Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên trong các văn kiện của Đảng, vấn đề Covid-19 đã được đề cập nhiều lần và cả trong các thảo luận sôi nổi. Sau một năm chiến đấu với đại dịch, “vượt bão” thành công, Covid-19 tiếp tục gây ra những diễn biến mới, đặt ra nhiều câu hỏi đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có những quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo hơn để tiếp tục chiến thắng, đưa đất nước phát triển. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII”.

Bài 1: Đại hội XIII của Đảng nói gì về Covid-19?

Đầu năm 2020, ngay khi dịch bệnh mới bùng phát, các chuyên gia kinh tế, chính trị đã lập tức nhận định mức độ nguy hiểm của đại dịch. Theo đó, trong khoảng 30 năm trở lại đây, kinh tế thế giới đã trải qua 3 chu kỳ khủng hoảng, suy thoái (năm 1987, 1997, 2008) và năm 2020 đã được dự báo khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới vì đại dịch Covid-19, trở thành “cú sốc” đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trên đà “giảm tốc” từ cuối năm 2019. So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.

Sớm vào cuộc với tinh thần mọi việc của dân “Đảng đều phải lo”

Henry A. Kissinger - nhà chính trị, cựu ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đã có bài viết đánh giá, Covid-19 có thể đưa thế giới vào "biển lửa". Còn nhà kinh tế Jean Peyrelevade người Pháp cho rằng, thế giới đang bước vào một kịch bản kinh tế chưa từng có tiền lệ.

Thực tiễn một năm qua đã chứng minh những nhận định đó là hoàn toàn đúng, thậm chí có thể diễn biến phức tạp hơn.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII
 

Ở Việt Nam, với bản lĩnh và trách nhiệm trước đất nước, nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận định, đánh giá đúng đắn về dịch bệnh và vào cuộc rất sớm. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “...Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. “Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo”.

Trước đại dịch đe dọa ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và sinh mạng nhân dân, ngày 31-1-2020, (mồng bảy Tết Canh Tý), khi vừa hết kỳ nghỉ Tết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII
 (Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 30-3-2020) 

Xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Trung ương nhận định: Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh. Hiện dịch bệnh này chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhận định tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Tuy nhiên, phải hết sức bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ, phòng ngừa và xử lý chính xác, hiệu quả.

Hai tháng sau, tại cuộc họp ngày 20-3-2020, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận, đánh giá: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh và đang ở trong giai đoạn cần tập trung cao độ để kiểm soát lây nhiễm, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. Kết quả thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, sớm ổn định và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

Đặc biệt, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Lời kêu gọi nhận định, Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia… Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

“Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” – Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII
Gần 9 giờ sáng 28-1-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước nhanh đến phòng họp để chỉ đạo khẩn công tác chống dịch Covid-19. Ảnh:tuoitre.vn 

Lời kêu gọi ấy như lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức chung lòng chiến thắng dịch bệnh, giúp đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Trong năm 2020, dự thảo các văn kiện trình đại hội XIII đã được Đảng ta tiếp thu ý kiến của đảng viên và nhân dân, chỉnh sửa tới hơn 30 lần, cập nhật nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến Covid-19. Các bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã thể hiện rất rõ những nhận định, đánh giá, quan điểm, chủ trương mới về vấn đề này.

Đại dịch Covid-19 có thể làm thay đổi trật tự và kinh tế thế giới

Tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, trong phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội và sự phát triển của đất nước.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG HIẾU

Trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đánh giá, vào năm cuối kỳ Chiến lược đã xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu ảnh hưởng rất nghiêm trọng, chưa từng có trong nhiều thập kỷ, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, hậu quả kéo dài nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến ngành du lịch và nhiều ngành dịch vụ như giao thông vận tải, hàng không, khách sạn, ăn uống, giải trí..., số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh” - báo cáo nhấn mạnh.

Đảng ta cũng đánh giá nhiều tác động khác như: Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống còn khoảng 3,1% năm 2019, riêng năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp phải giãn, dừng, chấm dứt hoạt động, tỷ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng… “Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức và việc làm dễ bị tổn thương còn cao, nhất là năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Về dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, Đảng ta cho rằng: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19”. Với nước ta: “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái tuần tra tại khu vực thôn Xín Phìn Chư, thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Ảnh: qdnd.vn

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài sang đầu thập niên 20; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài đến những năm đầu của kỳ Chiến lược kinh tế xã hội 2021-2030.

Thành công và bài học

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII cho rằng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đối phó với đại dịch Covid-19; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng... Y tế dự phòng được tăng cường, cơ bản không để dịch bệnh lớn xảy ra. Việt Nam từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao. Công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm hơn, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội” - báo cáo cho thấy chúng ta đã có hướng đi, cách làm riêng hiệu quả.

Một trong những bài học được Đảng ta rút ra: “Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hóa dân tộc ta”.

Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta”- Đảng ta khẳng định.

Do đó, về giải pháp, Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 yêu cầu đặt ra không chỉ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức mà còn phải tích cực, chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, quản trị toàn cầu được định hình lại, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống xã hội thay đổi sau đại dịch.

Đảng lãnh đạo xử lý thách thức an ninh phi truyền thống Covid-19 - nhìn từ Đại hội XIII
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái (BĐBP Hà Giang) tăng cường quan sát ở mọi vị trí để phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: qdnd.vn

Đảng ta cũng xác định phải: “Tập trung nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; có giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế; xây dựng các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu”.

Đại biểu Đại hội XIII “hiến kế” hướng đi vượt bão Covid-19

Tại Đại hội XIII của Đảng, khi thảo luận sôi nổi tìm cách hiến kế để đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua khó khăn, thách thức, nhiều đại biểu đã nhắc đến chuyện phải tìm cách hóa giải tác động xấu của Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng điển hình cho tác động đa chiều này đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chúng ta cùng lúc gặp cả khó khăn, đứt gãy về thị trường đầu ra cho xuất khẩu, vừa bị đứt gãy nguồn cung phục vụ cho sản xuất trong nước”. Song trong nguy cơ lại có thời cơ. “Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phân tích: Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, phải: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi phát biểu tham luận tại Đại hội XIII đã đề cập một khái niệm mới khi phân tích: “…Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới, như Liên minh châu Âu (đi đầu là Hà Lan, Đức, Phần Lan và Đan Mạch), Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Bài học thành công của các quốc gia này là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, chuyển đổi số”.

Theo Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, bài học thực tiễn rút ra từ Quảng Ninh là năm 2020, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh là địa phương trọng điểm, tuyến đầu đã giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” - thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế-xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng…

Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị phải chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường và phân tích: Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám... là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong điều kiện bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, cũng như trong bối cảnh bình thường mới với tác động của dịch Covid-19. Bối cảnh mới đòi hỏi phải có những nhận thức mới, quan điểm phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tiếp tục là "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế.

Đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nêu vấn đề tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng và cho rằng đây là giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng để nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh Covid-19.