Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG CAO TRÀO CÁCH MẠNG

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái. Con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử dân tộc mà còn phù hợp xu thế thời đại, hòa mình vào dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng thế giới. Trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng"(5); đồng thời, "phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày nghèo" và "trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút gì lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp"(6)… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, một làn sóng đấu tranh cách mạng đã nổ ra từ khắp thành thị đến nông thôn. Nhân dân lao động đã treo cờ Đảng ở nơi công cộng, rải truyền đơn ở các đường phố, công sở… Nhiều cuộc mít tinh biểu tình, bãi công, tuần hành thị uy được tiến hành ở nhiều nơi. Trên cơ sở đó, Đảng chủ trương lấy việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 để phát động một cao trào cách mạng rộng lớn trong toàn quốc. Trên hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn quốc đã mít tinh, biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5; đã thể hiện rõ sức mạnh của khối liên minh công - nông trong việc đấu tranh đòi quyền lợi và bày tỏ tình đoàn kết với giai cấp công nhân thế giới… Tại nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy Cưa, nhà máy diêm Bến Thủy (Nghệ An), hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với các giới thợ hỏa xa, thợ in, nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế. Cùng với đó, cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân nhà máy sợi Nam Định và cuộc mít tinh với 5.000 người tham dự được tổ chức tại rạp hát Thành Xương (Sài Gòn)… đã góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo. Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 15 không được tiến hành rầm rộ ở bên ngoài, song vẫn được tổ chức trong các lao tù của đế quốc. Các chiến sĩ cộng sản bị bắt giam trong nhà tù đã tổ chức kỷ niệm Ngày 1/5 để không chỉ giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng mà còn bồi đắp tinh thần, ý chí và quyết tâm cho cuộc đấu tranh sắp tới, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bước sang thời kỳ 1936-1939, lợi dụng điều kiện hoạt động công khai hợp pháp, Đảng lãnh đạo nhân dân lao động tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 một cách trọng thể, rộng lớn, nhằm đạt những mục tiêu cụ thể, thiết thực. Ở Sài Gòn, bộ phận công khai của Đảng tổ chức mít tinh có hàng ngàn người tham gia, với các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ, triệt để thi hành luật lao động, đòi tăng lương, giảm sưu thuế, chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình, ủng hộ Liên Xô và cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, Tây Ban Nha. Đặc biệt, cuộc mít tinh ngày 1/5/1938 tại trường Đấu xảo Hà Nội (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô ngày nay) đã thu hút trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau tham gia. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất nhằm biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động trong trong thời kỳ vận động dân chủ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Ngày 1/5 trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 -C/NV/CC về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; trong đó, công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm ở Việt Nam. Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56/SL quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng toàn quốc đồng bào! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày tết chung cho lao động cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”(7). Để cổ vũ, động viên nhân dân lao động cả nước trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến” (1/5/1951); "cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới” (1/5/1958) và Người đã gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh; trong đó, có việc xây lại Cầu Hàm Rồng (1/5/1964)… Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, miền Nam đã được giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đã phát triển rất nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và ngày càng đóng vai trò lớn trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo sản xuất ở tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hơn lúc nào hết, giai cấp công nhân Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong liên minh công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đi đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

1 nhận xét:

  1. Bác Hồ luôn quan tâm tới giai cấp công nhân, nhân dân lao động

    Trả lờiXóa