Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới


Tại tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, các đại biểu đều thống nhất quan điểm, để tiếp tục phát huy truyền thống quân đội, tô thắm danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh mới đòi hỏi toàn quân phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật của quân đội, thực hiện tốt các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 847-NQ/QU/TW ngày 28-12-2021 về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nghị quyết đã thể hiện tính lý luận, tính khoa học, tính thực tiễn, những yêu cầu cấp thiết và giải pháp cơ bản nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội phát triển lâu dài. Đồng thời, nghị quyết cũng đề cập rất rõ những đặc trưng cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ, có bổ sung nhiều ý mới, làm phong phú hơn nội hàm của vấn đề và những vấn đề cốt lõi không bị bỏ qua.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Để tiếp tục giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, ý kiến của các đại biểu thống nhất cho rằng: Cần tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự là tấm gương mẫu mực trong phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Để tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trước hết, cần giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo dựng niềm tin vào Đảng, vào chế độ, gắn chặt với việc giáo dục, rèn luyện kỷ luật và pháp luật của Quân đội và Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng. Nhắc đến một số vụ án và vụ kỷ luật của quân đội vừa qua, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nhấn mạnh sự cần thiết trong kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với giáo dục kỷ luật và pháp luật.

Song song đó, phải nêu gương sáng, gương tốt của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ có cơ cấu trong cấp ủy, sĩ quan trung, cao cấp; cho rằng, đây là một việc làm đặc biệt cần thiết và cấp thiết trong hoàn cảnh mới hiện nay.

“Từ trước đến nay ta thường nghe câu nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” hay “Cán bộ nào phong trào đó”, việc nêu gương sáng của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa và tác động rất lớn đến đơn vị, đến cấp dưới, chiến sĩ”, Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói.

Ở góc độ khác, GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh quan điểm “phải tiến tới”. Và để tiến tới cần phải học tập và rèn luyện suốt đời, học văn hóa và kỹ thuật quân sự, học chính trị để trau dồi lập trường tư tưởng vững vàng, học trong thực tiễn cuộc sống, rút kinh nghiệm trong chiến dịch, chiến trường, không chủ quan khinh địch. Công việc này không chỉ tự nguyện, tự giác mà còn phải có nghị lực, nêu cao trách nhiệm, nhất là ở người chỉ huy.

Một vấn đề khác được GS, TS Hoàng Chí Bảo nhắc đến là cán bộ, chiến sĩ toàn quân phải gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, nghĩa là phải làm tốt công tác dân vận, chú trọng binh vận, địch vận.

“Quân với dân phải như cá với nước, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội, quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân. Bộ đội trong  toàn quân, từ tướng lĩnh đến các binh sĩ phải luôn gần dân, sát dân, bám dân, giúp đỡ dân và hy sinh để bảo vệ dân. Phải làm gương mẫu về dân vận, sao cho đi dân nhớ, ở dân thương, dân tin, dân phục, dân yêu…”, GS, TS Hoàng Chí Bảo nói.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét