Để hiện thực hóa các mục tiêu trong chặng đường phát triển của đất nước trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả là một trong những định hướng lớn.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng tiểu ban Văn kiện trình bày ngày 26-1 nêu rõ: “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đối ngoại Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, từ việc đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước tới phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như hội nhập toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt của Việt Nam. Trong những năm gần đây, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và khu vực; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Tuy đạt được những thành tích rất đáng tự hào nhưng xuất phát từ mục tiêu phát triển của đất nước, đánh giá tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới, việc xây dựng một nền ngoại giao hiện đại là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc dự báo hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều thách thức, báo cáo do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XIII nhận định: “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”. Như vậy, để tới năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và tới năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, việc giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc đòi hỏi phải xây dựng một nền ngoại giao hiện đại.
Ngoại giao hiện đại là một nền ngoại giao toàn diện, đồng bộ bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị đã thống nhất nhận thức trong toàn Ðảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tiếp đó, công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ giữa các binh chủng đối ngoại với những định hướng công tác, phối hợp được thể hiện trong Chỉ thị số 04-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2019 về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới. Trả lời phỏng vấn TTXVN nhân Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho rằng: “Ngoại giao Việt Nam là một nền ngoại giao toàn diện, không phải nước nào trên thế giới cũng có”.
Một nền ngoại giao hiện đại còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, vì sự phát triển của đất nước. Đối ngoại luôn xuất phát từ đối nội, phục vụ đối nội và dựa vào đối nội. Trả lời báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng ngày 26-1, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: “Chúng ta có một tầm nhìn là gắn kết chặt chẽ không những giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại mà giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế-xã hội”. Bên cạnh đó, nền tảng để “xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” cũng đã có khi đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của đối ngoại Việt Nam. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam xác định: “Lấy đối ngoại quốc phòng làm công cụ quan trọng giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc; tạo lợi thế chính trị trong mọi biến động của tình hình, đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực”. Nghị quyết cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo thực hiện công tác ĐNQP: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ, vượt qua thử thách”.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, một nền ngoại giao hiện đại cũng cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận. Có thể thấy rõ, việc linh hoạt áp dụng các hình thức hội nghị trực tuyến giúp Việt Nam chủ trì thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiều hoạt động đối ngoại khác. Tuy vậy, mặt trái của công nghệ truyền thông mới và mạng xã hội là bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Trước thực trạng này, một nền ngoại giao hiện đại, trong đó có lĩnh vực thông tin đối ngoại, cần chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch trên môi trường kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, ngoại giao hiện đại cũng cần có những nhà ngoại giao với những kiến thức, kỹ năng hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao hơn.
Với định hướng đúng đắn và sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng một nền ngoại giao hiện đại sẽ giúp chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, không để Tổ quốc bị bất ngờ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Một nền ngoại giao hiện đại, sẽ giúp Việt Nam hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; khai thác, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét