Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

109 năm ngày sinh Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản đầu tiên của Hà Nội

 Sinh ngày 1-2-1902 và lớn lên ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Đình Sắc) từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bằng những vần thơ yêu nước thương nòi. 


Chân dung đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Chân dung đồng chí Nguyễn Phong Sắc


Cha ông là Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 rồi bị  đày đi Côn Đảo 5 năm. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung ở trường Bưởi, ông đã từ chối không nhận học bổng đi du học ở Pháp. Vào làm việc ở Sở Tài chính, ông vẫn giữ quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi là Trần Quang Huyến ở phố  Công sứ Mi-ri-ben (nay là phố Trần Nhân Tông), Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích ở phố Bạch Mai. Chính từ nhóm bạn này, Nguyễn Đình Sắc đã được ông Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí. Cuối năm 1926, ông gia nhập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và ông đã lấy tên mới - Nguyễn Phong Sắc - mang  ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng thoát khỏi đời nô lệ. 

Ngôi nhà 152 Bạch Mai từ đó trở thành cơ sở bí mật và ít lâu sau là nơi tổ chức các cuộc họp của Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ. “Gia đình ông Phúc đã dành một căn phòng nhỏ phía sau bàn thờ Phật, rất kín đáo để hội họp”. Đồng chí còn góp cho tổ chức một nửa số tiền lương hàng tháng để giúp việc in ấn, mua sách báo, tài liệu trong điều kiện tài chính của tổ chức rất khó khăn.

Từ những cơ sở đầu tiên ở ngay trong gia đình và họ hàng, bạn bè thân thiết, Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí đã phát triển cơ sở và hội viên đến  những địa điểm khác trong các ngõ xóm của nhân dân lao động. Tháng 6-1927, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí do đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư. Đây là Tỉnh bộ Thanh niên đầu tiên trong cả nước. Tỉnh bộ Thanh niên tiếp tục phát triển chi hội ở các vùng ven nội và cả nội thành như xưởng sửa chữa ô tô A-vi-a, số nhà 11 phố Wielé (nay là phố Tô Hiến Thành), số nhà 25 ngõ Liên Trì... Nhà đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn là nơi hội họp, ăn ở của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du... Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định rõ về điều này:“Có một lần, vào năm 1928, đồng chí Trịnh Đình Cửu dẫn tôi đến thăm đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đưa chúng tôi lên gác. Tôi thấy trong nhà bày biện sơ sài, trên tường treo ảnh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nói chuyện thân mật với chúng tôi chừng 30 phút, sau đó chúng tôi ra về”. 

Dù đã thôi việc ở Sở Tài chính, kinh tế gia đình eo hẹp,  đồng chí vẫn tận tình với anh em, bán cả đồ đạc trong nhà cho anh em đủ chi phí hoạt động. Thông thạo làng Bạch Mai và vùng Ô Cầu Dền, đồng chí đã gây dựng được cơ sở bí mật ở chùa Hương Tuyết (phố Bạch Mai), chùa Vua, Chợ Đuổi, phố Đại La…

Ngày 28-9-1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã họp Đại hội đại biểu lần thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu là ủy viên Ban chấp hành Kỳ bộ mới do đồng chí Trần Văn Cung làm Bí thư. Sau đó, tháng 4-1929, tại số nhà 68 Nam Đồng, Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật tiến hành Đại hội để kiện toàn tổ chức và thảo luận phương hướng hoạt động mới theo chủ trương vô sản hoá. Đại hội bầu lại cơ quan lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên và đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ. Thực hiện chủ trương vô sản hoá của Kỳ bộ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vừa đi kéo xe tay, vừa lãnh đạo Tỉnh Hội Thanh niên đi gây dựng được cơ sở ở một số nhà máy xí nghiệp như nhà máy Đèn Bờ hồ, xe lửa Gia Lâm, ga Hàng Cỏ, các làng Xuân Đỉnh, Ngọc Hà, Thịnh Hào, Yên Lãng, Khương Thượng… Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, đồng chí là một trong 8 đảng viên của chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, đồng chí còn tự bỏ tiền, mua sắm đồ đạc thô sơ (bàn ghế, tủ...) cho cơ sở hội họp ở 5D Hàm Long; mua giường cá nhân cho một số đồng chí đảng viên đang sống hợp pháp. 

Ngày 28 và 29-3-1929, Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu của Hà Nội tham gia họp Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ lần thứ hai tại Kim Đái (Tùng Thiện,  Sơn Tây). Sau đại hội, đồng chí đã tích cực cùng các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu chuẩn bị văn kiện và đẩy mạnh tuyên truyền cho việc ra đời Đảng Cộng sản. Đặc biệt, cuộc bãi công dài ngày từ 28-5 đến 10-6-1929 của công nhân A-vi-a được đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Ngô Gia Tự lãnh đạo đã thắng lợi rực rỡ, thể hiện chủ trương và cách thức tổ chức đúng đắn của chi bộ 5D Hàm Long trong cuộc đấu tranh của công nhân với quy mô, hình thức, mức độ cao hơn hẳn những cuộc đấu tranh trước đó của đội ngũ công nhân Bắc kỳ. Đồng chí Ngô Gia Tự đã đánh giá ngay trong cuộc họp rút kinh nghiệm: “Đây là một cuộc đấu tranh có tổ chức chặt chẽ do Chi bộ Cộng sản tổ chức và lãnh đạo, là kết quả của phong trào “vô sản hoá” được cán bộ thâm nhập vào công nhân, giáo dục và vận động quần chúng đấu tranh”. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, các đại biểu của chi bộ 5D Hàm Long đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và điều lệ của Đảng. Hội nghị đã nhất trí bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời, trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Thường vụ.    

Ngày 3-2-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị và bầu Ban chấp hành Trung ương chính thức. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng và được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp chỉ đạo cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đồng chí đã có mặt ở nhiều tỉnh của Trung kỳ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...) để truyền đạt ý nghĩa của việc thành lập Đảng, phổ biến những nội dung cơ bản các văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Nhờ đó, các chi bộ cộng sản của Đảng ở Trung kỳ thống nhất trong nhận thức tư tưởng và hành động để liên kết với phong trào công nông cả nước. 

Tháng 3-1931, sau khi dự hội nghị Trung ương lần II ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh giam cầm tra tấn dã man. Lo sợ trước cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và vai trò của một cán bộ cao cấp của Đảng, địch đã lén lút xử bắn đồng chí ngày 26-5-1931 tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại buổi tiếp đón con cháu liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6-5-1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thuỷ chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”.

Tri ân người cán bộ xuất sắc của Đảng ta, nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã xin được để đồng chí Nguyễn Phong Sắc an nghỉ đời đời trong lòng đất xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét