Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN

Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện nhiệm vụ của mình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận cùng với 47 tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng, “nói không với tham nhũng”.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng.
Đáng chú ý, hệ thống Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng.
Trong khi đó, với ngòi bút sắc bén, lực lượng báo chí đã phát hiện, tạo áp lực xã hội mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu.
Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của giới báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống thao túng xây dựng chính sách...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

Theo TTXVN  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét