Nâng cao nhận thức về những hiện
tượng không phù hợp truyền thống văn hóa.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra
đời đến nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn khẳng định và tạo điều kiện để các
dân tộc ở Việt Nam chung sống bình đẳng, có quyền dùng tiếng nói, chữ viết
riêng, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống văn hóa của
mỗi dân tộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại một số hủ tục, tệ nạn mê tín dị
đoan, hiện tượng không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc gây bức xúc
trong dư luận, đòi hỏi cần được điều chỉnh.
Ngày 7/2/2022, dư luận xôn xao
trước sự việc một thiếu niên có hành động kéo, bắt ép một cô bé với mục đích bắt
về nhà làm vợ theo tục “Chắt Pò Nỉa” (tục kéo vợ). Nhờ sự giải cứu kịp thời của
các chiến sĩ công an địa phương, thiếu nữ này đã trở về nhà an toàn. Tuy nhiên
sau khi video ghi lại sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, lại có ý kiến trái
chiều cho rằng cơ quan chức năng “can thiệp quá sâu vào phong tục, tập quán” của
đồng bào dân tộc.
Cơ sở để các ý kiến này dựa vào
là chi tiết “hai thiếu niên đã quen biết nhau trên mạng xã hội”, “đám đông
chung quanh không can thiệp” để kết luận cả hai đã chấp nhận trở thành vợ chồng
nên phải được tôn trọng! Thực tế, những ý kiến như vậy đã vô tình bỏ qua hoặc tảng
lờ một sự thật là cả hai nhân vật trong vụ việc nói trên đều dưới 18 tuổi (nam
thiếu niên sinh năm 2006, nữ nạn nhân sinh năm 2008). Tức là dù cả hai “chấp nhận”
thì hành vi đó cũng vi phạm các quy định trong Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và
Gia đình, Bộ luật Hình sự hiện hành. Theo quan điểm của các cán bộ địa
phương, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số và đại diện của cộng đồng người
H’Mông ở Hà Giang, sự việc này là hành vi biến tướng, khiến xã hội hiểu sai về
bản chất của tục “kéo vợ”. Mặt khác, việc người chưa thành niên tự ý kết hôn
trái pháp luật thông qua hành vi “bắt vợ” và những hành vi cưỡng hôn khác còn
là một nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn hiện nay.
Điều đáng nói là một bộ phận người
dân vẫn lấy lý do duy trì phong tục, tập quán để thực hiện hành vi “tảo hôn”,
“hôn nhân cận huyết” vi phạm pháp luật Việt Nam, đi ngược sự phát triển văn
hóa, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kéo lùi sự phát triển của
kinh tế-xã hội.
Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của
đại dịch Covid-19, hiện tượng biến tướng lễ hội đã tạm thời lắng xuống. Song
không vì thế mà chúng ta được phép lơ là, chủ quan với loại hiện tượng này, nhất
là khi cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới, nhiều địa phương đã sẵn
sàng mở cửa các khu di tích lịch sử, tổ chức các hoạt động lễ hội.
Nếu không nâng cao nhận thức
trong đại bộ phận người dân và kịp thời chấn chỉnh, hình ảnh, danh tiếng của một
số lễ hội, tập tục không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc sẽ gây bức
xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp,
làm mất đi giá trị tinh thần thực sự và vẻ đẹp vốn có của các lễ hội và tập tục
truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét