Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Trong tiến trình đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, quyết tâm lập kỳ tích mới, Đảng ta nhận thức rõ: Quá trình đó, không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Chính vì vậy, trong suốt nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã đặt vấn đề khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đến Đại hội XIII, những vấn đề này đã được đưa vào dự thảo Báo cáo Chính trị để đại hội thảo luận, quyết nghị. “Tôi rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương mà tới đây sẽ được quyết nghị tại Đại hội XIII để những người lãnh đạo các địa phương tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái chia sẻ.

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì thảo luận của Đoàn đại biểu TP Hà Nội. Ảnh: HUY ĐĂNG 

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Sau Đại hội XIII, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Để làm được như vậy, phải có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Và một điểm mới được đề cập tại đại hội lần này là cán bộ dám nói, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề rất mới về mặt lý luận. Thực tiễn, để có những đột phá trong phát triển, phải có những cán bộ như vậy. Đương nhiên để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ".

Song song với nhiệm vụ khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhiều đại biểu cũng kỳ vọng, Đảng phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với nhân dân. Đồng chí Cao Tường Huy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: "Thời gian qua, những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với việc nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh đã tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điều này cho phép chúng ta kỳ vọng nhiệm kỳ tới, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh".

Các đại biểu dự đại hội và các tầng lớp nhân dân tin tưởng đại hội sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất vào đội ngũ lãnh đạo cao cấp và quyết nghị một cơ chế để khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung, góp phần dẫn dắt đưa đất nước lên một tầm cao mới.