Cái cách con người hành xử với nhau trong cuộc biểu tình “ôn hòa” phản đối Luật Đặc khu ngày 10/6/2018 làm bản thân tôi cảm thấy rất giận và rất đau. Một dân tộc yêu nước, đoàn kết nhưng dễ bị kích động, dễ bị lợi dụng bởi những kẻ mưu đồ bất chính. Rồi ai sẽ là kẻ hưởng lợi và ai là người chịu thiệt hại cuối cùng?
Tôi luôn ủng hộ người dân theo dõi, quan tâm và bày tỏ quan điểm dân chủ của mình trước những quyết sách về chính trị – xã hội của đất nước. Bởi những chính sách đó liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích của mỗi người. Cách đây vài tháng, tôi cảm giác phấn khích, tự hào khi dân chúng đổ ra khắp mọi nẻo đường hò reo, ăn mừng trước chiến thắng của U23 bao nhiêu thì sự kiện đen ngày 10/6/2018, tôi càng thất vọng và đau buồn bấy nhiêu với những gì diễn ra tại địa bàn TP.HCM, Hà Nội và Bình Thuận.
La hét, chửi bới, đập phá xe công vụ, tấn công lực lượng chức năng, quăng bom xăng, đốt trụ sở công quyền. Đó là “ôn hòa” theo như cách gọi của những kẻ tự xưng là “người đại diện cho quyền lợi của nhân dân” đây sao? Chưa kể đến, xen lẫn những dải băng rôn, bảng biểu ngữ phản đối Luật Đặc khu là những lá cờ Mỹ, biểu ngữ đả đảo chế độ Đảng Cộng sản. Tinh thần yêu nước văn minh chân chính của dân tộc ta là đây sao?
Tôi không biết những kẻ đó dựa vào đâu, lấy gì kiểm soát và đảm bảo “ôn hòa”? Trong khi đó, tôi đã thấy có người đổ máu, đa chấn thương và những thiệt hại vật chất trước mắt. Nguy hiểm hơn, dân tộc của tôi vô tình trở thành con rối, diễn rất thành công vở kịch bài bản đã được người bên ngoài đạo diễn, dàn dựng và viết thoại sẵn.
“Công an không dám bắn vào người đâu, đừng sợ, xông lên đi!”, “Zô! Zô!Zô!”, “Lên đi anh em ơi”. Và thế là người người cứ đổ ào lên phía trước ném đá, ném gạch, phi chai vào cảnh sát cơ động, vung gậy đập phá, quăng bom xăng đốt xe công và trụ sở. Nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ công an (cũng là người chú, người anh) vai kề vai, chân kề chân cố giữ lá chắn yếu ớt và hứng chịu tất cả sự kích động, tấn công không khác nào khủng bố từ chính đồng bào mình mà ứa nước mắt. Đau đớn hơn, họ chính là người đang ngày đêm thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội.
Bên cạnh những người dân không làm chủ được cảm xúc và lý trí của bản thân thì vẫn còn nhiều người dân Việt tỉnh táo hơn, nhìn nhận bản chất của vấn đề và không ủng hộ trận bạo động vừa qua. Facebook Mai Phạm viết rằng: “Biểu tình kèm bạo động và kích động thì bị trấn áp. Chị không ủng hộ đặc khu, nhưng cũng không ủng hộ biểu tình bạo động kiểu này; Bạn Đậu Ngọc Vinh ghi: “Dân không tỉnh sẽ mắc mưu bọn phản động thôi, khổ cho người thiếu suy nghĩ mới phải mang hoạ vào thân”; Bạn Uy Nhu Y Nguyen bình luận: “Chưa đánh được ai, mình đánh mình quá cuồng ngông, gây đến tổn thất cho chính đất nước của mình? Các bạn hãy nhìn ra thế giới, họ biểu tình như thế nào?”. Không chỉ thu hút dư luận trong nước, trên facebook cá nhân, tiến sĩ Jonathan London viết rằng: “Không có nước nào mà biểu tình được xem là phương án tốt nhất để giải quyết những vấn đề lớn và quan trọng trong xã hội”.
Chưa kể đến, người kêu gọi biểu tình nâng quan điểm yêu nước, bảo vệ dân tộc nhưng lại “treo thưởng” vài trăm nghìn cho những ai tham gia. Tôi ngồi trong một tiệm làm tóc, người thợ hỏi: “Em có đi biểu tình không? Được tiền đó!”. Dân ta đi biểu tình vì muốn bày tỏ nguyện vọng của mình hay vì tiền, vì thích tụ tập, ham vui? Đáng trách là, nó không phải biểu tình mà thực chất là bạo động, bạo lực. Trong khi, các phần tử phản động, thậm chí những kẻ “diều hâu” Trung Quốc đang ngồi rung đùi, hả hê “ngư ông đắc lợi” thì người gánh chịu hậu quả cũng chỉ có nhân dân và đất nước ta.
Nhân dân được gì chứ? Không có gì cả, thậm chí còn mất rất nhiều. Người bị thương, người phải bỏ buôn bán, kinh doanh chạy theo biểu tình. Kẹt xe, trễ chuyến bay, lỡ việc, mất hàng trăm hợp đồng quan trọng, kinh tế bị ảnh hưởng. Thiệt hại về vật chất nặng nề không kém. Thay vì ngân sách bỏ ra để nâng cao năng suất lao động hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân thì nay phải đi trùng tu lại cơ quan, phòng làm việc, sửa chữa phương tiện hư hỏng.
Còn đất nước được gì? Có lẽ, nước ta sẽ mất đi một số lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Qua hình ảnh người dân biểu tình bạo động, hung hãn, máu me thì chẳng ai muốn đầu tư vào một đất nước có nền chính trị bất ổn như thế cả. Syria, Lybia và các nước Bắc Phi là ví dụ điển hình. Các đối tác tiềm năng như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Canada, Nga có dòng vốn FDI vào Việt Nam đã khiêm tốn (chưa đến 20%), nay lại càng ít hơn. Cuối cùng, ai sẽ được lợi? Chẳng phải là Trung Quốc sao? Không có cạnh tranh đầu tư, Trung Quốc càng dễ dàng sở hữu nhiều nhà máy, công ty, công trình tại Việt Nam. Xuất nhập khẩu càng phụ thuộc vào anh bạn láng giềng tham lam này nhiều hơn. Chưa kể đến, việc dân ta biểu tình với những khẩu hiệu bài trừ Trung Quốc như hiện nay sẽ cho đối phương cái cớ để đáp trả mình bằng những đòn kinh tế. Thế giới cũng sẽ có cái nhìn không tốt về dân tộc Việt Nam.
Bài học biểu tình về chính sách đất đai của nông dân huyện Văn Giang (Hưng Yên); Phản đối Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, hạ đặt trái phép giàn khoan HY 981 trên vùng biển của Việt Nam vẫn còn đó. Tôi chỉ mong dân tộc mình tỉnh táo, văn minh và khôn ngoan hơn. Đừng tự gây mâu thuẫn nội bộ trúng ý đồ của họ, đừng tự đánh mình trước khi đánh giặc ngoài. Thương lắm! Đau lắm!
Bạn đọc Quốc Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét