Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Bác Hồ trở về nước Tết năm 1941

 

"Ôi! Sáng hôm nay xuân 41 Trăng rừng biên giới nở hoa mơ Bác về...Im lặng. Con chim hót. Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ."

Việc Bác Hồ trở về nước vào ngày 28-1-1941 là một sự kiện lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam, đã làm thay đổi tình hình cách mạng trong nước từ đó trở về sau.

Thời gian và địa điểm Bác Hồ chọn về nước, bước qua cột mốc biên giới 108 không phải là ngẫu nhiên. Theo biên niên sử Hồ Chí Minh, ngày 11-11-1924, Bác Hồ từ Moskva (Nga) về Quảng Châu (Trung Quốc) lần đầu tiên. Trong những năm 1925 – 1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước từ trong nước đến đây với giáo trình là sách Đường kách mệnh và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Do bị mật thám Anh tại Hongkong truy bắt, Bác phải trở lại Nga. Ngày 25-4-1928, Người được Quốc tế Cộng sản cho trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Người tới Thái Lan ở một thời gian rồi về lại Hongkong tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930.

Sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hongkong (vào cuối năm 1932) và có thời gian hoạt động tại Trung Quốc, đầu năm 1934, Người trở lại Moskva và năm 1938 về lại Quảng Châu. Trong thời gian 1938 - 1939, trong vai thiếu tá Bát lộ quân Hồ Quang, Người đi đến các thành phố Quế Lâm, Liễu Châu, Nam Ninh, Long Châu, Quý Dương, Côn Minh…, những địa danh nằm dọc theo cuộc trường chinh vĩ đại của Đảng Cộng sản và Quân Giải phóng Trung Quốc từ Nam lên Bắc. Đầu năm 1940, Bác Hồ gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh vừa từ Việt Nam sang. Sau ngày 20-6-1940, được tin Paris bị quân phát xít Đức chiếm, Bác liền triệu tập một cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng, phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Đầu tháng 1-1941, tại Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) cách biên giới Trung Quốc – Việt Nam khoảng 50 km, Bác cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh… tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị. Chương trình huấn luyện gồm 3 phần chính: tình hình thế giới và trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Lớp huấn luyện cấp tốc này dành cho những cán bộ cách mạng (khoảng 40 người) từ trong nước sang để chuẩn bị nhân lực cho cách mạng trong tình hình mới. Đây là giai đoạn cách mạng trong nước bị tổn thất sau khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, nhiều cơ sở của Đảng bị Pháp khủng bố, tiêu diệt. Sau gần một tháng tổ chức lớp, Bác cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc lên đường về nước.

Lúc này, Bác đã nhận định về các cuộc khởi nghĩa trong nước và tình hình thế giới. Theo Người, tình hình thế giới có lợi cho ta nhưng chưa thể tổng khởi nghĩa trên cả nước được mà cần duy trì các phong trào trong nước. Bác tự tay viết một bức điện, tinh thần như nhận định trên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Chúng tôi cố tìm cách chuyển bức điện ấy về Đảng bộ Nam kỳ nhưng không chuyển đi được”(1).

Lúc ấy, Bác còn nói: “Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết dân tộc càng quan trọng, ta phải nghĩ đến việc lập một mặt trận rộng rãi, có hình thức và tên gọi cho thật thích hợp. Việt Nam Giải phóng đồng minh? Hay là Việt Nam Độc lập đồng minh? Theo ý Bác, nên lấy tên Việt Nam Độc lập đồng minh”(2). Bấy giờ, chưa về đến Cao Bằng, Bác cũng đã đề cập việc lập chiến khu ở vùng Cao Bằng và Thái Nguyên.

Sau lớp huấn luyện, ai nấy đều phấn khởi và được lệnh trở về nước ngay, ai ở địa phương nào về địa phương nấy để tiếp tục hoạt động cách mạng vì thời cơ đã gần kề… Ở biên giới Việt – Trung, sẵn có cảm tình với cách mạng Việt Nam, lại thêm những ngày sinh hoạt gần gũi, nên bà con càng quý mến cán bộ của Ban Hải ngoại. Ngày Tết, ai cũng đi ăn cỗ nhiều lần; Bác đi, tay cầm gậy, quần xắn cao, trông giản dị, nhanh nhẹn trong bộ quần áo chàm người Nùng. Mỗi nhà mời Bác đến ăn cỗ, Bác đều mang đến một tờ giấy hồng điều chúc Tết và tự tay viết dòng chữ “Cung chúc tân niên”.

Đoàn về nước của Bác đi qua cột mốc 108, tới nhà ông Lý Quốc Súng (tức Máy Lỳ), một cơ sở cách mạng vùng ven biên giới. Đêm đó, Bác cùng đoàn ăn Tết với gia đình ông Súng gần lối đi bên hồ. Lầu đầu tiên, sau 30 năm ở hải ngoại, Bác mới được hưởng một cái Tết cổ truyền thật ấm cúng và thật tình cảm với đồng bào (đa số là dân tộc Nùng) ở ngay trên quê hương Việt Nam. Sau đó, Bác đi tìm một chỗ ở kín đáo hơn. Đó chính là hang Pắc Bó (Cốc Bó) nằm ở lưng chừng sườn núi Các Mác. Hôm Bác dời về ở trong hang là ngày 8-2-1941, đúng 12 ngày sau ngày về nước…

Như vậy, Bác đã ăn Tết với đồng bào dân tộc Nùng cả ở bên này và bên kia biên giới Việt Nam – Trung Quốc khi trở về đất nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét