Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

“Lịch sử để lại” hay chuyện “bắn” vào quá khứ

Lâu nay, trong nhiều trường hợp, không ít những người đứng đầu của cơ quan, đơn vị thường dùng cụm từ “lịch sử để lại” để nói về những việc đã có trong quá khứ, do người tiền nhiệm của họ quyết định, thực hiện, nhưng hệ lụy của chúng vẫn tồn tại đến bây giờ và bản thân họ phải gánh chịu. Cùng câu nói ấy, cùng hoàn cảnh ấy, nhưng cách ứng xử với thực tế công việc thì có nhiều dạng: người có ý thức trách nhiệm thì thể hiện ý thức công vụ, trách nhiệm người đảm nhận trọng trách để giải quyết hậu quả đó, nhưng cũng có người tặc lưỡi “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”; “cả làng mắt toét đâu chừa mình em”... Sau đây xin kể 3 câu chuyện có liên quan đến nội dung này. Chuyện “1 cõng 3” hay chuyện “con kiến mà leo cành đa”... Đã lâu không gặp nhau, hôm qua tôi gặp lại anh bạn đang là trưởng phòng của một cơ quan bộ. Sau vài câu hàn huyên, anh thổ lộ về tình hình công việc thời gian gần đây của mình. Số là sau khi được bổ nhiệm trưởng phòng, với năng lực và trách nhiệm bản thân, anh hăng hái, nhiệt tình công tác, có nhiều đóng góp cho công việc chung và nhận được sự đánh giá cao của tập thể cũng như người quản lý trực tiếp. Thời gian gần đây, phòng anh được bổ sung thêm mấy nhân sự mới vừa có bằng cấp chuyên môn phù hợp, vừa trẻ trung, nhiều hứa hẹn..., vì thế khối lượng công việc được giao cho phòng anh cũng tăng thêm. Thế nhưng, sau một thời gian anh phát hiện, thì ra những công việc tăng thêm đó đều chỉ giao cho anh trực tiếp thực hiện, với yêu cầu “nhanh, bảo đảm chất lượng”. Và tất nhiên là anh phải “cày ngày, cày đêm” cho kịp yêu cầu về chất lượng và tiến độ. Những nhân sự mới với đầy đủ bằng cấp cần thiết đó lại chỉ xuất hiện khi lãnh đạo quản lý trực tiếp phòng anh đến cơ quan, còn hằng ngày họ đều có những lý do và công việc rất chính đáng để vắng mặt, không tham gia công việc chung của phòng. Những lý do “tế nhị” và hoàn toàn “chính đáng” của họ khiến anh không thể phân công công việc, điều hành họ được, dù đó chính là quyền hạn, trách nhiệm của anh. Hỏi ra mới biết, cậu A là cháu đồng chí X, cô B là em họ đồng chí Y, anh C là em rể của đồng chí Z; mà các đồng chí X, Y, Z thì đều là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan. Từ câu chuyện này, nhớ lại sự ước lượng của nhiều người có trách nhiệm về tỷ lệ cán bộ, công chức đang được trả lương thật sự làm việc, có khả năng làm việc, chỉ là 30% trên tổng số. Cuối câu chuyện, anh ướm hỏi ý tôi về việc chuyển công tác sang cơ quan tôi, bởi qua ai đó giới thiệu, anh đã lọt vào “mắt xanh” của một số lãnh đạo cơ quan tôi. Tất nhiên, tôi chỉ có thể khuyên anh cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định, bởi tuổi tác của anh cũng tương đối cao, không phù hợp cho sự dịch chuyển lần nữa nếu không được như ý muốn. Nhưng điều tôi không thể nói với anh chính là, ở cơ quan tôi xem ra cũng có tình trạng như vậy. Chuyện “bố nó là ai?” Ở câu chuyện khác, tình huống của người trong cuộc còn khiến những ai chứng kiến phải thông cảm với nhân vật chính hơn nữa. Làm lãnh đạo, quản lý mà không phân biệt được “chỗ dựa” hay “sức mạnh tiềm tàng” của những cá nhân có liên quan, thì nguy cơ lâm vào cảnh “chết mà không biết nguyên nhân vì sao?” hoàn toàn có thể xảy ra. Nhân vật chính trong câu chuyện này là trưởng phòng biên tập của một tờ báo nọ. Một hôm, khi có sự kiện liên quan trực tiếp đến công việc của phòng, đến giờ chót anh “tá hỏa” khi phát hiện không có tin về hoạt động của đồng chí lãnh đạo cao cấp, lý do bởi cậu phóng viên được giao nhiệm vụ theo dõi, đưa tin lại là con trai của đồng chí lãnh đạo bộ - cơ quan chủ quản của đơn vị anh, có “việc gia đình đột xuất” và đã không báo cáo với anh để cử người thay thế. Rất may, anh được đồng nghiệp ở cơ quan báo chí khác “giải cứu” trong gang tấc, khi cung cấp đầy đủ hình ảnh và thông tin chi tiết về hoạt động của đồng chí lãnh đạo. Xong việc, anh ngậm ngùi tâm sự với người đồng nghiệp rằng, phải cắn răng mà làm thôi, bởi nếu không thì, “việc của nó” không hoàn thành, nhưng “trách nhiệm là của mình”; “mình phê bình nó thì bố nó ký quyết định cho mình đi làm công việc hành chính ngay tức thì”. Từ câu chuyện này và câu chuyện trên, có thể thấy ở một số cơ quan, đơn vị, không hiếm tình trạng các nhân viên có mối quan hệ thân thiết, khăng khít với lãnh đạo, được gửi gắm, nhờ cậy, được nhận vào cơ quan để chiếm một chỗ, chờ cơ hội thăng tiến, khi hoàn cảnh không thuận lợi lại tìm chỗ khác, hoặc nếu không thì làm việc theo kiểu “được chăng hay chớ”, gây khó khăn cho những người có liên quan cũng như ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công việc của cơ quan, đơn vị. Chuyện “tạo ra lịch sử mới” Tiếp tục câu nói “lịch sử để lại” đã dẫn ở phần mở đầu, có đồng chí lãnh đạo cơ quan nọ phát biểu như vậy về tình trạng thừa biên chế trong đội ngũ lao động cơ quan khi mới nhậm chức. Mặc dù vậy, trong quá trình lãnh đạo của mình, đồng chí đã bổ nhiệm, cất nhắc một số trường hợp, mà người có thông tin đều biết đó là sự trả ơn với người này vì đã giúp việc nào đó, ban ơn cho người kia vì một lý do khó nói. Dư luận trong đơn vị bình luận về phát ngôn trước đấy của đồng chí này và hành động trong thực tế của đồng chí rằng: Đổ lỗi cho lịch sử nhưng bản thân cũng tự tạo ra lịch sử mới của riêng mình; hoặc đã viết một bộ sử mới cho riêng bản thân mình... Trên thực tế, đây chính là biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” mà gần đây Đảng ta đang quyết tâm đấu tranh phòng, chống. Nước láng giềng của Việt Nam có một kinh nghiệm rất hay, đáng để tham khảo trong bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị là: khi được bổ nhiệm, phải sử dụng mọi nguồn lực hiện có để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, không được phép thay đổi chức năng, nhiệm vụ theo hướng bỏ bớt, không được xin thêm nguồn lực theo hướng “vay của tương lai để tiêu cho hiện tại, trả nợ cho quá khứ”. Nếu ai không làm được, lập tức thay thế; ngược lại, nếu cá nhân nào hoàn thành nhiệm vụ với những điều kiện đó sẽ được đánh giá cao, thậm chí là điểm cộng trong hồ sơ cán bộ, thuận lợi cho sự thăng tiến trong tương lai. Ngạn ngữ phương Tây có câu khi anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ đáp trả anh bằng đại bác. Câu ngạn ngữ đó áp dụng vào trường hợp này có thể hiểu, khi đổ lỗi cho lịch sử, có nghĩa thể hiện mình không có trách nhiệm với hoàn cảnh hiện tại có những yếu tố của lịch sử, đồng thời người cán bộ đó cũng bộc lộ sự không đáng tin trong hiện tại và tương lai. Khi người đứng đầu không chịu trách nhiệm tương xứng với vị trí, chức trách của mình, thì hậu quả do những hành động vô trách nhiệm của cá nhân đó sẽ vô cùng thảm khốc, lâu dài cho tổ chức mà cá nhân đó là lãnh đạo. Và như vậy, họ không xứng đáng được giao phó trọng trách./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét