Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Dân chủ ở Việt Nam



1. Dân chủ trong mục đích cách mạng và bản chất nhà nước


Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng “long trời, lở đất” tháng 8/1945 giành chính quyền về tay nhân dân, mặc dù gặp khó khăn chồng chất khó khăn, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nhưng Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời đã chú trọng chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.


Ngay từ khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, Cụ Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…  Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”(*).


Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 1/6/1946 là ngày đầu tiên mà người dân Việt Nam bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình, tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình vào Quốc hội đầu tiên, tham gia gánh vác các việc lớn của một quốc gia độc lập có chủ quyền: kháng chiến và xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, giàu, nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.


Như vậy, dân chủ là bản chất của Nhà nước Việt Nam ngay từ khi mới ra đời.


Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta; đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


2. Dân chủ ngày càng được khẳng định về tính pháp lý và biểu hiện trên thực tiễn


Đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua nhiệm kỳ thứ XIV. Trải qua chặng đường 75 năm và qua mỗi khóa hoạt động của Quốc hội, tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước lại đặt ra những trọng trách mới. Có thể thấy dù hoàn cảnh nào, Quốc hội đều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng cải tiến, đổi mới, luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc.


Trong suốt hành trình của Quốc hội, người dân và cử tri cả nước luôn đặt trọn niềm tin vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước với những đại biểu đại diện mà họ đã tâm huyết bỏ phiếu lựa chọn. Thông qua Quốc hội đại diện đại biểu cho mình nhân dân thực hiện các quyền: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Nhân dân thông qua Quốc hội là đại biểu thay mặt cho mình để tiến hành lập hiến, lập pháp, quyết định lựa chọn Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội và con đường cách mạng mà mình theo. Các cương vị lãnh đạo quan trọng nhất đều phải được Quốc hội nhất trí bầu cử, tức là những người đại diện cho cử tri cả nước bầu để họ trở thành Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch nước, các bộ trưởng… Các vị lãnh đạo đều phải tuyên thệ thực hiện công việc vì lợi ích của quốc dân đồng bào, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.


Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 tạm thời chia cắt hai miền đã ấn định cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước trong vòng 2 năm. Nhưng do các lực lượng chống phá, phá hoại hiệp định khiến nhân dân ta lại phải trải qua một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhiều mất mát đau thương mới thống nhất được đất nước và tổ chức Tổng tuyển cử lần thứ hai vào năm 1976. Nhìn lại lịch sử để thấy, mỗi một cuộc bầu cử còn là biểu tượng cho một thành tựu cách mạng của nhân dân ta, khẳng định một mục tiêu xuyên suốt là xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân.


Cũng phải nói thêm rằng, những tư tưởng tiến bộ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Nhưng ngay tại nước Mỹ, phải đến năm 1920 phụ nữ mới được đi bầu cử và mãi đến năm 1966 người Mỹ gốc Phi trên toàn quốc cũng mới có được quyền bầu cử.


3. Dân chủ được hiến định, luật định, theo cách người dân lựa chọn


Hiến pháp năm 2013, văn bản pháp lý cao nhất quy định những vấn đề cơ bản của tổ chức Nhà nước đã ghi: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.


Về vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng, Hiến pháp quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.


Những căn cứ lịch sử và pháp lý trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo tất yếu và toàn diện của Đảng, mà trong đó có trách nhiệm đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ thị kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước; lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.


Đến nay, cơ quan chức năng và người dân Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa XV. Với tinh thần dân chủ, minh bạch, tính đến ngày 19/3/2021, Hội nghị hiệp thương đã được tổ chức lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người (trong đó 205 người do các cơ quan, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu. Quá trình hiệp thương đã chú trọng cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chú ý việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.


Dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực, để phát huy sức mạnh đoàn kết đưa đất nước ta đạt được nhiều thành tựu phát triển. Sự ủng hộ của nhân dân cùng với những chỉ đạo, điều hành sáng suốt, linh hoạt của Đảng, Nhà nước đã giúp chúng ta chiến thắng các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước. Cũng như vậy, mỗi một hành động đi bỏ phiếu sáng suốt lựa chọn đúng người đại biểu của nhân dân sẽ góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.


Những điều trên là những bằng chứng rõ ràng nhất đập tan những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống phá bầu cử.


Không gì có thể cản trở không khí ngày hội non sông. Người dân cử tri háo nức chờ đợi, đặt niềm tin tuyệt đối vào ngày hội lớn của toàn dân tộc, bằng việc làm thiết thực, thể hiện rõ quyết tâm sẽ phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và bộ máy nhà nước các cấp. Đây cũng là dịp để mỗi cử tri thể hiện trách nhiệm với lá phiếu của mình, thiết thực góp phần xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh, chính quyền phục vụ nhân dân.


Thông qua lá phiếu tự do, dân chủ, người dân có trách nhiệm chọn những đại biểu quy tụ được lòng dân, ý Đảng; mang hơi thở cuộc sống thực tế đến nghị trường, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, đưa đất nước phát triển, ngày càng có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế…/.


Trần Lê Minh


 (*) Hồ Chí Minh Toàn tập, T4, NXB. CTQG 2011, tr.153.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét