Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Tỉnh táo nhận diện và xử lý

Tác hại của những thông tin xuyên tạc, bịa đặt thế nào? Đã có nhiều dẫn chứng thực tế cho thấy sự nguy hiểm của chúng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, chỉ với thông tin bịa đặt là lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt, thị trường chứng khoán đã lao dốc, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng. Các tin đồn khác liên quan tới nông sản có độc cũng làm hàng vạn gia đình nông dân khốn đốn. Đó là những thông tin sai sự thật về kinh tế, còn với thông tin sai sự thật về chính trị, tác hại của nó thật khó "cân đong", sự nguy hiểm của nó còn tăng gấp bội vì theo PGS.TS.Đỗ Chí Nghĩa, nó đánh vào niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội. Trong một cuộc hội thảo do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, một đồng chí lãnh đạo Cục An ninh Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an) cho biết: Một trong những âm mưu của các thế lực thù địch là sử dụng báo chí, xuất bản và truyền thông, mạng xã hội làm phương tiện phá hoại tư tưởng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động lưu vong, 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường đăng tải tin bài, xuất bản những ấn phẩm có nội dung phản động, xuyên tạc chống Việt Nam. Chúng tăng cường khai thác, tập hợp những bài viết có nội dung phức tạp của một số đối tượng chống đối trong nước; sử dụng cả bài viết, thông tin liên quan tới lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi sửa chữa, biên soạn, viết bài, tác phẩm xuyên tạc tán phát vào Việt Nam… Mục tiêu của hầu hết những trang mạng này là nhằm phá hoại tư tưởng, kích động “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Đánh giá bản chất vấn đề này, Thiếu tướng, PGS.TS.Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng) nhận định: “Họ tiếp tục gieo rắc tư tưởng hoài nghi, chán chường, mất lòng tin vào tình hình phát triển của đất nước, vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; vào Nghị quyết Đại hội Đảng; kích động ý thức thù hận; tư tưởng chống đối, ý thức phản kháng, phản loạn trong một bộ phận nhân dân; gieo rắc tâm lý mong đợi về sự “thay đổi” chế độ bằng những tư tưởng “mới”, “khác lạ”. Mặc dù hết sức nguy hiểm, thâm độc nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế: “Vải thưa” không che được mắt… nhân dân. Thực tế cho thấy, công chúng ngày càng hiểu rõ hơn bản chất của những trang mạng tung tin xuyên tạc, bịa đặt hậu trường chính trị. Có thể thấy rõ hiệu ứng xã hội đối với dạng thông tin này. Hai lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm cũng là thời điểm các trang mạng đưa nhiều thông tin bịa đặt, bôi xấu một loạt cán bộ Quốc hội, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, âm mưu của chúng không thực hiện được. Thực tiễn năng lực quản lý, điều hành của cán bộ mới là thước đo đánh giá cán bộ chứ không phải những thông tin xuyên tạc của các trang mạng xấu. Đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong những hoàn cảnh cụ thể, có thể coi những trang mạng xuyên tạc, bịa đặt như một phần “tối”, phần “rác” không đáng kể trên con đường chúng ta đi. Vì thế, mục tiêu của chúng ta không phải chỉ là xử lý vài trang mạng cụ thể mà cần đấu tranh kiên trì, thường xuyên, có hệ thống với chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng như nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần nhìn nhận xử lý vấn đề này ở tầm cao hơn, toàn diện hơn./.

1 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa