Cái
giá phải trả cho sự ảo tưởng "quyền lực mạng"
Tối 24/3, Nguyễn Phương
Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðại Nam) bị cơ quan công an thành phố Hồ
Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân" theo Ðiều 331, Bộ luật Hình sự, đã làm "nóng" dư luận mấy
ngày qua
Theo cơ quan công an, quyết định nêu
trên được đưa ra sau một thời gian dài Nguyễn Phương Hằng lợi dụng sức ảnh
hưởng của bản thân, sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp
(livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của
người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tổ chức. Những hành vi của Nguyễn Phương Hằng
không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn trực tiếp gây mất an ninh trật tự trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Kết cục
vào vòng lao lý đối với Phương Hằng là điều đã được dự báo từ trước. Hằng đã
bất chấp các giới hạn chuẩn mực đạo đức và coi thường cả pháp luật. Pháp luật
ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của
mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ
pháp luật. Tự do ngôn luận, quyền được lên tiếng của bất cứ công dân nào cũng
không thể vượt qua "lằn ranh đỏ" của pháp luật. Luật pháp không cho
phép bất cứ ai vu khống, bôi nhọ, mạt sát, chửi rủa người khác. Luật pháp cũng
không cho phép một công dân được tự cho mình cái quyền là "quan tòa mạng"
để kết tội, chửi bới cá nhân và tổ chức.
Một thời
gian dài, Hằng được xem như "người hùng" trong mắt một số đám đông
trên mạng xã hội. Ðược tung hô quá mức, tâng bốc quá đà dẫn đến việc Phương
Hằng đã quá ảo tưởng về "quyền lực mạng" của mình, chà đạp lên những
cảnh báo, thậm chí cợt nhả cả với hình thức phạt hành chính, để rồi tự đẩy mình
vào vòng lao lý. Nhưng không ít người lại thích thú với cách nói, cách chửi như
vậy trên mạng xã hội, thậm chí họ còn coi Phương Hằng là thần tượng. Thậm chí,
trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hội nhóm ủng hộ Phương Hằng, chửi bới,
công kích nhóm khác không ủng hộ, dẫn đến hiện tượng thu thập trái phép thông
tin cá nhân để tố cáo nhau trên mạng; thậm chí tấn công một số trang báo đưa
tin phê phán hiện tượng phát ngôn bừa bãi của Phương Hằng. Từ những mâu thuẫn
trên mạng xã hội, nhiều người đã tìm gặp, ẩu đả lẫn nhau ảnh hưởng xấu đến an
ninh trật tự an toàn xã hội.
Bởi thế,
việc cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý vụ việc là cần
thiết, làm trong sạch môi trường mạng.
Chắc
chắn sắp tới cơ quan chức năng sẽ còn xử lý nghiêm các YouTuber đồng phạm,
"vệ tinh" của Nguyễn Phương Hằng trong hơn một năm qua. Chính nhóm
này đã lan tỏa, lôi kéo một lực lượng khá đông đảo ủng hộ Phương Hằng, làm
phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra một nhóm manh động để đe dọa
những người có ý kiến phản biện lại Phương Hằng.
Việc nổi
tiếng trên mạng xã hội có sức hút ghê gớm, làm mờ mắt nhiều người. Mạng thì ảo
nhưng hậu quả thì thật. Không ai có thể đứng trên luật pháp dù ở cương vị nào.
Vụ việc Phương Hằng bị tạm giam lần này là một bài học quý giá cho tất cả những
ai đang sử dụng mạng xã hội nói chung, cũng như phát ngôn trên mạng xã hội nói
riêng. Khi đã phát ngôn công khai trên không gian mạng, công khai trước công
chúng thì phải chịu trách nhiệm xã hội và trách nhiệm pháp lý về các phát ngôn
của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét