Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN THỰC TẾ SINH ĐỘNG

Những giọng điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về công tác nhân sự của Đảng ta là chiêu trò không mới, nhưng vẫn hết sức thâm hiểm. Tuy nhiên, dù có tinh vi và biến ảo tới đâu, chúng cũng không thể phủ nhận được thực tế: công tác nhân sự, công tác bầu cử đã và đang được Đảng ta lãnh đạo tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, minh bạch, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa XIII tập trung bàn một số nội dung quan trọng, trong đó, có việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là công việc cần thiết để chúng ta sớm kiện toàn, sắp xếp các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận dân chủ, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; đồng thời, cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước. Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự tại Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước để trình Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước. Cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao, Đảng ta tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Thực tế khẳng định công tác nhân sự đã và đang được Đảng ta tiến hành dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, bảo đảm số lượng và chất lượng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021, là đợt sinh hoạt dân chủ rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đảng ta khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử là hoàn toàn đúng Hiến pháp. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam,… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khẳng định vai trò lãnh đạo bầu cử nhưng Đảng ta không bao biện, không làm thay như giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực tế đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng không hề làm mất đi tính dân chủ mà đó chính là cơ sở để bảo đảm mở rộng dân chủ, cơ sở để cử tri lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho công tác bầu cử được tiến hành thống nhất và thành công. Để lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng các quy định của Luật Bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị lãnh đạo. Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được tiến hành đúng tiến độ, các khâu, các bước trong quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Việc phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu được tính toán kỹ lưỡng, khoa học bảo đảm sự phù hợp, tính đại diện cao cho các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội và các vùng miền trong cả nước. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đưa ra đòi hỏi “cân bằng quyền lực” là hoàn toàn trái luật. Chúng ta không ngăn cấm, cản trở công dân tự ứng cử, nhưng người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Điều 69 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Điều 113 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ HĐND: “...đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương...”. Điều 115 Hiến pháp 2013 cũng nêu Đại biểu HĐND “...đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...”. Để đáp ứng các yêu cầu ấy, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước hết phải là những người: “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật (...); có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…”; “Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết;...” (1). Như vậy, dù các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có tung hô, tô vẽ đến đâu đi chăng nữa thì các “nhà dân chủ” cũng không thể có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét