Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Sự ra đời, phát triển của chiến lược “diễn biến hòa bình”

Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ cần phải “đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”. Trước đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng ở nước ta.


Từ những biện pháp của “chiến lược ngăn chặn”…

Chiến lược "diễn biến hòa bình” ra đời vào thời kỳ chiến tranh lạnh trong bối cảnh quốc tế đang biến động phức tạp. Từ đó đến nay, chiến lược này liên tục được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động điều chỉnh, bổ sung trở thành một chiến lược tổng hợp, dùng biện pháp “phi vũ trang” là chủ yếu nhằm chống phá, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành và không ngừng lớn mạnh, phong trào cách mạng thế giới phát triển nhanh chóng. Trước tình hình so sánh lực lượng bất lợi, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ ráo riết tìm kiếm giải pháp chiến lược nhằm ngăn chặn "làn sóng cộng sản” từ Đông Âu và Liên Xô. Ở giai đoạn này, với “chiến lược ngăn chặn”, Mỹ chủ trương sử dụng thủ đoạn cứng rắn, đặc biệt là thủ đoạn quân sự với con chủ bài là bom nguyên tử để “ngăn chặn” sự phát triển và mở rộng của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Tổng thống Mỹ Truman từng nói: “Mỹ phải dùng quả đấm sắt và ngôn ngữ cứng rắn để đối phó với Liên Xô”.   


Xe tăng Liên Xô đỗ gần một lối vào điện Kremlin trên quảng trường Đỏ sau khi xảy ra vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev vào ngày 19-8-1991. Ảnh: AFP. 

Tuy nhiên, sau một thời gian, “chiến lực ngăn chặn” này không mang lại hiệu quả đáng kể. Đầu năm 1946, khi còn là đại diện lâm thời của Mỹ ở Liên Xô, G. Kennan đã kiến nghị với Nhà Trắng, phải thực hiện giải pháp ngăn chặn bằng thủ đoạn gieo vào trong lòng chế độ Xô viết những mầm mống tự thủ tiêu, làm "mềm hóa từng bước" để cuối cùng tan rã.

Trên cơ sở lý luận của Kennan, tháng 3 năm 1947, chính quyền Truman công bố chính thức thực hiện chiến lược “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản; phát động cuộc chiến tranh lạnh, đối đầu quyết liệt, toàn diện với Liên Xô bằng chiến tranh tâm lý, chạy đua vũ trang, cấm vận kinh tế, lập vành đai bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, trực tiếp can thiệp vào nội bộ nhiều nước (cả can thiệp vụ trang). Ngày 12 tháng 3 năm 1947, Truman đề nghị Quốc hội Mỹ viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ 400 triệu USD và cử nhân viên quân sự, dân sự đến giúp duy trì nên thống trị để các nước này không “ngả vào lòng cộng sản". Tháng 11 năm 1947, Mỹ đưa ra Kế hoạch Marshall, viện trợ 14 tỷ USD, giúp các nước Tây Âu phục hồi kinh tế sau chiến tranh, ép các nước này loại bỏ những bộ trưởng là cộng sản ra khỏi chính phủ liên hiệp và cài cắm gián điệp vào các đảng cộng sản, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng dân chủ" để gây chia rẽ, phá hoại tư tưởng từ bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Thực chất của các kế hoạch này nhằm “ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản và buộc các nước Tây Âu ngả theo và chịu sự chi phối của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, trong một bức thư gửi Tổng thống Truman, Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson khuyến cáo, "những người theo chủ nghĩa cá nhân ở Trung Quốc (phần tử theo chủ nghĩa dân chủ cũ, thân Mỹ) có thể tạo ra sự biến đổi từ bên trong, lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm sụp đổ chính quyền nhân dân...". Đối với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Ngoại trưởng F.Dulles (1953-1959) xác định, cần phải "giải phóng” họ khỏi chế độ cộng sản nhưng không phải bằng một cuộc chiến tranh mà bằng "biện pháp hòa bình", phi chiến tranh. Đồng thời, Mỹ cấu kết với 14 quốc gia phương Tây, bí mật thành lập “Ủy ban thống nhất quản lý thị trường xuất khẩu” (Feria, 1949) với mục đích cuối cùng là bao vây cấm vận đối với các nước xã hội chủ nghĩa.

… đến “chiến lược hòa bình” toàn diện

Bước vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, “diễn biến hòa bình” bước đầu trở thành chiến lược của chủ nghĩa đế quốc với tên gọi “chiến lược hòa bình”.

Kennedy sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã tuyên bố: “Nước Mỹ giống như con đại bàng trên Quốc huy hình lá chắn của tổng thống, chân phải của nó cắp cành ô liu còn chân kia cắp mũi tên, phải coi trọng cả hai chân như nhau”. Theo đó, Kennedy một mặt tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn (bao vây, cấm vận, chống đối), mặt khác vạch kế hoạch "hòa bình" với Liên Xô (6-1961), đề xướng "liên minh vì tiến bộ”, chi 20 tỷ USD viện trợ nhằm khắc phục ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Mỹ La-tinh, thành lập "đội hòa bình" ở châu Phi, điều chỉnh chiến lược quân sự "trả đũa ồ ạt" của Eisenhower trước đó thành chiến lược "phản ứng linh hoạt”, tiến hành “chiến tranh đặc biệt" ở Việt Nam.

Thời kỳ chính quyền Richard Nixon, bằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, đàm phán trên thế mạnh, Mỹ tuy vẫn coi trọng răn đe hạt nhân, nhưng đã điều chỉnh cục diện ôm đồm, giảm bớt lực lượng quân sự ở nước ngoài; tạo thế cân bằng giữa các nước lớn; tăng cường tiếp xúc hòa bình với các nước xã hội chủ nghĩa, lấy hòa hoãn thay dần cho “chiến tranh lạnh”, qua đó để thẩm thấu tư tưởng và văn hóa, tác động vào kinh tế, phá hoại quốc phòng, an ninh, gieo rắc hạt giống chống phá từ bên trong…  

Sang thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Mỹ khôi phục kinh tế, quân sự và vị thế quốc tế, tăng cường sức mạnh trên một số mặt. Các nước tư bản khác cũng vượt qua khủng hoảng, sản xuất bắt đầu phát triển. Lợi dụng các nước xã hội chủ nghĩa cải tổ, cải cách, mở cửa Mỹ đề ra dự án "dân chủ toàn cầu” nhằm ủng hộ sự xuất hiện của lực lượng "dân chủ” ở các nước cộng sản, tìm cách đả kích hệ tư tưởng Mác-xít, đề cao "dân chủ", "tự do” phương Tây, thúc đẩy sự hòa nhập kinh tế thế giới để lái cải cách đi chệch khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Mỹ ngầm đánh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời nghi binh chiến lược, tích cực tuyên truyền chạy đua vũ trang, thu hút Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa cái gọi là "chương trình SDI", kéo quân đội Liên Xô ra ngoài, chạy theo đối phó với "nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực, toàn cầu,” loại được công cụ sắc bén của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặc biệt là loại được lực lượng KGB ra khỏi cuộc chiến tranh ngầm” đang diễn ra gay gắt ngay trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ (1-1989), G.Bush đưa ra chiến lược “vượt trên ngăn chặn", trong đó linh hồn là “diễn biến hòa bình”, nhằm đưa cuộc đấu tranh vào trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa (bằng lực lượng phản động), làm cho các nước xã hội chủ nghĩa bị xô đẩy tới chỗ sụp đổ.  

Đến đây, "diễn biến hòa bình" từ vị trí là thủ đoạn của chiến lược "ngăn chặn", "vượt trên ngăn chặn" đã trở thành một chiến lược chống cộng toàn diện. Sử dụng chiến lược này, Mỹ và các thế lực phản động đã thu được kết quả, thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.


Hình ảnh Liên Xô hỗn loạn trước thời điểm tan rã hoàn toàn. Ảnh: AP 

Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ sau chính biến ở Liên Xô và Đông Âu

Ở thời kỳ này, Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược "can dự” nhưng có sự điều chỉnh nhất định, tăng cường "dính líu" vào các nước nhưng bằng các biện pháp "cứng rắn” hơn, trong đó coi trọng "đòn phủ đầu” để thực hiện cái gọi là "chủ nghĩa quốc tế riêng của Mỹ”. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong một cuộc điều trần ngày 17-1-2001, tuyên bố: "Chủ nghĩa quốc tế riêng của Mỹ sẽ không có bất kể sự nhún nhường nào khiến cho Mỹ phải rút lui khỏi thế giới, co về pháo đài của chủ nghĩa bảo hộ hoặc về một hòn đảo biệt lập”.

Sau sự kiện ngày 11-9, Mỹ ra sức lợi dụng cuộc chiến "chống khủng bố”, lấy cớ "kiểm soát việc sản xuất, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt" để tính toán, điều chỉnh chiến lược. Đặc biệt, sau khi lôi kéo đồng minh vào cuộc chiến “chống khủng bố” và một số nước lớn ngả theo mình, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước cấm tên lửa đạn đạo (ABM), đẩy nhanh việc thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD), thành lập Bộ tư lệnh Bắc Mỹ, tăng chi phí quân sự nhằm châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới, tăng cường khả năng răn đe để thực hiện ý đồ "xây dựng thế giới một siêu cường” do Mỹ đứng đầu. Mỹ trực tiếp can thiệp (cả bằng quân sự) vào nhiều nước để mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương, thông qua chiêu bài "dân chủ, nhân quyền” để can dự sâu hơn, nhằm "diễn biến hòa bình” đối với các nước, hoặc gây áp lực nhằm hướng lái các nước theo “quỹ đạo” của Mỹ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét