Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Chủ trương mở các chiến dịch tiến công quân sự giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tiến công quân sự nhằm đánh bại hành động địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta và giành lại vùng giải phóng bị địch tái chiếm, đến cuối năm 1974 ta đã giành lại phần lớn vùng địch lấn chiếm, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch và gây cho chúng tổn thất nặng nề. Riêng ở Nam Bộ, ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu 56.315 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh; gỡ 1.548 đồn bốt, giải phỏng tỉnh Phước Long và 4 huyện, 72 xã, 489 ấp, với 584.000 dân(4). Phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng lớn mạnh, mũi tiến công quân sự ngày càng mạnh lên, đẩy địch vào thế bị động, chống đỡ, bộc lộ ra rất nhiều điểm yếu. Đặc biệt, sự kiện tỉnh Phước Long là tỉnh đầu tiên được giải phóng, nhưng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bất lực không lấy lại được, đây là chiến thắng của đòn trinh sát chiến lược cực kỳ xuất sắc, cho ta khẳng định một lần nữa Mỹ rút khỏi miền Nam thì khó có thể quay lại. Đây là nhân tố quan trọng để Bộ Chính trị đề ra chủ trương mở các chiến dịch quân sự lớn giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận thấy tình hình miền Nam có chuyển biến lớn và có nhiều thuận lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị đợt một (10/1974) và đợt hai (7/ 01/1975), bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị chủ trương mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận đánh quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Để thực hiện thắng lợi quyết tâm đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu phải thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, đánh bại kế hoạch bình định, giành phần lớn vùng đồng bằng nông thôn miền Nam. Đối với mũi tiến công quân sự, Bộ Chính trị chủ trương mở những chiến dịch hợp đồng quân binh chủng của bộ đội chủ lực, đánh mạnh vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây là chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quân ủy Trung ương chỉ đạo, tổ chức mở các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết định đến việc đánh bại, đánh đổ hoàn toàn các đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cùng với chủ trương mở những chiến dịch hợp đồng quân binh chủng của bộ đội chủ lực, Bộ Chính trị chủ trương mũi tiến công quân sự phải kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân để đánh bại hoàn toàn kế hoạch bình định của địch. Bộ Chính trị chủ trương kết hợp giữa đòn tiến công vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa và đòn đánh phá “bình định” nông thôn, thực hiện uy hiếp, bao vây các thành thị lớn, nhất là Sài Gòn, phát triển phong trào đấu tranh chính trị lên quy mô lớn. Bên cạnh đó, mũi quân sự còn có nhiệm vụ phá hủy các cơ sở hậu cần và phương tiện chiến tranh của địch, làm cho địch mất nguồn dự trữ; đánh mạnh vào các cơ quan đầu não, triệt phá đường giao thông của địch. Đây là chủ trương quan trọng quyết định đến việc tiến công quân sự kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương. Chủ trương đấu tranh quân sự của Đảng trong giai đoạn 1973-1975 mang tính toàn diện, kịp thời và phát triển góp phần quan trọng, quyết định vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tính toàn diện, kịp thời, phát triển của chủ trương đấu tranh quân sự trong giai đoạn này thể hiện ở mức độ đấu tranh từ thấp đến cao. Từ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình theo điều khoản được ký kết tại Hiệp định Pari, phát triển lên đẩy mạnh tiến công quân sự với quy mô các trận đánh, chiến dịch vừa và nhỏ ngăn chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta và lấy lại vùng giải phóng bị địch lấn chiếm sau Hiệp định Pari. Khi thời cơ thuận lợi Đảng đã chủ trương mở các chiến dịch quân sự lớn, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn nhanh chóng đánh bại quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tính toàn diện, kịp thời còn thể hiện ở chủ trương coi trọng phát triển nghệ thuật chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, cách đánh đối với quân đội Việt Nam Cộng hòa, việc phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Coi trọng phát triển căn cứ địa cách mạng, đối tượng tiến công quân sự không chỉ có binh sĩ địch mà còn đánh phá cơ sở vật chất, hậu cần, phương tiện chiến tranh, cơ quan đầu não chính quyền và quân đội của địch. Chủ trương tiến công quân sự của Đảng trong giai đoạn 1973-1975 phát triển lên tầm cao mới về nội dung, quy mô, tính chất, nghệ thuật và là cơ sở quan trọng để Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các đơn vị, địa phương chuẩn bị lực lượng quân sự hùng mạnh, mở các chiến dịch quân sự lớn, đánh bại hoàn toàn quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước./.

1 nhận xét: