đến từng tổ chức Đảng. Hiện nay, trong Đảng không phải thiếu tấm gương sáng, có nhiều cán bộ đảng viên toàn tâm toàn ý với dân, tận tuỵ hy sinh. Chúng ta có những chiến sĩ đấu tranh giữ độc lập chủ quyền ngoài biển Đông, có những cán bộ chiến sĩ yêu nước, doanh nhân chân chính, thành đạt và một lực lượng trẻ đảng viên thanh niên nhiệt huyết. Đó là điển hình để dân tin tưởng.
Đảng nếu là một cơ thể sống phải tiếp thu tinh hoa vào và thải loại những gì không xứng đáng ra để cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Phải học Bác dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng chứ không phải chỉ dựa vào một mình đảng viên. Nhân dân học Bác một cách thành tâm như vậy, không có lý gì cán bộ đảng viên lại không làm theo Bác.
- Phê và tự phê có tác dụng thế nào trong việc loại bỏ những người không còn xứng đáng trong Đảng, thưa ông?
- Phê và tự phê là giải pháp thường xuyên, cơ bản và lâu dài. Đây là cách tốt nhất để phát triển Đảng, nhưng phải trên nguyên tắc và xuất phát từ mục đích, động cơ chung chứ không phải lợi dụng để làm mất đoàn kết, suy yếu nội bộ Đảng.
Nhưng phê và tự phê chưa đủ, mới chỉ làm thức tỉnh về mặt nhận thức, củng cố về mặt trách nhiệm, cần phải áp dụng các biện pháp về mặt tổ chức. Đảng là một tổ chức, có điều lệ Đảng, còn nhà nước có luật pháp. Đảng viên cũng là một công dân nên vừa phải thực hiện điều lệ đảng vừa phải thực hiện luật pháp nhà nước, phải xử lý kỷ luật nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Thực tế, đây là chỗ yếu của chúng ta. Bệnh nể nang, dĩ hòa vi quý tồn tại rất lâu và thành thói quen khó sửa. Bây giờ phải đề cao trách nhiệm với dân để chấn chỉnh Đảng, đề cao trách nhiệm với Đảng.
Sắp tới là đại hội Đảng các cấp, công tác nhân sự đang trở thành vấn đề thời sự vì phải lựa chọn người có đức có tài, chọn cho xứng đáng. Không có cách nào tốt hơn phải thông qua nhìn nhận đánh giá của dân. Dân sẽ cho ý kiến, kiến nghị thậm chí kiểm tra giám sát để đảm bảo người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo phải có đức có tài thì nhân dân mới được nhờ. Nếu đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng, để lọt lưới những kẻ cơ hội vào cương vị như vậy thì sẽ rất có hại cho sự phát triển của Đảng, lợi ích và quyền lợi của dân.
- Một số người không xứng đáng vẫn nằm trong hệ thống của Đảng, tạo nên những bức xúc trong dân như nạn chạy chức, chạy quyền, con ông, cháu cha. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Đó là một thực tế. Hiện tượng tiêu cực như vậy ở những người lãnh đạo không phải là số nhỏ, báo chí đã đưa, người dân đã phê phán. Khi dư luận lên tiếng, thông qua công tác kiểm tra, thẩm định, mà xác định được phê phán đó là đúng thì Đảng phải nghiêm khắc xử lý. Bác đã nói "đảng viên đi trước làng nước theo sau" và "cùng mắc lỗi như nhau, đảng viên phải xử nặng hơn gấp nhiều lần so với quần chúng ngoài Đảng để làm gương".
Đảng làm chưa thật nghiêm chỉnh, đúng mức, chặt chẽ, nên bị suy giảm lòng tin của dân. Nếu muốn lấy lại được lòng tin của dân thì phải thực hiện nghiêm túc lời Bác, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai.
- Những đề xuất của ông cho việc xây dựng Đảng vững mạnh theo di chúc của Bác là gì?
- Hiện nay Đảng phải làm thế nào ngăn chặn được tình trạng suy thoái, làm nhân dân tin tưởng, hăng hái, phấn khởi như thời kỳ đổi mới cách đây 30 năm. Sau đại hội 6 năm 1986, cả một bầu không khí sôi sục đi vào đổi mới. Trong Đảng, phải chú trọng giáo dục cán bộ đảng viên không xa dân, nâng cao trách nhiệm trước cuộc sống của dân, phải có dũng khí đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân mà Bác gọi là giặc nội xâm.
Phải thường xuyên nâng cao phê bình và tự phê bình. Đây là quy luật phát triển của Đảng. Nhưng phê bình và tự phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Chúng ta do xem nhẹ hoặc thực hiện chưa tốt phê và tự phê nên tham nhũng, chạy chức, chạy quyền vẫn còn tồn tại.
Mỗi đảng viên phải học được Bác ở việc nêu cao tinh thần trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm thì sẽ không bao giờ có ý nghĩ thường trực là phục vụ nhân dân, làm lợi cho nhân dân. Ngoài ra, cần giữ được kỷ luật, kỷ cương theo nguyên tắc tập trung dân chủ bởi nếu phá vỡ sẽ ảnh hưởng ngay đến vấn đề đoàn kết.
Trong thực hành đoàn kết, không chỉ là vấn đề nâng cao tri thức trong Đảng mà đoàn kết còn có nền tảng quan trọng là đạo đức. Nếu không có đạo đức thì đoàn kết chỉ tạm bợ. Nên giáo dục đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, luôn thực hành triết lý sống vì dân chứ không vì mình.
Nghị quyết trung ương 9 khóa 11 đã đề cập vấn đề văn hóa, trong đó có văn hóa trong Đảng. Đó là xây dựng và phát triển nền văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Nghị quyết này đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề con người, vì con người là cốt lõi của văn hóa. Nhờ giá trị con người tài năng đức độ mới tạo ra sức mạnh nội sinh của văn hóa làm cho dân tộc mạnh lên, nhân dân có được năng lực làm chủ đích thực.
Đảng viên cần làm theo Bác, thực hành đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính để thực sự là hình mẫu nhằm thúc đẩy xây dựng văn hóa xã hội, cũng là tấm gương xây dựng con người mới, từ đó nhân dân noi theo.
ST
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét