Những ngày qua, nhiều người lên tiếng phản đối luật An Ninh Mạng, cho rằng nó tước đi quyền được tự do bày tỏ ý kiến cá nhân. Là một người không ngại bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội một cách rất thẳng thắn trên Facebook, thoạt đầu, tôi đã cau mày một chút khi bộ luật này thông qua. Tôi tin vào một thế giới mà những ý kiến, quan điểm đa chiều có cơ hội được bày tỏ, được tranh luận văn minh. Tuy nhiên, trước sự phẫn nộ của đám đông giận dữ, tôi muốn đặt ngược lại một câu hỏi cho các bạn suy ngẫm: Các bạn, những “cư dân mạng” ưu tú của Việt Nam, có thật sự XỨNG ĐÁNG được phát ngôn tự do trên mạng hay không?
Về phương diện cá nhân, tôi yêu sự tự do, vì tôi biết khi tôi phát ngôn điều gì, dù là đồng cảm hay đi ngược lại hẳn với cả xã hội, tôi đều có lý lẽ, dẫn chứng để bảo vệ luận điểm của mình, và tôi đều thể hiện quan điểm một cách văn minh, lịch sự. Tôi xin nói ra một sự thật khó nghe: không phải ai cũng như thế. Không phải người Việt Nam nào trên mạng xã hội cũng phát ngôn một cách có văn hoá. Không phải người Việt Nam nào trên mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm với đầy đủ lý lẽ và dẫn chứng. Không phải người Việt Nam nào trên mạng xã hội cũng chỉ trích một điều gì đó với mục đích chính là để góp ý xây dựng thay vì chỉ chửi cho sướng mồm. Sự tự do không dành cho tất cả mọi người, mà nó chỉ dành cho những ai không lạm dụng quyền tự do của mình mà thôi. Vì vậy, dù tôi thích sự tự do trên phương diện cá nhân, trên phương diện xã hội, đặc biệt đối với mức dân trí của xã hội Việt Nam, tôi ủng hộ một sự “tự do trong khuôn khổ,” chứ không ủng hộ sự tự do không giới hạn. Nếu các bạn không phải là những người dùng mạng THÔNG MINH và VĂN MINH, các bạn KHÔNG xứng đáng có quyền muốn phát ngôn gì thì có thể tự do phát ngôn thế.
1. CÁC BẠN KHÔNG VĂN MINH.
1. CÁC BẠN KHÔNG VĂN MINH.
Các bạn không xứng đáng được phát ngôn tự do trên mạng vì rất đông các bạn chỉ chầu trực để chỉ trích, khích bác, hạ nhục người khác. Phản đối và tranh luận với quan điểm của một ai đó là một chuyện, nhưng buông lời xúc phạm cá nhân ấy là vượt quá ranh giới mà sự tự do cho phép. Thử dạo một vòng quanh Facebook của chính mình mà xem, các bạn có thấy những lời chửi rủa, hạ nhục người khác đến từ bàn phím của cư dân mạng Việt Nam đầy rẫy khắp nơi và lan truyền như một thứ bệnh dịch? Hồi PGS Bùi Hiền công bố đề án cải cách tiếng Việt, một dự án tâm huyết ra đời với mục tiêu không hề xấu, cư dân mạng Việt Nam lao vào xâu xé nhà nghiên cứu già như một bầy thú dữ lâu ngày đói ăn. Người ta miệt thị ông là “thằng thần kinh,” là “kẻ ngu học,” là thứ “rảnh rỗi, vô bổ,” trong khi PGS Bùi Hiền bằng tuổi bác, tuổi ông của mình. Tôi không nghĩ tiếng Việt cần cải tiến theo cách của PGS Bùi Hiền, nhưng tôi không chửi bác một lời, vì tôi hiểu mục tiêu của bác là làm giản đơn ngôn ngữ, khiến việc giao tiếp dễ dàng hơn, tôi ngưỡng mộ tâm huyết của bác dành cho một dự án đến từ tấm lòng đẹp, tôi cảm phục một công trình nghiên cứu đồ sộ mang tính trọn đời của một vị Phó Giáo sư. Cư dân mạng Việt Nam, bao nhiêu người trong các bạn nhìn thấy được điều này? Phần đông các bạn sau khi liếc qua một bảng chữ cái không quen thuộc, liền đàm tiếu, trù dập, khích bác, hạ nhục PGS Bùi Hiền, dùng những ngôn từ xấu xí nhất để “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt,” chua chát thay! Cái gì mới lạ cũng dễ gây hoang mang, nhưng muốn tiến bộ thì không thể cứ thấy cái gì khác biệt là trù dập được. Để cư dân mạng Việt Nam tự do phát ngôn không kiếm soát, thì những học giả như PGS Bùi Hiền còn dám nghiên cứu cái gì nữa không? Nếu vậy xã hội sẽ tiến bộ hay thụt lùi, mà các bạn ở đấy lấy cái danh “tiến bộ” để đòi tự do? Cư xử vô văn hoá như thế thì các bạn không có tư cách gì để phản đối sự thắt chặt an ninh mạng cả.
Khi đội tuyển U23 Việt Nam thua cuộc tại chung kết AFC Cup 2018, rất nhiều người Việt Nam vào Facebook của cầu thủ ghi bàn thắng cuối cùng trong đội tuyển Uzbekistan để lại những lời chửi rủa, miệt thị như “thằng khuyết tật,” “thằng súc vật,” “thứ nứng l**,” “thằng óc chó,” “con mẹ mày,” “fuck you bitch.” Nếu bạn này chơi bẩn để chiến thắng thì đã đành, song người ta thắng cuộc một cách công bằng, minh bạch, thì việc cư dân mạng Việt Nam mò vào Facebook cá nhân của người ta miệt thị thậm tệ là làm xấu mặt đất nước, là tự chửi vào mặt mình rằng mình không biết tinh thần thể thao là gì. Khi Phạm Hương trượt top 15 và đại diện Philippines Pia Wurtzbach đăng quang Hoa Hậu Hoàn Vũ 2015, trang fanpage của chương trình tràn ngập những comment tiếng Việt: “Con Philippines xấu quá mà đi làm hoa hậu,” “Cô mua vương miện bao nhiêu tiền?” Hiện tượng mạng Linh Ka, gạt sang một bên chuyện em này có tài năng hay không, thì cũng không xứng đáng phải nhận những lời chỉ trích bằng thứ tiếng Việt “trong sáng” mà biết bao nhiêu người lớn hơn con bé để lại trên mạng xã hội: “con đĩ,” “con ung thư,” “con nứng l**.” Rapper Suboi mấy hôm trước đăng một tấm ảnh của mình lên Facebook và thổ lộ cơ thể chị luôn gầy gò vì bị yếu tuyến giáp, thì bên dưới đã xuất hiện một loạt comment “Suboi của ban nhạc Bức Tường phải không?,” “vếu đâu,” “lép toàn diện.” Một người phụ nữ dũng cảm chia sẻ về cơ thể “không hoàn hảo” của mình trong một xã hội mà phụ nữ chỉ được người ta nhìn qua đôi mông và bộ ngực, để rồi nhận lại những lời đàm tiếu xấu xí nhất từ chính cái xã hội đầy định kiến, không coi phụ nữ ra gì ấy. Ngay cả tôi, sau bài viết “Thói cuồng hoa hậu của người Việt Nam” năm 2015 cũng bị người ta gọi là “con chó đẻ,” “thằng cặn bã,” bị người này kẻ kia report những bức ảnh mặc đầy đủ quần áo là ảnh khoả thân, tất cả chỉ vì một quan điểm trái chiều. Và chắc chắn ở dưới bài viết này, như thường lệ, sẽ có những comment bảo tôi được trả tiền để viết bài này bênh vực luật, bảo tôi mù quáng, v…v… cứ như họ đi guốc trong bụng tôi vậy. Không, tất cả quan điểm của tôi là suy nghĩ của tôi, không ai mua chuộc tôi hết, và chúng hoàn toàn là những góc nhìn mang tính văn hoá – xã hội thay vì “tuyên truyền.” Trong những trường hợp trên, không phải chỉ một, mà rất, rất nhiều người nằm trong cái số đông hung hãn ấy, buông lời độc miệng để chỉ trích cá nhân không cần lý do, không cần suy nghĩ. Bản mặt của sự “tự do ngôn luận không giới hạn” mà các bạn tôn sùng là đây chứ đâu! Nó xấu xí, nham nhở, và bị bóp méo đến vênh cả ra. Biết đâu đấy, những điều luật như “nghiêm cấm xúc phạm về giới, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc” trong điều 8 của bộ luật mới lại góp phần nắn tròn lại cái vênh đấy thì sao.
Các bạn lấy lý do “yêu nước” để chỉ trích luật An Ninh Mạng. Định nghĩa cho tôi xem, cái “đất nước” mà các bạn yêu cụ thể là gì? Đừng nghĩ đất nước là một ý niệm xa vời. Đừng nghĩ đất nước là một cái gì to lớn trừu tượng lắm. Đất nước không phải là cái gì khổng lồ to tát đâu, mà chính là những con người sinh sống cùng bạn trên dải đất hình chữ S mà thôi, là những người bạn gặp hàng ngày, những người bạn nghe trên báo đài, những người bạn thấy trên TV đấy. PGS Bùi Hiền, người các bạn chửi là “thằng thần kinh,” là một phần trong đất nước ấy. Suboi, cô gái các bạn giễu là “lép toàn diện,” là một phần trong đất nước ấy. Muốn yêu đất nước thì trước khi lên Facebook kêu gào về một thứ mang tầm vĩ mô như luật An Ninh Mạng, hãy tự hỏi bản thân mình đã đối xử tốt với đồng bào của mình hay chưa, với gia đình mình hay chưa, với những người xung quanh mình hay chưa. Yêu nước bắt đầu ở những thứ nhỏ như thế. Các bạn muốn “tự do” phát ngôn, nhưng các bạn đâu có cho PGS Bùi Hiền “tự do” nghiên cứu, các bạn đâu có cho Suboi “tự do” chia sẻ về cơ thể mình, các bạn đâu có cho những người có lối sống khác với các bạn “tự do” thể hiện cách sống của họ? Đừng kêu gào “tự do” cho cái mồm của mình khi chính mình lại muốn tước đi “tự do” của cái não người khác!
2. CÁC BẠN KHÔNG THÔNG MINH.
Như tôi đã viết ở trên, bên cạnh là một cư dân mạng “văn minh,” bạn còn cần phải sử dụng mạng một cách “thông minh” thì mới xứng đáng có được cái quyền phát ngôn tự do theo ý muốn. Nếu ai sử dụng mạng cũng tỉnh táo trong việc tiếp thu thông tin, nghĩ kỹ trước khi tin tưởng một nguồn tin, uốn lưỡi trước khi comment, đọc kỹ trước khi chia sẻ.
Tin giật gân trên mạng xã hội, cái gì các bạn cũng tin sái cổ. Năm 2007, người dùng mạng hoang mang tột độ khi thông tin kim tiêm nhiễm HIV được giấu trong ghế ngồi tại các rạp chiếu phim ở Hà Nội lan truyền chóng mặt trên Yahoo Messenger. Người người lo, nhà nhà hoảng, nhưng sau khi điều tra thì tại tất cả các cụm rạp từ Quốc Gia, Dân Chủ cho tới Tháng Tám, Sinh Viên đều không có bất cứ bằng chứng nào cho tin đồn trên. Tin đồn nhảm này đã làm giảm uy tín của các rạp chiếu phim không nhỏ. Năm 2016, một bức ảnh hai mẹ con ở quán bún riêu được lan truyền chóng mặt cùng câu chuyện cô con gái bất hiếu chửi mẹ và không cho mẹ ăn bát bún riêu 20.000 đồng. Người ta chia sẻ rầm rộ, kẻ thương cụ già, kẻ chửi cô con gái, nhưng khi phóng viên tới tận nhà hai mẹ con tại quận Thủ Đức điều tra thì hoá ra ngày hôm ấy bà cụ đau răng, không ăn được, và họ sống rất hoà thuận bên nhau chứ chẳng có mâu thuẫn gì. Cô Nên, người con trong bài viết, đã ít nhiều bị điều tiếng về nhân phẩm chỉ vì một câu chuyện bịa đặt bởi một cư dân mạng thích câu like. Cùng năm ấy, bức ảnh của hai người phụ nữ tên Nguyễn Thị Ngà và Hồ Thị Tuyết Trinh tại TP.HCM cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt cùng dòng chú thích “Đây là hai người Trung Quốc bắt cóc trẻ em.” Mọi chuyện bắt đầu từ một status bông đùa trên Facebook của một người trong xóm, rồi ngay lập tức được người này người kia thêm mắm dặm muối để giật gân hoá câu chuyện, chia sẻ lan rộng, làm tổn hại danh dự của hai cô, khiến hai cô đi họp phụ huynh phải che mặt vì ai cũng buông lời đàm tiếu. Các câu chuyện ướt át giật gân trên cái trang NEU Confessions có hơn 1,9 triệu followers mà các bạn suốt ngày share lấy share để ấy, có bao giờ các bạn biết có thật sự xảy ra không, có bao giờ các bạn xác thực nguồn? Với format confession thì ai cũng có thể bịa ra những câu chuyện ấy để câu sự chú ý, và đây là miếng mồi câu quá ngon cho những con cá ngây thơ là những người dùng mạng không tỉnh táo.
Chỉ ngày hôm qua thôi, bao nhiêu trang còn đưa tin chị Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook tại Việt Nam, đưa ra phát ngôn chính thức về luật An Ninh Mạng, thì 10 giờ trước, chị đã lên tiếng đính chính rằng đó là tin không chính xác. Vài tuần trước, trong sự việc em Thuỳ Dung (học sinh trường Ams) bị anh rể là MC Minh Tiệp bạo hành, mặc dù công lao của cộng đồng mạng là rất lớn trong việc đưa vụ việc lên báo chí chính thống, những thông tin như em Dung bị bố mẹ tiêm thuốc để khi đi khám bác sĩ có thể kiểm nghiệm là em bị tâm thần cũng được chia sẻ một cách chóng mặt, mặc dù không ai có nguồn, không ai có đủ bằng chứng để chứng thực. Những thông tin nhiễu nhương này khiến sự việc trở nên vô cùng rối rắm khó giải quyết, vô tình khiến độc giả không biết tin ai, nghe ai, đứng về phía nào. Các bạn “cư dân mạng” chỉ cần đọc được một thông tin ly kỳ, giật gân là tin sái cổ, là chia sẻ ngay lập tức, để thêm mắm thêm muối vào câu chuyện của mình cho thật hấp dẫn. Đã bao giờ các bạn tự hỏi các bạn đang chia sẻ những thông tin không xác thực này là để giúp đỡ em Dung hay là để đánh bóng hình ảnh của các bạn chưa?
Người dùng mạng Việt Nam không phải ai cũng đủ quan tâm, tỉnh táo để (1) đặt câu hỏi khi tiếp thu một thông tin: “thông tin này có chuẩn xác không, có logic không, có khoa học không?” và (2) xác thực thông tin ấy bằng cách tìm nguồn tin trước khi chia sẻ rộng rãi. Các bạn chia sẻ thông tin tất cả chỉ vì tâm lý đám đông, ném của ngon vào những cái miệng háo drama, mà không biết mình đang góp phần làm lan truyền những tin đồn thất thiệt. Tự hỏi, trong một thế giới mạng mà người dùng mạng không có kỹ năng sàng lọc thông tin, không có tư duy phản biện để kiểm chứng thông tin, hoặc vì muốn câu like nên sẵn sàng bịa đặt thông tin, giật gân hoá thông tin, thì sự tự do không giới hạn có thật sự là một chính sách đúng đắn? Như đã nói ở trên, nếu tất cả cư dân mạng Việt Nam đều tỉnh táo và thông minh trong việc sử dụng mạng thì một bộ luật như An Ninh Mạng sẽ không cần thiết, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Đây nhé, nếu các bạn thật sự là những kẻ thông minh và tỉnh táo, thật sự, thật sự thông minh và tỉnh táo, thì bằng cách màu nhiệm nào mà một bộ luật bị rất rất rất nhiều người không đồng tình lại vừa được thông qua với tỉ lệ đồng ý lên tới 86%? Bằng cách màu nhiệm nào hỡi các bạn? Hãy học cách tiếp thu nhiều thông tin một lúc thay vì dồn 99%, nhắc lại con số này, 99% năng lượng vào chỉ một thông tin. Muốn được dùng mạng một cách “tự do,” thì cũng phải hiểu “tự do” chỉ dành cho những ai không đãng trí làm tuột mất sự “tự do” của mình.
Có những người cứ lấy Mỹ ra để làm tiêu chuẩn cho cái ý niệm “tự do.” Không phải trong cùng lĩnh vực mạng xã hội, nhưng bạn có biết nước Mỹ ở thời điểm hiện tại cũng đang tranh cãi rất gay gắt về quyền sở hữu và sử dụng súng? Sau rất nhiều vụ xả súng ở trường học, cánh Tả mong muốn một bộ luật thắt chặt hơn quyền sử dụng súng, còn cánh Hữu lại muốn bảo vệ quyền sử dụng súng của người dân. Cả hai bên đều có lý lẽ của họ, và thú vị thay, cả hai đều nhân danh hai chữ “tự do.” Cánh Hữu bảo vệ quyền “tự do” được sở hữu và sử dụng vũ khí của người dân, còn cánh Tả muốn trẻ em được “tự do” tới trường mà không phải lo sợ mình bị bắn chết. Câu hỏi là nên thắt chặt quản lý phương tiện có thể gây hấn (súng), hay đơn giản là giáo dục con người sử dụng súng tốt hơn? Câu hỏi này cũng không khác gì những hoài nghi dành cho bộ luật An Ninh Mạng vừa thông qua. Quan điểm của tôi là: nếu một người sử dụng súng một cách bừa bãi, bắn người vô tội, phải quản lý chặt vũ khí của họ. Tương tự, nếu một người sử dụng mạng xã hội một cách bừa bãi, không văn minh và không thông minh, phải quản lý chặt bàn phím của họ. Người sở hữu súng chỉ xứng đáng có quyền sử dụng súng tự do khi họ biết làm chủ vũ khí của mình, hiểu rõ luật, và không làm tổn thương người khác. Tương tự, cư dân mạng Việt Nam sẽ xứng đáng được phát ngôn “tự do” hơn chỉ khi họ biết cách cư xử trên mạng xã hội, biết bày tỏ quan điểm một cách văn minh và không làm tổn thương người khác.
Những người kêu gào phản đối luật An Ninh Mạng nhân danh “yêu nước,” tôi tôn trọng góc nhìn của các bạn, nhưng tôi nghĩ các bạn có rất nhiều cách để yêu nước bên cạnh hoạt động múa phím. Khi đồng bào miền Trung mùa hè nào cũng bị bão lũ hoành hành, bạn có quyên góp được quyển vở, tấm áo, mảnh chăn nào cho họ hay không? Khi gặp người bị nạn trên đường, bạn có dừng lại giúp? Trong một scandal giải trí vừa qua, sau khi Phạm Anh Khoa xin lỗi về hành vi gạ tình, bạn có tiếp tục tự giáo dục bản thân mình về những thiệt thòi phụ nữ phải đối mặt từ môi trường gia đình tới môi trường làm việc và đấu tranh ủng hộ cho quyền của người phụ nữ tại Việt Nam, hay ngay lập tức tha thứ cho kẻ quấy rối chỉ sau một câu xin lỗi rồi bỏ qua? Tôi xin nhắc lại ý ở trên: Đất nước không phải là một ý niệm to tát trừu tượng. Đất nước đơn giản là da thịt, là máu mủ của những người đồng bào mình, gia đình mình. Yêu thương họ, không làm tổn thương họ cũng là yêu nước. Cư xử nhã nhặn, văn minh với những người xung quanh cũng là yêu nước. Và nếu bạn muốn mang đến những sự thay đổi tích cực cho đất nước ở tầm vĩ mô hơn, hãy học tập, nghiên cứu để trở thành một người làm luật. Hãy viết email, nói chuyện với các vị lãnh đạo của bạn. Trong cuộc sống, chúng ta luôn có thiên hướng nhìn mọi việc là một sự mâu thuẫn giữa “người tốt” và “kẻ xấu,” trong khi cuộc đời không bao giờ đen trắng rõ ràng như vậy. Ai cũng có phần đen và phần trắng, đa chiều nhiều tính. Không ai sinh ra là 100% anh hùng hoặc 100% kẻ gian cả. 86% số người thông qua luật An Ninh Mạng chắc chắn có lý do của họ, và tôi dám cá họ là những con người có cảm xúc, có học thức, không đơn thuần chỉ là những “kẻ xấu” trong câu chuyện ngụ ngôn giản đơn hoá cuộc đời. Hãy nói chuyện với họ. Hãy hỏi họ tại sao họ lại thông qua bộ luật. Hãy hỏi họ bạn có thể làm được gì để mang đến những thay đổi tích cực cho đất nước. Nếu bất đồng ý kiến, hãy tranh luận với họ một cách văn minh, chứng minh cho họ thấy bạn là một lớp trẻ có giáo dục, có văn hoá, có chí hướng. Chửi nhau đã bao giờ giải quyết được chuyện gì? Nếu bạn nghĩ kêu gào trên Facebook là đủ “yêu nước” rồi, thì bạn không xứng đáng có được cái “tự do” mà bạn mong muốn đâu. Tôi thấy những người chẳng bao giờ lên tiếng về bất cứ vấn đề văn hoá, đời sống, xã hội nào, tự dưng đợt này lại sợ “mất tự do.” Tôi thấy những người ra rả phản đối luật An Ninh Mạng, xong lại quay lại post rất nhiều về bán… kem trộn. Những người lớn tiếng nhất, hung hãn nhất trong sự việc này, tại sao tới giờ các bạn mới “yêu nước”? Các bạn yêu nước hay yêu bản thân mình mà thôi?
Trong lịch sử loài người, “tự do” nào cũng là do con người xứng đáng giành được, không phải ban phát. Sự hình thành của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Để xứng đáng có được “tự do mạng,” bạn trước hết phải là một người dùng mạng VĂN MINH và THÔNG MINH. Đừng làm tổn thương người khác bằng những lời lẽ công kích cá nhân. Đừng chia sẻ tin tức không rõ nguồn gốc. Đừng bịa đặt thông tin giả để câu like. Đừng oang oang kêu gọi bảo vệ “sự trong sáng của tiếng Việt” trong khi chính mình thì viết post toàn tiếng Việt không dấu, viết tắt, viết sai chính tả. Chỉ khi tất cả chúng ta tự nâng cao dân trí của mình, đủ văn minh và thông minh để xứng đáng có được cái “tự do mạng” ấy, tới lúc ấy hãy nói tới chuyện bộ luật An Ninh Mạng có cần thiết hay không. Còn với tình trạng sử dụng mạng “tự do tới bừa bãi” của hiện tại, các bạn xứng đáng gì? Tôi xin kết lại bài viết này bằng một câu nói của nhà tư tưởng Joseph de Maistre:
“Every country has the government it deserves.”
(*Bài viết này không nhắm tới những người đã và đang sử dụng mạng một cách thông minh và văn minh. Đáng tiếc, chúng ta không phải là đa số.)
(Theo FB Siêu Nguyễn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét