Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy Nhà nước. Người kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa.
Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (4). Theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân” .
Một nền pháp quyền chân chính, tiến bộ phải bảo đảm được tính công bằng, khách quan, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thi hành được điều này không phải dễ dàng bởi vì từ xưa rồi, tội của quan vẫn được xử theo lễ còn tội của dân được xử theo luật (!). Những kẻ bất liêm vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí ở tại ngay những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở để những kẻ bất liêm lợi dụng, phần khác do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm minh, luật pháp chưa đảm bảo tác dụng giáo dục và răn đe khiến lòng dân chưa yên.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì” đang đặt ra như một yêu cầu bức xúc.VNĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét