Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5 .

Thực tế cho thấy, từ những hoạt động thực tiễn của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm đến với Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Ngày 1/5 cũng sớm đến với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, từ đó trở thành ngày hội lớn, ngày Tết đầy ý nghĩa của nhân dân lao động cả nước. . NGÀY 1/5 TRỞ THÀNH NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO? Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động, dẫn đến mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc và đi liền cùng đó là các cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Một trong những nội dung quan trọng của các cuộc đấu tranh đó chính là vấn đề thời gian lao động. Đặc biệt, C. Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Vì thế, sau khi thành lập Quốc tế I (1864), tại Đại hội lần thứ nhất Quốc tế I (9/1866), vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - quốc gia có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Từ đây, yêu sách này dần lan rộng sang các nước khác. Nghị quyết của Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ họp tại thành phố Chicago (1884) nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Vì thế, ngày 1/5/1886, khi yêu cầu ngày làm 8 giờ không được đáp ứng, công nhân toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công, gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình... Hơn một năm sau ngày đấu tranh đó, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh ở Chicago đã bị chính quyền Mỹ xử tử, song chính quyền cũng buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ... 3 năm sau cuộc đấu tranh tại Chicago (1886), Quốc tế II được thành lập (1889). Dưới sự lãnh đạo của Ph. ĂngGhen, Đại hội lần thứ nhất - Quốc tế II đã quyết định lấy Ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai câp vô sản các nước. Từ đó, 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động và ngày này được kỷ niệm với quy mô thế giới. NGUYỄN ÁI QUỐC ĐẶC BIỆT QUAN TÂM ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG Vào thập niên 1920, trên hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, hòa mình với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, với đời sống của nhân dân lao động ở các quốc gia, tại nhiều châu lục, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tham dự một số lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Năm 1920, tại nước Pháp, mật thám Giăng ghi trong hồ sơ: "Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh kỷ niệm ngày 1/5 với nhóm đảng viên Xã hội ở Cremlanh- Bixéttơrơ. Anh đã lên diễn đàn, đề cập đến vấn đề đang được bàn trên báo L'Humanité: "Chương trình hoạt động của nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp"(1). Buổi tối Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1922, tại nước Pháp, Người đã dự "cuộc mít tinh kỷ niệm ngày 1/5 tại số 33 La Gơ rănggiơ ô Benlơ"(2). Ngày 30/4/1924, tại nước Nga, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư mời tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 tổ chức tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva; trong đó ghi rõ: "Theo đề nghị của Thành ủy Mátxcơva, Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản mời đồng chí ngày mai, 1 tháng 5, từ 12giờ đến 2 giờ chiều có mặt tại Hồng trường để nói chuyện với những người biểu tình" và đi kèm thư mời là Thẻ đi lại (GIẤY PHÉP ĐƯỢC ĐI LẠI KHẮP NƠI) do Bộ Tư lệnh bảo vệ Thủ đô Mátxcơva cấp, ghi cụ thể: "Thẻ đi lại công tác, cấp cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được quyền đi lại trên Quảng trường Đỏ trong ngày biểu dương lực lượng 1 tháng 5"(3). Tại Trung Quốc, trong Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1925, Nguyễn Ái Quốc cùng với những người cộng sản Trung Quốc tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông, để chuẩn bị thành lập Hội Nông dân tỉnh và thống nhất công tác lãnh đạo và đấu tranh của giai cấp nông dân trên địa bàn tỉnh... Không chỉ quan tâm đến vấn đề đời sống nhân dân lao động các nước tư bản, Nguyễn Ái Quốc còn đặc biệt quan tâm vấn đề này ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân lao động, nhất là ngày làm việc 8 giờ đã được ghi rõ trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930). Cụ thể, Chánh cương vắn tắt của Đảng nêu rõ: "Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; "đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến. Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Dựng ra chính phủ công nông binh. Tổ chức ra quân đội công nông"; "thủ tiêu hết các thứ quốc trái. Thâu hết sản nghiệp lớn (…) của tư bản đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công nông binh quản lý"; "thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo", "bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo", "mở mang công nghiệp và nông nghiệp", "thi hành luật ngày làm 8 giờ"(4)…

1 nhận xét: