Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”
 

Lần thứ tư “thế trận lòng dân” được đề cập tại văn kiện đại hội Đảng

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 350 giúp nhân dân xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) gặt lúa. 

Theo Tiến sĩ Hà Sơn Thái, giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, không phải đến đại hội lần này vấn đề “thế trận lòng dân” mới được đề cập mà đã nhiều lần đưa vào trong các văn kiện đại hội Đảng trước đây. Đảng ta lần đầu tiên sử dụng cụm từ “thế trận lòng dân” từ Đại hội Đảng X và xác định: Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt. Đến Đại hội lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Quan điểm trên tiếp tục được kế thừa và phát triển tại Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”. Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng có mở rộng về quan điểm và nội hàm, có bổ sung điểm mới, đó là: “phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân”. Đây được coi như là bước thứ hai để phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Phát huy ở đây là phải khơi dậy, thúc đẩy các yếu tố cấu thành sức mạnh “thế trận lòng dân” thành “sức mạnh vật chất” to lớn trong xây dựng nền QPTD và nền ANND; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND”. Đây không chỉ là sự bổ sung về mặt câu chữ; mà hơn thế nữa, là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”- Tiến sĩ Hà Sơn Thái nhấn mạnh.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Đoàn công tác Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách hai xã Vô Tranh và Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). 

Xây dựng thế trận lòng dân cũng là vấn đề đã được xác định rất rõ trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta tiếp tục khẳng định phương châm giữ nước là phải chăm lo xây dựng cho “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”. Xây dựng “thế trận lòng dân” là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Quan điểm đó tiếp tục được quán triệt và thể hiện nhất quán trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới cũng như trong các kỳ đại hội Đảng từ Đại hội X đến nay.

Đồng quan điểm này, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: So với báo cáo chính trị tại Đại hội XII, dự thảo báo cáo chính trị lần này không chỉ tiếp tục khẳng định vấn đề “xây dựng thế trận lòng dân” mà còn bổ sung thêm vấn đề “phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân”. “Việc khẳng định phải xây dựng, “phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND không chỉ thống nhất với quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; phù hợp với truyền thống, kinh nghiệm của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước mà còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới”, đồng chí Bùi Văn Cường nói.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Khánh Hội (Cà Mau) phát tờ rơi tuyên truyền để ngư dân nâng cao kiến thức pháp luật. 

Thế trận lòng dân và góc nhìn lịch sử

Trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, triều Lý, sau khi lên làm vua, Lý Thái Tổ đã ban Chiếu dời đô (năm 1010) được trăm dân ủng hộ, vì thế đã xây dựng được một Đại Việt hùng cường. Có được lòng dân, vua tôi nhà Lý đã đánh tan ý đồ xâm lược của địch, đại phá quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, giúp Đại Việt giữ vững bờ cõi nước nhà. Đến thời nhà Trần, do triều đình luôn làm tốt việc chăm lo cho muôn dân nên có được lòng dân, sức dân. Trước họa ngoại xâm Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285), vua tôi nhà Trần đã tổ chức hội nghị Diên Hồng ở kinh thành Thăng Long (năm 1284) để tạo sự đồng lòng nhất trí trong quyết tâm chống quân xâm lược của toàn dân; nhờ đó đã đánh thắng 3 lần quân Nguyên-Mông. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từng khẳng định “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người đã khẳng định: “Lực lượng và sức mạnh chính là ở dân”, “Có dân là có tất cả”. Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, lấy dân làm gốc,… là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bài học về lòng dân sau này được áp dụng triệt để trong suốt quá trình lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Trong những năm kháng chiến kiến quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn biết xây dựng “thế trận lòng dân”. “Thế trận lòng dân” đã thôi thúc, động viên hàng triệu thanh niên, cả nam lẫn nữ, thuộc mọi thành phần ở khắp mọi miền của Tổ quốc lên đường phục vụ tiền tuyến, cầm súng diệt giặc, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. “Thế trận lòng dân” cũng đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để những người ở lại hậu phương miền Bắc tay cày, tay súng; tay búa, tay súng đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngày nay, trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, “thế trận lòng dân” được củng cố sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nền QPTD và nền ANND vững mạnh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Nhân dân huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) động viên con em lên đường nhập ngũ. 

Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Cách cách đây 10 năm (từ cuối tháng 12-2010 đến đầu năm 2011), hàng loạt cuộc chính biến, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã bùng nổ, biến thành các cuộc chiến tranh, gây ra đau thương, đói khổ, tình trạng khủng bố, cực đoan gia tăng... Những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũng như các cuộc “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu” đã được phân tích, đánh giá có vấn đề thế trận lòng dân chưa được phát huy. GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “... Bất cứ thế lực bên ngoài nào cũng không thể áp đặt hay xây dựng một “chế độ” tốt đẹp hơn lên một quốc gia khác mà ở đó người dân không đồng thuận và không phù hợp với nền tảng lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội ở quốc gia đó”...

Như vậy có thể khẳng định, ở bất kỳ quốc gia nào, thể chế nào nếu không có sự đồng thuận của người dân, không xây dựng được “thế trận lòng dân” vững mạnh thì nguy cơ xảy ra xung đột, mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội rất dễ xảy ra và các quốc gia đó có thể phải đánh đổi bằng hòa bình, tự do, độc lập của dân tộc đó. Do đó, cần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ thời bình, có sức quy tụ lòng người, tạo nên sức mạnh đồng thuận to lớn để bảo vệ Tổ quốc.

Làm gì để nhân lên thế trận độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam?

Thế trận, cụm từ tưởng như chỉ có trong nghệ thuật quân sự, trong cách đánh, tưởng như chỉ là hiện thân của sức mạnh vật chất trên chiến trường nhưng ở nước ta, nó còn là sức mạnh vô hình, là nét độc đáo riêng có của văn hóa quân sự Việt Nam. Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: “Thế trận lòng dân” - thế trận đặc biệt, riêng có ở Việt Nam - chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam... được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “thế trận lòng dân” được phát huy lên tầm cao mới, trở thành nghệ thuật lãnh đạo, truyền thống, cội nguồn sức mạnh nội sinh, giúp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lai Châu cùng nhân dân làm đường liên thôn tại xã Trung Chải (Nậm Nhùn, Lai Châu).  

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thế, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) đánh giá: “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, là một trong những mạch nguồn sức mạnh nội sinh của quốc gia - dân tộc và được biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Đó là nền tảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc, là thành lũy kiên cố nhất, vững chắc nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó còn là cội nguồn sức mạnh sâu xa xuất phát từ bản sắc văn hóa Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc”.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: "Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng "thế trận lòng dân", biểu hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh vô địch của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc."

Theo Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nội dung cốt lõi của chủ trương này là tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học-công nghệ, quân sự, đối ngoại vững mạnh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” tạo nền tảng xây dựng nền QPTD, ANND; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận ANND để phát huy sức mạnh của lực lượng quốc phòng và lực lượng an ninh, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 trao bò giống tặng hộ nghèo trong vùng dự án Khu kinh tế-quốc phòng Ea Súp.  

Đại tá Nguyễn Văn Nhường, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương nhìn nhận, để “xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân”, cần có chế độ, chính sách quan tâm, chăm lo, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để đời sống nhân dân ngày được cải thiện, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; có nhiều giải pháp quyết liệt xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, với phương châm “gần dân, chăm lo cho dân”, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong nhân dân. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chúng ta càng phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nhân dân thấy rõ thời cơ và thách thức đang đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong củng cố “thế trận lòng dân” nói riêng. Phải làm cho “ý Đảng, lòng dân” về “thế trận lòng dân” thấm sâu vào mỗi người dân, trở thành tư tưởng chủ đạo trong xây dựng “thế trận lòng dân” thời kỳ mới”.

Đồng chí Bùi Văn Cường-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, để xây dựng “thế trận lòng dân” cần “đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng vì công tác xây dựng Đảng luôn là then chốt của mọi vấn đề”, đồng thời “đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường, củng cố QPAN”. Đặc biệt, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk “phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng gây hậu quả lớn nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”...

Bài 4: Nhân lên sức mạnh “thế trận lòng dân”

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trịnh Tường, BÐBP Lào Cai vượt suối đưa học sinh đến trường. 

Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An đánh giá: “Cùng với phát triển KT-XH, việc tăng cường tiềm lực QPAN là yêu cầu vừa cơ bản, vừa thiết yếu, trực tiếp đặt ra đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng, củng cố QPAN vững chắc, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền ANND sẽ tạo ra môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đất nước có điều kiện xây dựng và phát triển kinh tế bền vững”. 

Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam đã khẳng định: xây dựng “thế trận lòng dân” làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác của nền quốc phòng toàn dân; sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố trực tiếp, quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhấn mạnh xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện an sinh xã hội; gắn phát triển kinh tế với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh,… là những giải pháp để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Nét mới của quan điểm “xây dựng thế trận lòng dân” trong Chiến lược Quốc phòng là đặt nhiệm vụ này trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, với những thuận lợi và thách thức đan xen. Xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời kỳ mới là xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là quá trình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh…