Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Giá trị to lớn của danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ"

 

Phát biểu tại tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trên thế giới, không có một dân tộc nào giống dân tộc ta, trong 77 năm qua, kể từ ngày giành lại độc lập đã phải tiến hành tới 3 cuộc chiến tranh vệ quốc với mục tiêu cao quý là giành độc lập cho Tổ quốc, thống nhất cho giang sơn, hạnh phúc cho dân tộc.

“Làm thế nào mà một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đánh thắng các thế lực ngoại xâm có tiềm lực vật chất hùng hậu gấp bội như vậy?”, đồng chí Vũ Khoan nói và khẳng định, nhờ xương máu, mồ hôi và những giá trị cao đẹp được kiên trì theo đuổi, Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần lớn lao vào sự nghiệp xây dựng và củng cố cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế mà đất nước ta có được ngày nay.

Đồng quan điểm, GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương thì nhấn mạnh: Tình cảm của Bác với quân đội và tình cảm của quân đội với Bác là một mẫu mực hiếm thấy về mối quan hệ giữa lãnh tụ với những cán bộ, chiến sĩ quân đội cách mạng, chỉ thấy ở Bác Hồ, ở danh xưng cao quý mà nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ dũng tướng mà còn là nhân tướng, là điển hình tiêu biểu cho các tướng lĩnh trong thời đại Hồ Chí Minh, thực sự là người Anh Cả của bộ đội Việt Nam.

Mẫu mực ấy còn thể hiện ở hành động dũng cảm hy sinh của lớp lớp chiến sĩ các thế hệ nối tiếp nhau cảm tử để Tổ quốc quyết sinh, tô thắm trang sử vàng truyền thống của quân đội ta, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bởi danh hiệu cao quý này có từ thời kháng chiến chống Pháp được nhân dân yêu quý trìu mến gọi cho đến ngày nay.

Những tấm gương hy sinh tính mạng cứu dân trong lũ lụt, trong dịch bệnh, điển hình như trong nhiệm vụ chống dịch Covid-19 vừa qua, những tấm gương cứu chữa hỏa hoạn có hóa chất độc hại hay làm nhiệm vụ quốc tế trong đội quân giữ gìn hòa bình ở những nơi xa Tổ quốc vô cùng khó khăn và thiếu thốn… là những hình ảnh tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ…

TS Ngữ văn Nguyễn Thị Hậu, Viện nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông và học liệu giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những chia sẻ rất xúc động về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ: Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người thân là Bộ đội Cụ Hồ nên từ tuổi ấu thơ, TS Nguyễn Thị Hậu luôn tự hào và cảm phục những anh Bộ đội Cụ Hồ từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” đến những chiến sĩ Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn” để “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”; rồi đến những bước chân vượt núi băng rừng: “Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”….

“Có thể nói, trong bất kỳ thời kỳ nào thì người lính vẫn là nòng cốt, giữ một trọng trách to lớn, cao cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Dù là trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ hay khi hòa bình thì họ vẫn luôn là linh hồn của kháng chiến, là niềm tin yêu và hy vọng của toàn dân tộc, là đứa con thân yêu của Tổ quốc Việt Nam”, TS Nguyễn Thị Hậu nhận định.

Tự hào và biết ơn quá khứ của dân tộc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, TS Nguyễn Thị Hậu mong muốn mỗi thầy cô, mỗi học sinh càng thêm phấn đấu để trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, giáo dục.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét