Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021
Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đòi hỏi tất yếu của lịch sử
Trải qua các thời kỳ thực tiễn đấu tranh khốc liệt, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và luôn đứng vững trên vũ đài chính trị, lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đánh đổ hoàn toàn chế độ thực dân, phong kiến và bè lũ đế quốc, xây dựng một nước Việt Nam mới gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, được nhân dân suy tôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam. .
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhanh chóng giữ địa vị lãnh đạo và được nhân dân giao cho trọng trách là Đảng cầm quyền. Đảng đứng ra nắm chính quyền không phải bằng những âm mưu chính trị, lật đổ để giành được và cũng không phải giống các chính đảng của giai cấp tư sản phương Tây giành được thông qua bầu cử, mà là kết quả của một quá trình đấu tranh vô cùng cam go, gian khổ, kể cả hy sinh xương máu của hàng triệu đảng viên và nhân dân mới có được. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: "Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ anh dũng. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù... Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn tù. Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận”[1].
Càng nhìn lại lịch sử của Đảng, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ XX, thời điểm đất nước Việt Nam được gọi là “đêm trường nô lệ” trong chế độ “thuộc địa nửa phong kiến” hà khắc, bên trong không có dân chủ, bên ngoài không có chủ quyền. Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Người dân An Nam luôn phải đối mặt với áp bức, bóc lột bởi sưu cao, thuế nặng và luôn bị khủng bố dã man bởi đòn roi, họng súng của quân thù. Khi chưa có Đảng tình hình đen tối như không có đường ra.
Lúc bấy giờ, trên vũ đài chính trị xuất hiện một số trào lưu yêu nước và một số đảng phái chính trị đều với mong muốn gánh vác sứ mệnh lịch sử cứu vớt dân tộc Việt Nam thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Tuy nhiên, trong tất cả các trào lưu có tính chất cách mạng ấy, chỉ có trào lưu cách mạng theo con đường vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và được đưa vào phong trào “vô sản hóa” ở Việt Nam là đứng vững. Những trào lưu khác như Cần Vương, trào lưu tư sản và tiểu tư sản đều bị chính thực tế lịch sử Việt Nam chối bỏ vì chúng hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu phát triển của dân tộc. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén chính trị đã tiến hành tổ chức vận động thành lập Đảng ở Đông Dương. Người đã biên soạn nhiều tài liệu, giáo trình tập huấn, tuyên truyền trong phong trào công nhân, tiến hành hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vây, sự ra đời của Đảng là đòi hỏi khách quan của thực tế lịch sử lúc bấy giờ, không phải tự nhiên mà có, cũng không phải muốn là được. Đảng ra đời đáp ứng được khát vọng lớn lao của toàn thể cần lao. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xóa tan đi cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong.
Trong quá trình vận động cách mạng, với tôn chỉ mục đích rõ ràng và bằng sự kiên trung của các chiến sĩ cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng giành được vị thế lãnh đạo và được sự ủng hộ rộng rãi của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Vì tin yêu Đảng, quảng đại quần chúng nhân dân đã một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, quyết tâm ủng hộ Đảng lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân Việt Nam đón nhận một cách tự giác lời tuyên thệ của Đảng, bởi họ hiểu chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể “dìu dắt được giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng toàn thể anh chị em bị áp bức bóc lột,… làm cho nước An Nam được độc lập, đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân” [2]. Sự thật thiêng liêng ấy đã giúp cho nhân dân tin vào Đảng, Đảng vững tin vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân mà chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác gềnh nguy hiểm đến bến bờ vinh quang. Chỉ 15 năm sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo ba cao trào cách mạng lớn: Cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành được chính về tay nhân dân; thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa- Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam.
Sau khi giành được chính quyền, khác với các đảng chính trị khác trên thế giới, khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền thì tự mình hưởng thành quả cách mạng, Đảng ta không làm như vậy mà chủ trương “dựng ra chính phủ công – nông – binh” và “mọi quyền lợi đều trao cho nhân dân”.
Đúng như lời cam kết mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra ngay từ khi vận động thành lập Đảng: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền lợi giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người”.
Những cam kết đó được minh chứng rõ ràng trong quá trình tổ chức cách mạng. Trước khi giành được chính quyền toàn quốc (Tháng Tám năm 1945), mặc dù Trung ương Đảng đã họp quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật trước lúc quân đồng minh đổ bộ vào, thời gian hết sức cần kíp nhưng Hồ Chí Minh đã chủ động ra Chỉ thị triệu tập Đại hội quốc dân gồm đại biểu của các giới, các đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng cứu quốc, các dân tộc, các tôn giáo, trong nước và Việt kiều (ở Thái Lan và Lào) về dự họp để hiệp thương chính trị, nhằm tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa của Đảng; hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể cách mạng kịp thời đứng lên phấn đấu, thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam “để lãnh đạo dân tộc giải phóng cho thắng lợi”. Ngoài những nội dung trên, Đại hội còn chuẩn bị cho một nước Việt Nam mới ra đời. Tại Đại hội, Đảng ta được ủy thác là Đảng cầm quyền, để thực hiện “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”; Chính quyền của nước Việt Nam ấy sẽ “do nhân dân bầu chọn, chứ không phải Đảng tự cử ra mà được”. Điều này, đặt cơ sở mang tính pháp lý cách mạng đầu tiên cho một chế độ mới sắp ra đời – chế độ của dân, do dân và vì dân ở nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý chuẩn bị cho sự cầm quyền hợp pháp của Đảng.
Trong lời Hiệu triệu của Đại biểu Việt Minh đọc trước 20 vạn đồng bào ngay trong ngày đầu tiên giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội (19-8-1945) đã nhấn mạnh: “điều cần nhất lúc này là chúng ta phải thành lập ngay một chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam, trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình. Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực thực hiện nguyện vọng tha thiết chung của toàn thể dân tộc ta là độc lập, tự do và hạnh phúc. Chỉ có Chính phủ nhân dân cách mạng mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo dân tộc ta đến một tương lai rạng rỡ, xứng đáng với quá khứ oanh liệt còn ghi trong quốc sử”[3]
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển là do chính đòi hỏi của lịch sử, cần có một tổ chức chính trị Đảng Cộng sản lãnh đạo để đánh đổ thực dân phong kiến, xây dựng một xã hội mới. chứ không phải Đảng áp đặt hay đòi hỏi cho mình mà được.
Sau cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, hoàn cảnh vô cùng phức tạp. Với tầm nhìn chiến lược và hiểu biết thực tiễn cách mạng thế giới sâu sắc, chỉ sau một ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã triệu tập phiên họp đầu tiên Chính phủ lâm thời, bàn những vấn đề cấp bách, đồng thời chủ trương “Chúng ta phải tiến hành Tổng tuyển cử Quốc hội và phải có một Hiến pháp dân chủ”[4]. Trước muôn vàn khó khăn của chính quyền còn non trẻ, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã kiên quyết lãnh đạo tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử ngày 6-1-1946 để nhân dân tự lựa chọn, bầu những đại biểu chân chính của mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-3-1946 Quốc hội họp kỳ thứ nhất bầu Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Chính phủ và trao quyền cho Người lập Chính phủ chính thức - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 11-1946), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản: Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Như vậy, mặc dù Đảng giành được chính quyền qua quá trình lãnh đạo cách mạng, nhưng Đảng được trao quyền lãnh đạo đất nước lại thông qua con đường luật pháp, bầu cử dân chủ mà ra.. Chỉ sau khi Quốc hội được bầu bằng cuộc Tổng tuyển cử và Quốc hội thông qua Hiến pháp thì quyền lực nhà nước của nhân dân ta mới được xác lập về mặt pháp lý. Đảng có trách nhiệm trọng đại lãnh đạo toàn dân tộc tiếp tục con đường cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Quyền lực của Đảng là do nhân dân và cả dân tộc Việt Nam tin tưởng giao cho chứ Đảng không đòi hỏi bắt buộc phải có sứ mệnh lịch sử đó.
Vì niềm tin của dân tộc, của nhân dân, Đảng đã hy sinh hết thẩy cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của nhân dân Việt Nam, làm chọn vẹn sứ mạng cao cả mà nhân dân giao cho. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng vĩ đại trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, ghi vào lịch sử dân tộc như như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Sau khi nước nhà thống nhất, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế - xã hội sau thời chiến, nhân dân ta lại giao cho Đảng trọng trách lãnh đạo dân tộc Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 (Điều 4) khẳng đinh: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Đây là sự lựa chọn tự giác của nhân dân và dân tộc. Mặc dù giai đoạn này Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là đảng duy nhất tồn tại và phát triển trên đất nước ta.
Năm 1986, sự yếu kém trong quản lý và tổ chức nền kinh tế sau chiến tranh bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế của Đảng do chủ quan duy ý chí, nóng vội, quen với thời kỳ bao cấp, Đảng ta đã mạnh rạn nhận ra những thiếu sót, khuyết điểm của mình với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” quyết tâm Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, từng bước đã đem lại niềm tin vững chắc cho nhân dân.
Năm 1991, trước những biến động của thế giới, đặc biệt sự đổ vỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu bị tan rã, nhân dân ta vẫn tin tưởng giao cho Đảng trọng trách, kiên trì con đường cách mạng đã lựa chọn, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo toàn dân tộc xây dựng nước Việt Nam độc lập và đi lên CNXH. Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều đó khẳng định ý trí và nguyện vọng của nhân dân ta về quyền lãnh đạo của Đảng chứ không phải Đảng cố đòi mà được.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, vươn lên tăng trưởng cao đứng vào tốp đầu thế giới là minh chứng sống động cho sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân và dân tộc Việt Nam về sứ mệnh lãnh đạo của Đảng.
Bước sang thế kỷ XXI, trước sự biến động mau lẹ của thế giới và xu thế hội nhập quốc tế, Đảng ta vẫn vững vàng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn thách thức. Trước muôn vàn sự chống phá ngày càng quyết liệt với nhiều âm mưu và thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch; “diễn biến hòa bình” và “tự diện biến” trong cán bộ đảng viên; những âm mưu vu cáo xuyên tạc sự thật về Đảng gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng… nhưng nhân dân vẫn một lòng, một dạ tin theo Đảng và vẫn giao trọng trách lớn lao cho Đảng lãnh đạo dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 2013 dù bị nhiều thế lực cản phá, xuyên tạc nhưng không thể nào lay nổi ý chí, nguyện vọng của hàng chục triệu con tim Việt Nam, Vai trò của Đảng, sứ mệnh lịch sử của Đảng vẫn được duy trì trong Điều 4 Hiến pháp và được nâng lên những bước phát triển mới: (1). Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. (2). Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. (3). Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, Hiến pháp khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng được Nhân dân và Dân tộc giao cho. Cũng vì lẽ đó, trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, mặc dù Đảng ta có những sai lầm vấp váp, có lúc, có nơi, sự sai lầm vấp váp sảy ra đến mức độ nghiêm trọng, gây băn khoăn, suy giảm lòng tin của nhân dân, là nỗi đau lớn của Đảng, nhưng với sự che trở, đùm bọc, góp ý chân thành của nhân dân, Đảng đã nhận ra để tự sửa chữa và làm trong sạch tổ chức của mình. Sự nhận diện những sai lầm, thiếu sót trong Đảng để tự khắc phục và chịu trách nhiệm trước Nhân dân là thể hiện tính Đảng tiên phong“là đạo đức, là văn minh” của Đảng. Đảng không sợ khuyết điểm, chỉ sợ không nhận thấy khuyết điểm để sửa chữa, để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng làm yếu đi tinh thần cách mạng của Đảng.
Tuy có sai lầm vấp váp, nhưng nhìn nhận khách quan, khoa học thì dù là ở “bên này” hay “bên kia” cũng không thể phủ nhận những nỗ lực to lớn của Đảng trên phạm vi toàn diện trong công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua. Kết quả to lớn ấy được thể hiện trên cả ba mặt chính: i. Sự ổn định của đất nước. ii. Mức độ phát triển kinh tế (có nhiều biến chuyển tích cực). iii. Xây dựng đời sống chính trị văn minh. Kết quả ấy khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, đáp ứng được tâm nguyện, lòng tin của nhân dân và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều tấm gương sáng đảng viên, nhiều tổ chức cơ cở đảng vẫn hàng ngày, hàng giờ vượt qua khó khăn thách thức, giữ vững phẩm chất chính trị, trước sau như một, trung kiên với lý tưởng cách mạng, phấn đấu vì lợi ích căn bản của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được nhân dân gửi gắm niềm tin, che trở, bao dung, hết lòng ủng hộ, nhất là mỗi khi Đảng biết nhận ra những sai sót, khuyết điểm của mình để nghiêm khắc sửa chữa.
Mỗi lần đến kỳ Đại hội của Đảng và họp Quốc hội, lại có đông đảo ý kiến nhân dân góp ý chân thành cho dự thảo các văn kiện Đại hội; các dự thảo luật, văn bản pháp luật… Hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013; 97 % đại biểu Quốc hội khóa XIII ấn nút tán thành tại kỳ họp thứ 6 là hợp với “lòng dân, ý Đảng”. Một lần nữa, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta đối với sứ mệnh lịch sử của Đảng.
Nhân dân Việt Nam vẫn luôn tin tưởng rằng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm bảo thực hiện được sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của dân tộc Việt Nam giao cho. Chắc chắn rằng, những người có lương tri, có tinh thần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc, không ai lại chống đối sự phó thác sứ mệnh lãnh đạo đất nước cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuân về, những bản hùng ca bất diệt về Đảng quang vinh lại vang lên, thấm sâu vào mỗi trái tim người dân Đất Việt./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chỉ có Đảng CSVN lãnh đạo thì chúng ta mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay
Trả lờiXóa