TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC PHÁT HIỆN VÀ TRỌNG DỤNG
NHÂN TÀI
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng
cho đến khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói và viết nhiều về sử dụng
người hiền tài, nhưng thông qua cách nhìn nhận, đánh giá, cách ứng xử, trọng
dụng, tập hợp người hiền tài vào đội ngũ những người làm cách mạng, Người đã để
lại bài học quý báu cho chúng ta trong việc đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng
người hiền tài phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh và xây dựng Tổ quốc. Năm 1925,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng
thanh niên, tập hợp những người trẻ tuổi, giàu nhiệt tình yêu nước, có tri
thức. Đây là sự mở đầu cho việc cầu hiền tài của Người, chứng tỏ Người sớm nhận
thức được vị trí, tầm quan trọng của nhân tài đối với sự nghiệp cách mạng. Chỉ
sau hai tháng lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nhân tài và kiến quốc, đăng trên báo Cứu quốc ngày 14-11-1945. Người cho
rằng, khi xây dựng đất nước cần phải có người tài, mặc dù người tài trong nước
là chưa có nhiều nhưng nếu biết cách lựa chọn, biết cách phê phán, biết cách
dùng thì ngày càng có nhiều người tài. Người cũng đã kêu gọi và khích lệ lòng
yêu nước của những người có tài năng, sáng kiến để họ hăng hái giúp nước nhà.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người hiền tài phải có đủ đức và tài, trong đó tài
năng là để giúp ích cho nước nhà, là đặt lợi ích dân tộc lên trên với tinh thần
tận tâm, tận lực.
Cùng với bài Nhân tài và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh
còn dùng những biện pháp mềm dẻo, linh hoạt để thu hút người có tài năng và
tinh thần yêu nước tham gia làm việc cho chính quyền mới. Tháng 1-1946, cuộc
Tổng tuyển cử đã tiến hành thành công, lập ra Quốc hội đầu tiên do nhân dân lựa
chọn. Điều đặc biệt, mặc dù các thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các
tầng lớp khác nhau,... nhưng họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết, chung tay
góp sức xây dựng chế độ mới. Có thể khẳng định, đây là cuộc chiêu hiền đãi sĩ
đầu tiên trong chế độ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành bài học quý giá
còn nguyên giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không
chỉ coi trọng tuyển dụng nhân tài mà
Người rất quan tâm đến bồi dưỡng nhân
tài. Ngay từ tháng 7-1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một số thanh niên
ưu tú Việt Nam sang Liên Xô để học tập và rèn luyện. Năm 1951, trong hoàn cảnh
khốc liệt của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa lớp cán bộ đầu tiên sang Liên
Xô đào tạo nhằm chuẩn bị đội ngũ “hiền tài” cho công cuộc kiến thiết đất nước
khi chiến tranh kết thúc. Trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi
nhiều thế hệ thanh niên ưu tú sang đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Vì thế,
sau năm 1975, chúng ta có trên 30.000 cán bộ có trình độ trung cấp kỹ thuật trở
lên, họ trở thành những nhà khoa học đầu đàn, là đội ngũ cốt cán của Đảng và
Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét